Chiếc đèn dầu do mẹ Bùi Thị Diệp tự làm vào những năm 1970, 1971. Theo lời kể của mẹ Diệp: Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đời sống nhân dân Củ Chi gặp vô vàn khó khăn. Vì vậy, bà con đã tự sáng tạo ra rất nhiều đồ vật để phục vụ kháng chiến và sinh hoạt dưới địa đạo.
Chiếc đèn dầu được mẹ làm ngay tại địa đạo Củ Chi trong khoảng 1 tháng. Chiếc đèn được tự tạo từ 1 chai thuốc trừ sâu nhặt được ở ven đường. Phần chụp đèn được mẹ dùng van xe đạp gắn vào nắp chai. Một miếng vải nhỏ được mẹ tận dụng để làm bấc đèn. Đèn có hình trụ, cao khoảng 14cm, màu nâu. Phần thân đèn vẫn còn mờ mờ chữ “Cần Thơ” và ký hiệu thuốc trừ sâu.
Phần lớn cuộc đời kháng chiến của mẹ Diệp gắn liền với ngọn đèn dầu tự tạo này. Ngọn đèn được dùng để soi sáng dưới hầm địa đạo và trong các buổi họp, sinh hoạt chính trị những năm 1970, 1971. Khi con trai hy sinh, chiếc đèn được mẹ nâng niu, đặt lên bàn thờ con trai. Năm 2006, mẹ đã trao tặng nó cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Mẹ Bùi Thị Diệp sinh năm 1920 tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi (TPHCM). Năm 39 tuổi, mẹ công tác tại Công an xã Nhuận Đức, kiêm nhiều chức vụ khác nhau như: chính trị viên vận động bà con nhân dân tổ chức lại cơ sở đánh giặc tại vùng địa đạo. Mẹ Bùi Thị Diệp hoạt động cách mạng đến sau giải phóng 30/4/1975, sau đó về địa phương tiếp tục lao động sản xuất. Mẹ có 1 người con trai duy nhất, hy sinh khi mới 23 tuổi. |