Ký ức thanh xuân oai hùng của gần 1.000 nữ tù ở trại giam Phú Tài

Nhuận Kiệt
07/10/2020 - 10:08
Ký ức thanh xuân oai hùng của gần 1.000 nữ tù ở trại giam Phú Tài

Bà Nguyễn Thị Quyết (trái) và bà Ngô Thị Thanh Trúc xem lại nhưng tư liệu về đồng đội.

“Năm 1968, tôi bị bắt vào trại lúc 33 tuổi, ở phòng C5 trại 2 - phòng “cứng đầu”. Địch gọi tôi là “bà già”. Mỗi khi tra khảo thất bại, chúng đều điên tiết chửi “con mụ già lắm lời, cứng đầu, to gan phòng C5”, bà Nguyễn Thị Quyết (tên trong tù là Tám Chỉ, nguyên Bí thư Đảng ủy Trại giam Phú Tài) hồi tưởng.

Bà Nguyễn Thị Quyết (hiện 85 tuổi, ở TP Quy Nhơn, Bình Định) là một trong số ít nữ tù binh Phú Tài được tôi luyện, trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp. Từng vào ra nhiều trại giam nhưng khi biết điểm mình đang phải đến là Trại giam Phú Tài, bà Quyết vẫn không khỏi rùng mình vì đã hiểu rõ động cơ đê hèn, thâm độc của địch. "Tôi xác định vào chốn lao tù là bị tra tấn dã man, song với nữ tù binh, nỗi khổ lớn nhất là cuộc sống mất vệ sinh. Nỗi đau lớn nhất là tra tấn, hành hạ nhằm vào đặc điểm nhạy cảm của nữ giới, để lại những ám ảnh, vết thương tinh thần không gì có thể bù đắp nổi", bà Quyết tâm sự.

Ký ức thanh xuân mà oai hùng của gần một nghìn nữ tù binh trại giam Phú Tài  - Ảnh 1.

Ban liên lạc nữ tù binh Phú Tài trong một dịp thăm lại trạm giam.

Song, tất cả sự tra tấn, đòn roi dã man của kẻ thù càng khiến những nữ tù binh như bà Quyết chứng tỏ bản lĩnh kiên cường của nữ chiến sĩ cách mạng. Điều kiện sống trong trại giam vô cùng khắc nghiệt, nhiều nữ tù thường xuyên tuyệt thực dài ngày để đấu tranh, nhất là dưới đòn roi tra tấn, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần của kẻ địch. Họ với tuổi đời chỉ trên dưới đôi mươi đã bị địch chế giễu gọi là "mụ già". Nhưng với lịch sử, họ là chứng tích cho tuổi thanh xuân rực rỡ nhất của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong số các nữ tù binh ở trại giam Phú Tài, nữ tù Nguyễn Thị Quyết - Tám Chỉ vốn là đảng viên, Bí thư Chi bộ từ trước khi vào tù. Với bản lĩnh tiên phong của người đảng viên cộng sản, dù bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng ngay khi mới gượng được dậy, bà đã khởi xướng việc thành lập Đảng ngay trong nhà tù Phú Tài. Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 19/8/1968, Đảng ủy Trại giam Phú Tài với biệt hiệu "BK" (bất khuất) ra đời. Ban Chấp hành gồm 7 đồng chí do chị Tám Chỉ, cán bộ phụ nữ tỉnh Bình Định, làm Bí thư.

Từ sự ra đời của Đảng ủy "BK", một số tổ chức quần chúng khác nhanh chóng được thành lập như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đội quyết tử, đội xung kích… với các nhiệm vụ, mục tiêu nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng và xây dựng mặt trận chống địch trong trại giam Phú Tài.

Với làn sóng cách mạng lan rộng trong trại giam, 4 tổ học văn hóa tại đây cũng ra đời. Không ai nghĩ, trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến tận cùng ở chốn lao tù này, các nữ tù binh đã nhanh chóng biến trại giam Phú Tài thành trường học, với nhiều cô giáo ngay trong các phòng giam. 

Cựu nữ tù Nguyễn Thị Quyết nhớ lại: "Không chỉ có vậy, đội văn nghệ "TK" (trung kiên) cũng ra đời. Đây là nơi hội tụ hơn 30 cá nhân năng khiếu đa dạng với hát, múa, sáng tác kịch, thơ, chơi nhạc… Tất cả như liều thuốc tinh thần làm dịu cơn đau, xua đi u tối ở chốn lao tù và cổ vũ ngọn lửa đấu tranh cách mạng của các nữ tù binh ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tuổi thanh xuân đẹp nhất khi được cống hiến cho Tổ quốc

Bà Quyết kể thêm: Trong khó khăn, thiếu thốn về đồ dùng, quần áo, các nữ tù binh trong các tổ chức đã tự sáng tạo kim may, tận dụng vải mùng, bao tải rách làm vải. Lấy lá cây tạo màu cho vải, gỡ các bao tải để tạo ra chỉ thêu… Trong điều kiện lao động lén lút, không ít lần bị địch phát hiện và phá hoại, tra tấn nhưng sau đó, chị em vẫn tỉ mẩn, hăng say để may thành công 8 bộ áo dài cùng hàng chục bộ trang phục văn nghệ, hàng trăm bức thêu.

Cho đến tận bây giờ, niềm xúc động sâu sắc khắc ghi trong tâm các nữ tù ngày ấy là bức tranh thêu tả thực mang dòng chữ "Hận thù nhớ mãi" của chị Trần Duy Vinh (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) thêu cảnh chị Trần Thị Xong (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) bị địch còng hai tay, treo trên hàng rào dây thép gai và tra khảo đến chết, vào năm 1968. Bức thêu được toàn tập thể nữ tù lén truyền cho nhau xem và coi đó như một lời thề đoàn kết, tiếp tục anh dũng chiến đấu đến cùng để mãi xứng đáng với người nữ tù cộng sản đã nằm xuống.

Ký ức thanh xuân mà oai hùng của gần một nghìn nữ tù binh trại giam Phú Tài  - Ảnh 3.

Các nữ tù binh biểu diễn tiết mục tự biên “Phú Tài nổi sóng” tại Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) vào tháng 6/1973 sau khi được trao trả

"6 năm trong địa ngục trần gian dành cho giới nữ, với bao di chứng đi theo các nữ tù suốt cả cuộc đời nhưng với mỗi người chúng tôi, đó chính là tuổi thanh xuân đẹp và ý nghĩa nhất khi chúng tôi đã cống hiến tuổi trẻ để phụng sự cho đất nước", bà Võ Thị Thanh Quyết (68 tuổi, nữ tù binh trẻ nhất khi đó, hiện sống ở Quy Nhơn) tự hào bộc bạch.

Theo Trưởng Ban liên lạc nữ tù binh Phú Tài Ngô Thị Thanh Trúc, sau ngày trao trả tù binh, đa số chị em vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, cống hiến đến ngày hòa bình. "Trở về cuộc sống đời thường, chúng tôi vẫn động viên nhau phát huy phẩm chất trung hậu, đảm đang, khéo vun vén hạnh phúc gia đình và nỗ lực đóng góp cho xã hội nếu còn sức khoẻ".

Nhiều tấm gương tiêu biểu trong thời bình như bà Trần Thị Dư (huyện Tuy Phước) tâm huyết tham gia công tác từ thiện nhân đạo suốt nhiều năm qua. Bà Trương Thị Phụng (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cùng với chồng cũng là một cựu tù cách mạng, cả hai đều thương binh hạng nặng nhưng là điển hình sản xuất giỏi, tạo dựng kinh tế khá và nuôi 4 con đều tốt nghiệp đại học, thành đạt…. "Mỗi lần gặp nhau ôn lại kỷ niệm, chúng tôi đều dành cho nhau cả nước mắt lẫn nụ cười tự hào, hạnh phúc đã ấp ủ và kéo dài suốt từ tuổi thanh xuân cho đến những năm tháng cuối cuộc đời mà không ai đo đếm được", bà Trúc nghẹn ngào chia sẻ.

Trại giam Phú Tài (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là 1 trong 6 trại giam trung ương do chính quyền Mỹ - ngụy xây dựng. Đây là nơi giam cầm 904 nữ tù binh của 30 tỉnh/thành. Trại giam đi vào hoạt động từ tháng 6/1967, giam giữ tù binh nữ ở khắp các chiến trường từ phía Nam vĩ tuyến 17 trở vào Cà Mau.

Tính đến ngày trao trả tù binh (15/2/1973), gần 1.000 phụ nữ, đa số tuổi đời rất trẻ, chưa lập gia đình đã trải qua 6 năm ở nhà tù này. Tính đến tháng 7/2017, Ban liên lạc nữ tù binh Phú Tài đã thống kê được 832 người còn sống. Trong đó, chiếm số lượng đông nhất là ở Bình Định với 243 người, tiếp đến là Quảng Nam 95 người và một số tỉnh/thành khác.

Nhắc đến lịch sử của trại giam Phú Tài, ông Phan Thành Lang, Chủ tịch Hội cựu tù chính trị cách mạng tỉnh Bình Định, tự hào cho biết: "Phát huy phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, được tôi luyện qua cách mạng, các nữ tù binh trại giam Phú Tài đã sống xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" và sự tôn vinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Ngày 1/9/2020 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho 15 tập thể thuộc Bộ Quốc phòng có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong số đó có tập thể Nữ tù binh Trại giam Phú Tài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm