Ký ức Vị Xuyên - niềm tự hào mang tên Tổ quốc

Thảo Miên
27/07/2022 - 12:10
Ký ức Vị Xuyên - niềm tự hào mang tên Tổ quốc

Vợ chồng ca sĩ Ánh Tuyết trong một lần trở về Vị Xuyên

Đã 35 năm kể từ ngày liệt sỹ Lê Văn Phương (Trung đoàn 165, Sư đoàn 312) hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Trong ký ức của gia đình, đồng đội, nụ cười, tiếng hát, trái tim tuổi hai mươi của anh vẫn sống mãi.
35 năm nhớ khôn nguôi người nằm xuống

Từ nhiều năm nay, thành thông lệ, cứ mỗi dịp trước ngày giỗ hoặc Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, đại gia đình liệt sỹ Lê Văn Phương (Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội) lại tề tựu đông đủ anh em, con cháu cùng hành hương về Nghĩa trang Liệt sỹ Phủ Lý (Hà Nam) thắp hương cho anh. "Chú Phương là con trai thứ 4 trong gia đình có 9 anh chị em. Chú là người rất vui tính, thích ca hát. Hồi chú Phương nhập ngũ, tôi mới 7-8 tuổi. Hồi ấy còn bé nhưng tôi rất nhớ, mỗi khi chú về phép là nhà ông bà tôi lại rộn ràng hẳn lên vì tiếng nói cười, tiếng hát của chú ấy. Là cháu đầu trong nhà nên từ nhỏ, tôi được chú rất yêu chiều", ca sĩ Lê Ánh Tuyết, cựu thành viên nhóm nhạc "Con gái", hiện công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, bồi hồi nhớ về người chú ruột liệt sỹ.

Ký ức Vị Xuyên - niềm tự hào mang tên Tổ quốc - Ảnh 1.

Ca sĩ Ánh Tuyết, cháu ruột liệt sỹ Lê Văn Phương

Ánh Tuyết cho biết, nhiều chục năm trôi qua nhưng chị không thể nào quên được không khí "thực sự kinh khủng" của gia đình mình ngày ấy: "Một đêm, bố tôi mơ một giấc mơ rất lạ: Chú Phương về, tay cứ ôm chặt bụng kêu đau. Hôm sau, khi bố tôi kể cho mọi người trong nhà nghe về giấc mơ của mình thì ông nội bảo, ông cũng mơ y hệt như vậy. Cả nhà lấy làm lạ, chỉ sợ có điềm gì gở. Mọi người động viên nhau, chắc là lâu lâu chú Phương chưa được về phép thăm nhà, ai cũng nhớ nên ông nội và bố tôi mới mơ như vậy. 

Những ngày sau đó, thi thoảng, tôi hay thấy bà nội lén mọi người ngồi khuất một góc sụt sịt… Vài tuần sau, mẹ của chú Quân là bạn thân của chú Phương (cùng tham gia nhập ngũ, đóng quân ở Vị Xuyên với liệt sỹ Lê Văn Phương - PV) sang nhà chơi và cho ông bà tôi biết là chú Phương bị thương. Linh cảm mách bảo, ông bà tôi gặng hỏi mãi, cuối cùng, mẹ của chú Quân phải nói thật là chú Phương tôi đã hy sinh. Cả nhà tôi chết lặng. Hai bà mẹ ôm nhau khóc.

Những ngày sau, bà tôi cứ ra vào ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Ông tôi cả ngày ngồi lặng câm bên chiếc bàn nhỏ cạnh ô cửa sổ, rít thuốc lào suông. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại tiếng rít thuốc lào của ông, tôi vẫn thấy gai người. Dường như bao nỗi buồn đau, bao nhiêu ẩn ức, ông nội tôi trút cả vào tiếng rít thuốc ấy. Nhìn ông tôi như thế, bà nội tôi chẳng dám khóc thành tiếng, ra vào như một cái bóng. Bác cả và các cô chú tôi cũng vậy, chỉ lặng lẽ đến bữa thắp hương cúng cơm cho chú rồi khóc giấu khóc giếm. Ngày thường, căn nhà nhỏ của ông bà tôi luôn rộn rã tiếng nói cười nhưng từ độ nhận tin chú tôi hy sinh, cuộc sống trở nên nặng nề, u buồn. Đến bọn trẻ con chúng tôi cũng chẳng đứa nào dám cười đùa".

Tiếng hát kết nối những linh hồn

Ký ức tuổi thơ ám ảnh trong tiềm thức khiến Ánh Tuyết luôn nung nấu mong ước, sau này lớn lên sẽ tìm về chiến trường của chú. Và chị đã được thoả nguyện khi một lần lên Hà Giang công tác vào năm 2015. Chị đã nhờ một cán bộ Biên phòng đóng quân ở cửa khẩu Thanh Thuỷ đưa mình đến hang Dơi, nơi liệt sỹ Lê Văn Phương đóng quân và hy sinh. "Lúc đặt chân đến đó, cảm giác của tôi thật lạ. Trong đầu tôi cứ như vang vọng tiếng nói của chú dặn dò tôi phải làm cái nọ cái kia. Một sự vô hình rất khó gọi tên và lý giải cứ đeo đẳng, ám ảnh tôi", chị Ánh Tuyết chia sẻ.

Ký ức Vị Xuyên - niềm tự hào mang tên Tổ quốc - Ảnh 2.

Vợ chồng ca sĩ Ánh Tuyết trong một lần trở về Vị Xuyên

Từ những âm thanh vừa như thực, vừa như mơ mà giác quan "bắt sóng" được, chị Ánh Tuyết quyết tâm tìm kiếm, kết nối các cựu chiến binh là đồng đội của chú mình. Song song với việc tìm lại đồng đội của người chú liệt sỹ, một trong những việc chị Ánh Tuyết làm đó là "bằng mọi giá, phải tổ chức được một chương trình âm nhạc tri ân các liệt sỹ ngay tại nghĩa trang Vị Xuyên". Suốt 2 năm 2016-2017, nhờ sự chung tay của chính quyền, các cơ quan đoàn thể, cá nhân, đến năm 2018, đền thờ các Anh hùng liệt sỹ Vị Xuyên được khánh thành. Ánh Tuyết đã tham gia tổ chức thành công chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên. Nhớ lại, Ánh Tuyết rưng rưng nói: "Tôi đã đứng ở nhiều sân khấu trong và ngoài nước nhưng cảm xúc đứng hát giữa nghĩa trang Vị Xuyên vô cùng khác biệt. Hát "Hoa sim biên giới" và "Màu hoa đỏ" trên sân khấu và giữa nơi an nghỉ của các liệt sỹ bằng tiếng vọng của trái tim, bằng lòng kính trọng, sự ngưỡng vọng lớn lao".

Kể từ buổi biểu diễn tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên năm ấy, cứ đến hẹn lại lên, trước ngày 27/7, ca sĩ Ánh Tuyết cùng các đồng nghiệp ở Nhà hát Tuổi trẻ lại tổ chức chương trình hát cho những người lính tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19, ca sĩ Ánh Tuyết cùng một số bạn bè, đồng nghiệp vẫn tổ chức đêm diễn với quy mô nhỏ, tri ân các anh hùng liệt sỹ Vị Xuyên. Năm nay, Ánh Tuyết vừa tổ chức buổi diễn vào đêm 16/7. Chị bảo: "Mỗi khi cất tiếng hát ở Vị Xuyên, tôi như cảm thấy mình đang kết nối linh hồn của các anh. Giữa ánh nến lung linh, tôi như nhìn thấy hàng ngàn gương mặt của các chiến sĩ trẻ với nụ cười thanh xuân bất tử. Tôi và các đồng đội của chú Phương tâm niệm, hằng năm, đêm tôi hát ở Vị Xuyên sẽ là đêm "gặp gỡ" tâm hồn của những người lính Vị Xuyên ở hai thế giới".

Không chỉ thực hiện ước nguyện trở về hát ở mặt trận Vị Xuyên, bắt nguồn từ tâm nguyện của Ánh Tuyết, chồng chị là NSƯT - Đạo diễn Phạm Lê Nam, Phó Giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân, đã thực hiện nhiều bộ phim tài liệu về Vị Xuyên như: "Một tấc đất không lùi"; "Câu chuyện về ngôi nhà chung trên điểm cao", "Gửi năm tháng sống tặng đồng đội tôi"…

Niềm tự hào mang tên Tổ quốc

Trong câu chuyện và những hồi ức về liệt sỹ Lê Văn Phương, ca sĩ Ánh Tuyết thừa nhận, trải qua sự mất mát bởi chiến tranh, chị và gia đình mình thấu hiểu rất rõ nỗi đau của hàng triệu gia đình Việt Nam có con em là thương binh, liệt sỹ. Nhưng chị cũng khẳng định, khi chúng ta biết vượt lên nỗi đau cá nhân để nghĩ đến quê hương, đất nước thì chúng ta sẽ nhận ra giá trị của sự hy sinh. Khi sự hy sinh của mỗi cá nhân, mỗi gia đình hoà vào niềm tự hào mang tên Tổ quốc thì nó trở nên thiêng liêng và ý nghĩa vô cùng.

Có những giá trị vô giá phía sau sự hy sinh của chú tôi và đồng đội của ông. Nếu 35 năm trước, ngày chú tôi ngã xuống là ngày tháng u buồn của đại gia đình tôi thì giờ đây, mỗi ngày giỗ của chú, hay dịp 27/7 là dịp đại gia đình chúng tôi cùng đồng đội của chú quây quần hàn huyên, sum họp bên nhau”.

Ca sĩ Ánh Tuyết, cháu ruột liệt sỹ Lê Văn Phương

Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết, đâu đó trong cuộc sống này, đã có lúc chị thấy mất phương hướng, thấy lung lay niềm tin nhưng rồi trong hành trình kết nối đồng đội của chú mình, chị nhận ra rằng, cuộc đời này còn nhiều điều cao cả, tươi đẹp vô ngần. Có những con người bình dị xung quanh ta chính là biểu tượng của sự hy sinh, vị tha, cao đẹp và bất tử.

"Năm 2016, trong lần tổ chức cho gần 100 cựu chiến binh Vị Xuyên về thăm lại chiến trường xưa, nhìn những người lính mười tám, đôi mươi năm nào giờ tóc đã bạc ôm nhau khóc oà mà tôi chẳng thể cầm lòng. Phút giây ấy, tôi tự hứa với lòng mình phải sống tốt, sống thật tử tế để không hổ thẹn với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã dâng hiến thanh xuân cho năm tháng bình yên này. Sau này, mỗi lần từ Vị Xuyên về, tôi lại nói với con gái mình: Con ạ, con và các bạn mình ít nhất phải một lần lên Vị Xuyên. Các con cần phải nghe câu chuyện về sự hy sinh của những người lính trận, để con thấy rằng mình phải sống sao cho thật xứng đáng với sự hy sinh đó", Ánh Tuyết bộc bạch.

Hơn 3 thập kỷ với nhiều đổi thay, bố mẹ liệt sỹ Lê Văn Phương đã lên "chuyến tàu đoàn tụ" cùng anh ở một thế giới khác. Đồng đội xưa của liệt sỹ Phương giờ cũng đã tuổi ngả về chiều. Thời gian có thể giúp chúng ta nguôi ngoai phần nào nỗi đau chiến tranh nhưng không thể xoá mờ ký ức hoa lửa trong trái tim những người đang sống.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm