Lâm Đồng: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai và nhân rộng

PV
17/07/2025 - 13:49
Lâm Đồng: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai và nhân rộng

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai và nhân rộng

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù tại địa phương để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo cho nhóm DTTS, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều dự án riêng cho nhóm đối tượng người DTTS, đặc biệt là nhóm hộ nghèo, thuộc địa vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Một trong những dự án nổi bật được tỉnh triển khai tích cực trong những năm qua là lấy tiềm năng, thế mạnh của vùng miền làm cơ sở để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Theo đó, dựa vào những ưu thế đặc thù của địa phương miền núi, tỉnh Lâm Đồng chú trọng tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, kết hợp chuỗi giá trị, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Điển hình với các tiểu dự án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, kết hợp; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Từ đó, các địa phương đã tích cực tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình canh tác, sản xuất để nâng cao chất lượng và hiệu quả, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người nghèo vùng đồng bào DTTS.

Lâm Đồng: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai và nhân rộng- Ảnh 1.

Tận dụng tiềm năng đồng bào DTTS, tỉnh Lâm Đồng từng bước giảm nghèo bền vững

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng, gắn với dân bản tại các huyện như: Đam Rông, Lâm Hà và Di Linh, với mô hình trồng dâu nuôi tằm, nuôi dê lai Boer, bò cao sản, vườn cây cà phê. Đơn vị này đã tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp cây giống, con giống, vật tư; thực hiện 3 mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho 389 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ tiếp cận với phương thức sản xuất hiện đại hơn.

Tiêu biểu trong đó là gia đình chị Ka M'Rao (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Trước đây, gia đình chị chỉ trông chờ vào cây bắp, lúa nước, nhưng sau khi được hỗ trợ nông cụ và tham gia tập huấn kỹ thuật, chị đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng dâu nuôi tằm.

Mỗi kén tằm đạt tiêu chuẩn được thu mua với giá 180.000 – 200.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định và cải thiện rõ rệt cuộc sống gia đình. Điều này cho thấy sự thành công của các mô hình này trong việc cung cấp kiến thức, kỹ thuật và vật tư đầu vào kết hợp với sự chuyển đổi tư duy sản xuất; tầm quan trọng của việc đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu và đặc thù của vùng DTTS. 

Nhiều hộ dân đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã hình thành và phát triển mạnh các sản phẩm đa dạng như rau, hoa, cà phê, chè, sầu riêng, cây ăn quả, dâu tằm cùng với chăn nuôi gia súc (bò sữa, bò thịt, heo), gia cầm, cá.

Lâm Đồng: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được triển khai và nhân rộng- Ảnh 2.

Nhiều chị em DTTS từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế và xã hội

Ngoài ra, chương trình cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và lồng ghép giới trong triển khai chính sách. Nhiều mô hình sản xuất có phụ nữ làm chủ, tổ trưởng tổ hợp tác. Phụ nữ DTTS từng bước thể hiện vai trò chủ động trong phát triển kinh tế và hoạt động xã hội, góp phần nâng cao vị thế trong cộng đồng.

Qua 5 năm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024, triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các chính sách đặc thù, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho đồng bào DTTS trên địa bàn, qua đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai dự án, như điều kiện thực tế, diện tích rừng ở các địa phương quản lý rất lớn và vấn đề phá rừng vẫn còn diễn ra phức tạp những vướng mắc nhiều quy định và người dân lấn chiếm đất rừng; vướng mắc do chưa có văn bản quy định, hướng dẫn mức hỗ trợ cụ thể đối với các dự án.

Do đó, để khắc phục, tỉnh đề ra nhiều bài học, giải pháp để thực hiện tốt chính sách về dân tộc, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTS.

Đối với các chương trình, chính sách dân tộc phải phù hợp với thực tiễn, tính khả thi; coi trọng việc phối hợp giữa các ngành, các cấp, lồng ghép các chương trình, chính sách và huy động các nguồn lực ngoài để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh cồng kềnh, dàn trải.

Dù vậy, với những kết quả đã đạt được cùng sự kiên trì của chính quyền các cấp và tinh thần vươn lên của người dân, tỉnh Lâm Đồng đã và đang từng bước đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững cho đồng bào DTTS với cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm