pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lâm Đồng: Tích cực gìn giữ và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng
Văn hóa cồng chiêng được gìn giữ và phát huy hiệu quả ở Lâm Đồng
Là một tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo ra sự độc đáo về văn hóa truyền thống của các tộc người, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng là đặc sắc hơn cả. Cồng chiêng mang đậm nét văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, đó là tiếng nói tâm linh gắn với đời sống lao động, sinh hoạt hằng ngày của người dân Tây Nguyên.
Sau khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, tỉnh Lâm Đồng ban hành: Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn 2020”; Đề án "Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn đến năm 2035"… nhằm tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả Di sản văn hóa cồng chiêng, duy trì, khôi phục và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giữ vững danh hiệu “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới” và “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” mà UNESCO đã công nhận.
Giới thiệu, quảng bá giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng đến bạn bè trong và ngoài nước, gắn phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa cồng chiêng, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu cụ thể đến năm 2026, 100% cán bộ văn hóa cấp xã nơi có cộng đồng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống được tập huấn, bồi dưỡng về công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng; đồng thời tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, dân ca, dân vũ cho thanh niên dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ trang bị nhạc cụ truyền thống và trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ dân tộc thiểu số, phục hồi và gìn giữ các loại hình sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống để tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, duy trì các lễ hội truyền thống có sử dụng cồng chiêng.
Đến năm 2035, xây dựng các tổ, đội văn nghệ dân gian truyền thống, nhân rộng mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em người dân tộc thiểu số biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, dân ca, dân vũ trong các buổi lễ, ngày hội.
Cùng với đó, ngành Văn hóa Lâm Đồng đã tiến hành điều tra, thống kê kết hợp với công tác tuyên truyền không để cồng chiêng thất thoát về số lượng. Đồng thời nâng cao nhận thức trong gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng.
Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ hội văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh (nay là “Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số”). Đến nay, đã tổ chức hơn 100 lớp dạy cồng chiêng, thu hút gần 2.000 nam, nữ thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số tham gia. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 đội, nhóm cồng, chiêng hoạt động; có 5 đội nhóm chiêng phục vụ du lịch tại các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, Đơn Dương; toàn tỉnh duy trì hoạt động có hiệu quả 16 đội, nhóm cồng chiêng thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách tại các điểm tham quan của Lạc Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, Đạ Huoai… Đồng thời, cấp 30 bộ cồng chiêng, 120 bộ trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số cho các đội, nhóm cồng chiêng tại các huyện.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư phục dựng 10 lễ hội tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa đã mai một như: Lễ bỏ mả, lễ cúng dưỡng lúa, nghi thức cúng lúa rẫy của người Mạ ở Bảo Lâm; Lễ hội mừng lúa mới của người K’Ho… Trong chương trình Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Di Linh năm 2022, UBND huyện Di Linh đã tổ chức phục dựng Lễ hội mừng lúa mới của người K’Ho, qua đó giáo dục và truyền lại cho thế hệ trẻ gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025”, UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2124/QĐ-UBND ngày 11/11/2022 và Sở Xây dựng thẩm định dự án tại Văn bản số 167/SXD-QLXD ngày 10/11/2022, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 20.637 triệu đồng để hỗ trợ bảo tồn buôn làng truyền thống của dân tộc K“Ho tại thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh và tại thôn Đưng K”si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Đồng thời, kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho - tộc người bản địa có dân số đông nhất, thuần nhất vừa thực hiện chủ trương khai thác những sản phẩm văn hóa đặc trưng của người bản địa phục vụ phát triển du lịch của địa phương trong những năm tới…
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức hoặc phục dựng các lễ hội đảm bảo nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng cộng đồng dân cư theo hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm; xây dựng các tiêu chí văn hóa mới hợp với không gian lễ hội và đời sống xã hội hiện đại, đồng thời triển khai các dự án như: Làng nghề truyền thống dân tộc Churu (xã Proh, huyện Đơn Dương); phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc Mạ, K’ho, Churu; điều tra, nghiên cứu bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống của dân tộc ít người tỉnh Lâm Đồng; sưu tầm và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh…
Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và không gian văn hóa Cồng chiêng nói riêng đã và đang được chính quyền địa phương các cấp, ngành đầu tư phục dựng, bảo tồn trên địa bàn nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa bản địa không để mai một trong thời kỳ hội nhập. Gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quốc gia.