Làm giàu từ tổ hợp tác nuôi dê sạch

28/12/2018 - 08:00
Trước thực trạng cây trồng chủ đạo của địa phương như tiêu, điều, mỳ…nhiều năm liền mất giá, chị Nông Thị Lệ (xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) đã mạnh dạn đứng ra thành lập tổ hợp tác nuôi dê sạch nhằm chuyển đổi hướng phát triển kinh tế, tìm cách khởi nghiệp cho chị em trong vùng.

Đây là dự án khởi nghiệp đạt giải nhất tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tỉnh Bình Phước tổ chức năm 2018. Mô hình đã triển khai vào tháng 6 năm 2018, đã thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động nữ.

 

Chị Nông Thị Lệ hiện là Chủ tịch hội LHPN xã Tân Thành, nhiều năm làm công tác hội, chị luôn trăn trở suy nghĩ tìm ra kế sinh nhai giúp chị em trong vùng. Ban đầu, chị thường hỗ trợ dê giống để giúp các gia đình nghèo khó. Dần dà, chị muốn tìm ra một hướng đi bền vững hơn.

 

Cộng với việc nhiều lần chứng kiến cảnh “được mùa – mất giá, mất mùa - trắng tay” của người nông dân, chị Lệ đã quyết tâm tìm cách chuyển đổi và tìm hướng đi mới cho người dân.

 

Nhận định địa phương có lợi thế trong việc cung cấp thức ăn có sẵn để chăn nuôi dê thịt thương phẩm và cung cấp dê giống cho thị trường. Vì vậy, chị quyết tâm xây dựng mô hình nuôi dê sạch.

nong-thi-le1.jpg
Chị Nông Thị Lệ (thứ 2, từ phải sang) đã tìm ra hướng đi mới giúp hội viên phát triển kinh tế

Điểm khác biệt của mô hình nằm ở quy trình nuôi dê. Tổ hợp tác của chị cam kết đầu ra sản phẩm là dê có nguồn gốc rõ ràng, không dùng chất kích thích, cám tăng trọng. Nguồn thức ăn của dê được tận dụng từ cây cỏ tự nhiên như cây keo, cây chuối, ngoài ra tổ hợp tác còn cho ăn bằng củ mỳ thái lát phơi khô, bắp hạt, do vậy thịt  dê đạt chất lượng sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

“Qua quá trình nghiên cứu thị trường, tôi thấy mô hình nuôi dê lấy thịt và dê giống đã được nuôi tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Thuận…. Tuy nhiên, các địa phương này nuôi dê tràn lan, dê chủ yếu được nuôi bằng cám công nghiệp nên lớn rất nhanh, do vậy thịt dê thường nhão, nhiều mỡ. Bên cạnh đó, tại một số quán ăn, nhà hàng sử dụng thịt dê đông lạnh, vận chuyển từ nơi khác đến, nguồn gốc không rõ ràng, do vậy chất lượng không đảm bảo. Vậy nên với mô hình chăn nuôi dê sạch sẽ là hướng đi tích cực, tạo thương hiệu cho vùng” Chị Lệ chia sẻ.

 

Chị Lệ còn cho biết thêm: Việc thực hiện mô hình chăn nuôi dê tốn ít công chăm sóc, phù hợp với lao động nữ. Bên cạnh đó, thức ăn cung cấp cho dê chủ yếu lấy từ các loại cây tận dụng từ vườn tiêu, các loại cỏ, cây mỳ người dân tự trồng không có hóa chất, giảm giá thành chi phí. Mặt khác, việc chăm sóc dê  thực hiện dễ hơn so với các loại vật nuôi khác vì dê có sức đề kháng tốt, giá cả ổn định. Việc nuôi dê sẽ tận dụng nguồn thức ăn từ cành, lá cây dùng để trồng tiêu, giải quyết vấn đề rác thải môi trường.

 

Tổ hợp  tác nuôi dê được thực hiện tại xã Tân Thành, bước đầu mới thành lập thu hút được 32 thành viên và bây giờ lên 40 thành viên. Vốn đầu tư ban đầu là gần 7 tỷ đồng với quy mô chuồng trại 40 chuồng nuôi 1.600 con dê cái bầu và 40 con dê đực. Mô hình nuôi dê sạch tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, trong đó có 2/3 là lao động  nữ.

 

Những thành viên tham gia tổ hợp tác sẽ có nhiều lợi ích như: Trao đổi con dê đực lai giống để tránh trùng huyết; bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định; được trang bị về kỹ thuật chăn nuôi, tiếp cận các bác sĩ thú y trong huyện hỗ trợ kiến thức về chăn nuôi dê; hỗ trợ vay vốn để đầu tư…

image003.jpg
Tổ hợp tác chăn nuôi dê sạch đã cải thiện kinh tế cho nhiều hội viên tham gia 

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật và chăm sóc tốt nên mỗi năm dê cho 2 lứa. Từ ngày thành lập đến nay, tổ hợp tác đã xuất được 4 tấn dê thịt, 126 con dê giống, có 8 hộ luân chuyển dê giống cho nhau. Thịt dê sạch, ngon, giá hợp lý nên được thương lái thu mua nhanh. Nhờ đó, đời sống gia đình của thành viên tổ hợp tác được cải thiện.

Chị Nguyễn Thị Yến (xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) vui mừng nói: “Từ ngày tham gia tổ hợp tác, gia đình tôi đã tìm được hướng làm ăn mới và kinh tế ổn định lên rất nhiều. Bản thân là nông dân chuyên trồng trọt, bây giờ chuyển sang chăn nuôi nên bước đầu khá lung túng. May mắn là các chị em trong tổ giúp đỡ nhau nhiệt tình. Bây giờ tôi đã tự tin với hướng đi mới này. Tết năm nay, gia đình tôi sẽ có một cái tết thật phấn khởi”.

a2.jpg
Mô hình nuôi dê của chị Lệ là 1 trong 5 dự án khởi nghiệp xuất sắc được Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã trao vốn hỗ trợ 

Hiện nay, đối tượng khách hàng tổ hợp tác dê sạch của chị Lệ hướng đến là các hộ gia đình có nhu cầu nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình và các nhà hàng, quán ăn tại địa phương và các Tỉnh lân cận như: Tây Ninh, TP HCM, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa. Giá bán đầu ra là 1 cặp dê trưởng thành dao động từ 4-5 triệu đồng, 1 cặp dê đang mang bầu từ 6-8 triệu đồng.

 

Ngoài ra, việc nuôi dê còn cung cấp lượng phân bón khá dồi dào bán cho các nhà vườn có nhu cầu mua phân để trồng cây nông nghiệp, về sau nếu số lượng phân nhiều có thể cung cấp cho các tỉnh lân cận.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm