Vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương Thanh (SN 1983) cùng 2 con nhỏ sống tại xã Cao Minh (Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) – vùng đất còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân chủ yếu trông vào nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán nhỏ.
Năm 2012, với số vốn 10 triệu đồng đầu tiên vay của Tổ chức tài chính vi mô Tình thương - TYM cùng khoản tiết kiệm của gia đình, vợ chồng chị đã “đánh liều” chuyển đổi làm ăn từ thuần nông sang một mô hình khá mới mẻ với gia đình chị cũng như ở địa phương – sản xuất tượng thạch cao kết hợp cung cấp dịch vụ tô tượng cho trẻ nhỏ ngay tại nhà.
Chị Thanh tâm sự, khi tính toán chuyển đổi sang đầu tư làm tượng thạch cao, chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ cả tuần liền. Chị suy nghĩ, trên địa bàn và các xã lân cận chưa có gia đình nào kinh doanh loại hình này. Đây là một thử thách thực sự, bởi nếu là người đi đầu thì cũng là người gặp nhiều rủi ro, dễ vấp váp, thất bại nhất.
Cũng vì thế mà anh chị cẩn trọng hơn, dành nhiều thời gian để “nghiên cứu thị trường”. Một loạt các câu hỏi cần phải giải đáp để anh chị có thể chuẩn bị tốt nhất trước khi bắt tay vào đầu tư, kinh doanh dịch vụ. Về nguồn nguyên liệu có dễ lấy hay không, nhu cầu của người dân tại địa phương với sản phẩm này thế nào? Trẻ em nơi đây có thích tô tượng và các bậc phụ huynh có muốn con em sử dụng dịch vụ này không?
Càng bắt tay vào thì càng nhiều vấn đề đặt ra, từ việc xác định địa điểm bán hàng, nơi mở dịch vụ phải đáp ứng được những tiêu chí nào. “Vị trí sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại cũng như vận chuyển của các khách hàng tiềm năng. Do vậy, nơi gia đình tôi lựa chọn điểm bán hàng nằm trên trục đường lớn rất thuận tiện cho những người mua lẻ và mua buôn”, chị Thanh tính toán.
Dù khó khăn, anh chị quan niệm: Để khởi nghiệp thành công, sau khi xem xét kỹ lưỡng thì điều quan trọng nhất vẫn là “phải bước đi, phải hành động”. Gia đình chị Thanh hạ quyết tâm bước vào con đường khởi nghiệp kinh doanh gian nan. Quy mô làm ăn ban đầu khá khiêm tốn nhưng chỉ chưa đầy 3 năm sau, cơ sở kinh doanh của chị đã phát triển, mở rộng hơn trước, doanh thu tăng lên đáng kể và còn đem lại nhiều công ăn việc làm cho người dân quanh vùng.
Để có được thành công này, trước đó, anh chị đã cất công đi nhiều nơi để tìm hiểu, nghiên cứu mô hình với tiêu chí khác lạ mà ở địa phương và các vùng lân cận chưa phổ biến. Nhận thấy mô hình tô tượng đang phát triển ở các thành phố lớn nhưng ở địa phương thì chưa có, anh chị cất công sang làng gốm Bát Tràng để học tập cách thức, kĩ thuật sản xuất đem về áp dụng tại quê nhà. Sau khi tìm hiểu từ quy trình, đầu mối nhập bột thạch cao với giá cả phù hợp, cũng như đầu ra cho sản phẩm, vợ chồng chị đã làm hồ sơ xin vay vốn ở TYM và bắt tay thực hiện.
Việc cung cấp dịch vụ tô tượng khá mới ở địa phương đã đáp ứng nhu cầu và thu hút khá nhiều trẻ em và thanh niên trong vùng. Không chỉ phục vụ cho cửa hàng của gia đình, các sản phẩm tượng thạch cao của anh chị làm ra còn được đặt hàng từ nhiều tỉnh, huyện lân cận như: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Hải Dương….
Hai vợ chồng chị vừa chịu khó tìm thêm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, vừa dành thời gian học hỏi sáng tạo ra nhiều mẫu tượng đa dạng, phong phú để làm cho sản phẩm ngày càng hấp dẫn.
Trên thực tế, sản phẩm tượng thạch cao đã xuất hiện và phát triển trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các điểm vui chơi giải trí. Ban đầu, đối tượng chủ yếu là các em nhỏ đang theo học mầm non và các trường tiểu học, vì vậy các cơ sở làm tượng thạch cao hướng tới những hình thù được thiết kế phù hợp với lứa tuổi các em nhỏ.
Tuy nhiên, chị Thanh chia sẻ: “Gia đình tôi đã định hướng những sản phẩm hướng tới đa dạng nhóm đối tượng. Từ suy nghĩ đó, chúng tôi đã xem xét và cải tiến nhiều mẫu tượng phù hợp hơn với nhiều nhóm đối tượng, độ tuổi khác nhau, để tăng được lượng người mua và sử dụng dịch vụ”.
Đến nay, anh chị đã mở rộng thêm xưởng sản xuất của mình và tạo công ăn việc làm cho một số lao động trong làng là chị em phụ nữ cùng tham gia TYM. Chồng chị đi học thêm thiết kế để tạo ra nhiều mẫu tượng khác lạ cung cấp cho những nơi có khu vui chơi giải trí để phục vụ các khách hàng nhí của mình.
Tính đến thời điểm hiện tại chị đang có 4 công nhân làm việc liên tục, hàng ngày cho ra đời 1,5 vạn con tượng lớn nhỏ với trên 100 khách hàng thường xuyên đến lấy buôn. Doanh thu hàng tháng của gia đình lên đến 50 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận mỗi tháng cũng được 20 triệu đồng.
Năm 2015, chị Thanh được vinh danh là doanh nhân vi mô tiêu biểu trong giải thưởng CMA Việt Nam do Quỹ Citi – Ngân hàng Citi Việt Nam, Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.