Làm sao để Việt Nam không còn trong Top quốc gia có chỉ số văn minh thấp nhất trên không gian mạng?

Minh Anh
20/04/2023 - 09:53
Làm sao để Việt Nam không còn trong Top quốc gia có chỉ số văn minh thấp nhất trên không gian mạng?

Ảnh minh họa

Theo GS.TS Từ Thị Loan, để không bị xếp vào Top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, toàn xã hội phải “vun trồng hoa cho bớt cỏ dại”, đặc biệt là với nghệ sĩ và người trẻ.

"Bàn phím, phím bấm điện thoại có thể trở thành vũ khí giết người"

Chiều 19/4, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday". Tọa đàm do Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp một số đơn vị tổ chức. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nghệ sĩ, các KOLs có ảnh hưởng trên mạng xã hội và các bạn học sinh, sinh viên.

Tại tọa đàm, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, mạng xã hội là một điều rất văn minh và có thể cho ta giá trị mà cuộc sống thực khó đạt được. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của mạng xã hội là một vấn đề song song tồn tại phải giải quyết. Ông chia sẻ, ông đã phải nhận không ít "gạch đá" từ cộng đồng mạng mà "nếu để xây nhà, thì có lẽ tôi xây được cả lâu đài. Có những giai đoạn, tôi bị "tổng tấn công" trên mạng, như thời kỳ tôi đẩy mạnh chiến dịch Fake news, hay giai đoạn chống dịch Covid. Không chỉ tôi mà cả mẹ tôi, một người không liên quan gì, cũng bị cư dân mạng vào mắng nhiếc thậm tệ".

Theo ông Lê Quốc Vinh, những bài viết trên mạng có ngôn từ xấc xược, thậm chí văng tục thường thu hút hơn so với câu chuyện tích cực. Ở mạng xã hội, chúng ta phải chung sống với những thứ "xấu xí", đặc biệt việc các nghệ sĩ đưa lên câu chuyện tiêu cực, hình ảnh gợi cảm, phản cảm... để tăng sự tương tác. "Chúng ta tưởng thứ rác rưởi đó chỉ là vui chơi, nhưng thực ra nó đã tấn công con người. Tôi đã rèn được một năng lực miễn nhiễm, nhưng nhiều người không thể. Họ dễ khủng khoảng, trầm cảm, thậm chí có thể bị dìm chết bởi ngôn từ trên mạng. Đặc biệt là giới trẻ chưa có nhiều "đề kháng", dễ bị tấn công", ông Lê Quốc Vinh nhận định.

Ông Lê Quốc Vinh trình bày những con số về tác động tiêu cực của bạo lực mạng với trẻ em

Ông Lê Quốc Vinh trình bày những con số về tác động tiêu cực của bạo lực mạng với trẻ em

Ông Lê Quốc Vinh cũng đưa ra một con số cảnh báo từ một nghiên cứu ở nước ngoài, rằng có tới 26% trẻ em nghĩ tới tự sát khi bị tấn công trên mạng bằng ngôn từ, hình ảnh. Ông cho rằng, ở Việt Nam con số đó có thể cao hơn, vì cư dân mạng ở Việt Nam thường chỉ đích danh, dùng ngôn từ phản cảm, miệt thị ngoại hình… "Những con người bình thường khi lên mạng bỗng nhiên trở thành quan tòa, phán xét người khác, cuộc sống bất cứ người nào cũng phải theo cách họ muốn. Và bàn phím, phím bấm trên điện thoại di động có thể thành vũ khí giết người".

"Vun trồng hoa cho bớt cỏ dại"

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng. Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa đến xã hội, còn giới trẻ là lực lượng xuất hiện đông đảo, năng động, dành nhiều thời gian tham gia không gian mạng. Thực tế có một bộ phận người hoạt động nghệ thuật có ứng xử xấu xí trên không gian mạng như tranh cãi, đấu tố đồng nghiệp, quảng cáo sai sự thật nhằm thu lợi… hay không ít bạn trẻ đăng tải thông tin tiêu cực, hành động thiếu văn hóa nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng…

"Theo khảo sát được Microsoft công bố mới đây, Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, chỉ sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước", GS.TS Từ Thị Loan bày tỏ.

GS.TS Từ Thị Loan tại Tọa đàm

GS.TS Từ Thị Loan phát biểu tại Tọa đàm

Để Việt Nam không còn bị xếp vào danh sách 1 trong 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, toàn xã hội cần phải cùng nhau gắng vun trồng hoa cho bớt cỏ dại, đặc biệt là với nghệ sĩ và người trẻ. Thay vì để lây lan những mặt xấu xí, tiêu cực, hãy để không gian mạng là công cụ hữu hiệu để mỗi người thể hiện bản thân, trách nhiệm xã hội, nhân rộng những điều tích cực, tấm gương người tốt việc tốt…

Trong khi đó, theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, để hạn chế tình trạng "rác rưởi" trên mạng lan truyền như hiện nay, tạo ra một môi trường trong sạch thì người sử dụng mạng phải có ý thức đầu tiên để hạn chế nội dung độc, tiêu cực, phải tạo ra một cái "lưới lọc" cho chính bản thân. "Lưới lọc" đó, theo ông Lê Quốc Vinh, là trước khi chia sẻ bất cứ thông tin gì, mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là giới nghệ sĩ, cần phải đặt ra 3 lớp: Thông tin đó có phải sự thật không, có tử tế không và có hữu dụng không.

Tại tọa đàm, đạo diễn Phạm Hoàng Nam lại đưa giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đó là mọi người hãy sống thật nhiều hơn để bớt dần cái ảo. Theo anh, ai cũng lo sống đẹp với nhau ngoài đời chắc sẽ bớt thời gian chửi bới, phán xét trên mạng xã hội, không like, không xem những cái xấu trên mạng thì ắt cái xấu ấy tự mất đất sống.

Có nên "phong sát" các nghệ sĩ vi phạm?

Trước câu hỏi có nên "phong sát", "cấm sóng" các nghệ sĩ vi phạm được đặt ra tại Tọa đàm, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Quan điểm của ông là không dùng "phong sát", "cấm sóng" với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp với văn hóa, điều kiện đất nước ta.

Theo ông, các vi phạm sẽ được xử lý theo pháp luật Việt Nam. "Với những trường hợp vi phạm, chúng ta sử dụng luật về an ninh mạng, luật về công nghệ thông tin, nghị định về nghệ thuật biểu diễn để đưa ra hình phạt.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, hiện tại, một quy chế xử lý những trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử của nghệ sĩ đang được xây dựng. Dự kiến, các đơn vị là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ cùng hoàn thiện dự thảo này vào khoảng tháng 10/2023. Trước đó, vào cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử nhưng chỉ mang tính khung, hoàn toàn không có phần xử phạt nên chỉ có thể vận động nghệ sĩ làm theo mà không có chế tài với người vi phạm.

Người mẫu Hạ Vy

Người mẫu Hạ Vy

Xoay quanh vấn đề này, người mẫu Hạ Vy cho rằng, tuy khó "phong sát" nhưng vẫn cần có biện pháp mạnh hơn với nghệ sĩ có phát ngôn, ứng xử không phù hợp với thuần phong mỹ tục chứ không nên chung chung. Có thể khóa hoặc hủy trang cá nhân của người vi phạm trên các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok… Còn diễn viên trẻ Hàn Trang thì cho rằng, có thể xem xét cấm diễn trong thời hạn hai, ba năm, tùy mức độ vi phạm của nghệ sĩ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm