pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm thế nào khi con tái nghiện game vì suốt ngày trong nhà?
Dù phân tích thế nào, dù nói với con nhẹ nhàng thế nào để con hiểu rằng "nghiện game sẽ hủy hoại tương lai của con", nhưng cu cậu vẫn không dứt được game. Ảnh minh họa
Nhiều bố mẹ đã rất vất vả để kéo được con ra khỏi nghiện game, vậy mà đợt nghỉ dịch kéo dài này, nhiều con đã "tái nghiện" do không biết làm gì khi suốt ngày ở trong nhà.
Nhiều ngày nay, chị Nguyễn Huyền Thương (Thanh Xuân, Hà Nội) ngủ không ngon. Đêm nào, chị cũng chập chờn vì phải "canh" cậu con trai học lớp 11. Trước khi đi ngủ, chị đã phải tắt wifi và yêu cầu cả nhà tắt đèn đi ngủ. Chị không dám ngủ ngay mà chờ con ngủ trước.
Vậy mà, có hôm, 1 - 2 giờ, thậm chí 3 giờ đêm tỉnh dậy, chị vẫn thấy ánh sáng le lói trong chiếc chăn con trùm kín. Phải rất tinh mắt chị mới nhìn thấy vì cậu con trai láu cá đã để ánh sáng màn hình ở mức tối nhất. Nếu hôm nào trót ngủ say, cậu con trai "cày game" cả đêm chị cũng không biết.
Hết nói nhẹ nhàng đến quát tháo, cậu con trai vẫn không thể nào bỏ được điện thoại ra khỏi mắt. Lúc học, lúc ăn, cậu cũng tranh thủ chơi. Chị Thương cho biết, chị đã quá thấm thía cảnh con nghiện game những năm cấp 2 nên chị vô cùng lo sợ.
Ngày ấy, con trai chị thường xuyên trốn học đi chơi game. Để có tiền "nướng" vào game, cu cậu đã thường xuyên nói dối mẹ xin tiền đi học thêm, xin tiền đóng quỹ lớp. Ở lớp, con cũng không ít lần nói với cô giáo là bị ốm, bị đau bụng... để xuống phòng y tế nằm, nhưng thực chất là lẻn ra ngoài cổng trường chơi điện tử.
Thời gian đó, chị đã phải bỏ mọi công việc để kèm con sát sàn sạt. Cũng may, sau 1 năm sát sao con từng li từng tí, phối hợp với cô giáo chặt chẽ, cậu con trai đã tách được game và học tiến bộ hẳn.
Mấy năm vừa qua, con không còn chơi game nữa khiến chị Thương cảm thấy yên tâm. Vậy mà, đợt nghỉ dịch kéo dài lần này, do ở trong nhà lâu, không có gì để chơi, con lại tìm đến game để giải trí. Tất nhanh chóng, con chị "tái nghiện". Con dính mắt vào smartphone từ sáng đến đêm khuya. Dù phân tích thế nào, dù nói với con nhẹ nhàng thế nào để con hiểu rằng "nghiện game sẽ hủy hoại tương lai của con", nhưng cu cậu vẫn không dứt được game. Nhìn mắt con đờ đẫn, nhiều lúc vô hồn, chị Thương cảm thấy vô cùng bất lực.
Thời gian giãn cách ở TPHCM kéo dài nhiều tuần nay cũng khiến nhiều phụ huynh lo con sa đà vào game. Chị Mai Vân (Q. Bình Tân) không biết làm thế nào để kéo con trai ra khỏi game online. Bố mẹ làm việc ở nhà, cậu con trai tuổi teen không biết làm gì cho hết bí bách, chỉ biết tìm đến game để "giết" thời gian.
Thấy cậu con trai suốt ngày đóng cửa trong phòng chơi game online với các bạn, chị Vân chỉ biết thở dài. Thấy con quá sa đà, vợ chồng chị tịch thu điện thoại, máy tính của con. Cậu bé đã nổi loạn, chốt cửa phòng, bỏ bữa. Không thể "thắng" nổi con, chị đành chấp nhận đưa con điện thoại để con ra ngoài ăn uống. Chị tặc lưỡi, cứ để con chơi nhưng sẽ tìm cách để giảm dần thời gian dùng điện thoại của con.
Ở thời điểm giãn cách như hiện nay, trẻ thiệt thòi vì không được vui chơi giải trí đúng nghĩa, không được chơi đùa với bạn bè, chỉ quanh quẩn ở nhà nên nhiều trẻ chỉ biết tìm niềm vui ở game, youtube, mạng xã hội... Tuy nhiên, khi trẻ nghiện game, sẽ có rất nhiều hệ luỵ.
Theo các chuyên gia tâm lý, nếu con đã nghiện game, cha mẹ đừng chửi bới, mắng mỏ, cấm đoán ầm ĩ. Giữa cha và mẹ cần thống nhất phương pháp "kéo" con ra khỏi game. Cần có buổi ngồi nói chuyện rõ ràng với con về tác hại của nghiện game, có lịch sinh hoạt chung của gia đình, tạo cho con nhiều thú vui giải trí lành mạnh để con phân tán suy nghĩ hướng về các trò chơi điện tử.
Đặc biệt, "cắt" game cho con nhưng cha mẹ phải "trám" thứ khác vào như giao việc nhà cho con. Khi giao việc cho con, nhất định cha mẹ phải giám sát con chứ không để con làm qua quýt và có quá nhiều thời gian rảnh.