Đây là lần thứ ba tôi quyết định quay trở về “vạch xuất phát” trong vòng một năm qua. Những công việc kéo dài suốt 12 tiếng mỗi ngày khiến tôi mệt mỏi và buồn chán. Tôi không còn nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình, đặc biệt là cô con gái hơn 2 tuổi. Áp lực công việc, thời gian khiến tôi căng thẳng và thường xuyên cáu gắt với chồng.
Rồi tôi tìm được công việc cần ít thời gian và gần nhà hơn. Nhưng để có thể bắt đầu làm việc, tôi phải trải qua 3 tháng đào tạo. Đào tạo viên luôn bận rộn nên mỗi tuần tôi chỉ học 3 buổi, thời gian còn lại tôi luyện tập và dành thời gian chăm sóc gia đình.
Nghỉ việc, tôi cảm thấy mình như trút được một gánh nặng. Tôi có thời gian làm những việc mình muốn và tận hưởng cuộc sống đúng cách của mình. Nhưng cảm giác vui vẻ, sung sướng kéo dài được vài ngày thì kết thúc, bởi tôi luôn phải đối mặt với những câu hỏi từ hàng xóm, đại loại như: Ơ, hôm nay cháu không đi làm à? Lại nghỉ việc rồi hả? Sao thấy ở nhà suốt thế?... Chuyển việc à, sao không có tí kiên trì gì thế nhỉ? Lại chuyển chỗ làm...
Những câu hỏi, câu nói ấy thật sự khiến tôi bối rối, dù có giải thích thế nào cũng chẳng đủ làm mọi người hết tò mò và định kiến với mình.
Dần dần, tôi hoài nghi chính bản thân mình. Từ đó tôi trở nên tự ti. Tôi sợ gặp hàng xóm, sợ những câu hỏi liên quan đến công việc, sợ cả việc ở nhà. Thời gian đó, tôi cảm giác tất cả giá trị của mình thu nhỏ lại đúng bằng hai từ “công việc” và có lẽ tôi chỉ được đánh giá cao khi xách xe đi làm từ sáng sớm rồi trở về vào lúc trời tối mịt mù.
Mỗi ngày đưa đón con, tôi không còn cảm thấy vui, tôi thấy mình hệt như một kẻ vô công rồi nghề. Nhưng con gái tôi thì ngược lại, con bé tỏ vẻ vui thích tột độ khi được đồng hành cùng mẹ trên quãng đường tới trường. Một hôm, trên đường về, con bé bảo: “Mẹ ơi, mẹ hỏi em là, em có thích được mẹ đón về nhà không đi!”.
Chiều lòng con bé, tôi lặp lại câu hỏi y như vậy. Con bé đáp: “Em thích lắm, thế mà hồi trước mẹ toàn vội đi làm, chẳng bao giờ đi đón em cả”. Rồi con bé kể về những câu chuyện ở lớp và cả những liên tưởng trẻ con nhưng cũng rất logic như: “Mẹ ơi, bố bảo cây cau nhỏ trong vườn là bố trồng cho con, vậy cây cau to trong vườn chắc là ông trồng cho bố mẹ nhỉ?”. Những câu nói ấy làm tôi vui trở lại, cảm giác lâng lâng vì mình được chứng kiến quá trình lớn lên của con.
Chiều lòng con bé, tôi lặp lại câu hỏi y như vậy. Con bé đáp: “Em thích lắm, thế mà hồi trước mẹ toàn vội đi làm, chẳng bao giờ đi đón em cả”. Rồi con bé kể về những câu chuyện ở lớp và cả những liên tưởng trẻ con nhưng cũng rất logic như: “Mẹ ơi, bố bảo cây cau nhỏ trong vườn là bố trồng cho con, vậy cây cau to trong vườn chắc là ông trồng cho bố mẹ nhỉ?”. Những câu nói ấy làm tôi vui trở lại, cảm giác lâng lâng vì mình được chứng kiến quá trình lớn lên của con.
Trước mặt tôi là dòng sông lấp lánh ánh nắng bên cạnh cánh đồng bát ngát xanh tươi. Đằng sau tôi là một cô bé đang kể những câu chuyện minh chứng cho quá trình trưởng thành của mình. Vậy thì những câu hỏi hay ánh nhìn định kiến của những người xung quanh có gì là ghê gớm? Không ai sống thay tôi và cũng không ai được tận hưởng thay tôi cảm giác vui thích này.
Vậy thì tôi phải vui lên, phải dũng cảm làm những việc mình cho là đúng và dừng ngay việc tự hoài nghi giá trị của mình. Cảm ơn cô con gái nhỏ đã cho tôi một lượt về đầy ý nghĩa, để tôi biết rằng lựa chọn dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình của mình không hề sai.
Vậy thì tôi phải vui lên, phải dũng cảm làm những việc mình cho là đúng và dừng ngay việc tự hoài nghi giá trị của mình. Cảm ơn cô con gái nhỏ đã cho tôi một lượt về đầy ý nghĩa, để tôi biết rằng lựa chọn dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình của mình không hề sai.