Làng văn hóa kiểu mẫu đưa Vĩnh Phúc thành miền quê đáng sống

Lê Hoa
01/12/2023 - 09:28
Làng văn hóa kiểu mẫu đưa Vĩnh Phúc thành miền quê đáng sống

Làng văn hóa kiểu mẫu góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ

Các "Làng văn hóa kiểu mẫu" mang đặc trưng riêng của tỉnh Vĩnh Phúc, hướng tới mục tiêu bao trùm, xuyên suốt là giúp người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc hơn.

Sông Lô, Yên Lạc, Lập Thạch... đi đến huyện nào tại tỉnh Vĩnh Phúc chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy sự hào hứng, phấn khởi của bà con nhân dân tại những "làng văn hóa kiểu mẫu". Đây là mô hình đang được tỉnh tiên phong triển khai, góp phần làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, đô thị ở nhiều nơi trong tỉnh; giúp bảo tồn, giữ gìn và phát huy có hiệu quả các di sản, các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân; tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập mới cho người lao động, gắn việc phát huy các giá trị văn hóa với thúc đẩy các hoạt động du lịch, sản xuất kinh doanh trong cộng đồng.

Ðặc biệt, quá trình xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu đã tích cực khơi dậy các giá trị văn hóa nhân văn, nhân cách, đức tính tốt đẹp của đất và người Vĩnh Phúc, phát huy "tình làng, nghĩa xóm", tinh thần sẻ chia và khát vọng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Làng văn hóa kiểu mẫu đưa Vĩnh Phúc thành miền quê đáng sống - Ảnh 1.

Làng văn hóa kiểu mẫu góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ

Bước phát triển mới của nông thôn mới nâng cao

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng các "Làng văn hóa kiểu mẫu", bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết: Sau hơn 26 năm tái lập tỉnh, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, với sự năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, tại các thôn, làng, khu dân cư trong tỉnh còn có những hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn như: Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; năng suất lao động và thu nhập của một bộ phận cư dân còn thấp, chưa có các chính sách đủ mạnh khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tạo kế sinh nhai tại chỗ. Bên cạnh đó là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp…

Để giải quyết những hạn chế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, với mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt, đột phá trong việc xây dựng các thôn, làng, khu dân cư phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...

Làng văn hóa kiểu mẫu đưa Vĩnh Phúc thành miền quê đáng sống - Ảnh 2.

Đa dạng các hoạt động được triển khai tại các làng văn hóa kiểu mẫu, giúp người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc hơn.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiên lựa chọn các thôn, làng có hệ thống chính trị vững mạnh, có quỹ đất phù hợp để tích hợp được cả 3 hạng mục (Nhà văn hóa thôn và sân bãi tối thiểu 800m2; khu thể dục thể thao tối thiểu 800m2; khu vườn dạo, cây xanh tối thiểu 500m2); thôn có lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, du lịch, làng nghề nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương để thực hiện "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến đến hết năm 2025 hoàn thành 30 làng được chọn thí điểm, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 60 làng đạt được các tiêu chí của "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" gắn kết, bổ trợ chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới. Các ngôi làng này mang nhiều đặc trưng tiêu biểu về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên kết với bên ngoài thuận lợi, phục vụ tốt sản xuất theo hướng hiện đại và từng bước tiệm cận tiêu chuẩn của đô thị.

Tuy nhiên, "Làng văn hóa kiểu mẫu" có những đặc trưng khác biệt, có yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn so với "Thôn nông thôn mới"; đặc biệt là mang đặc trưng riêng của tỉnh Vĩnh Phúc vì hướng tới mục tiêu bao trùm, xuyên suốt là giúp người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc hơn.

Phụ nữ Vĩnh Phúc góp phần nhân rộng những mô hình làng văn hóa kiểu mẫu

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về việc xây dựng làng văn hoá kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, ngay sau khi các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh được ban hành.

Hội LHPN tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp Hội, nhất là 30 địa phương được chọn thí điểm xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tích cực, tự giác tham gia, đóng góp nguồn lực để triển khai xây dựng mô hình bảo đảm đúng tiến độ. Đồng thời, lựa chọn những nội dung, chủ đề thiết thực, gắn với các tiêu chí cụ thể để triển khai phát động thi đua tới cán bộ, hội viên; hướng dẫn hội viên, phụ nữ triển khai chương trình sáng tạo, khởi nghiệp gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và phát triển hợp tác xã, phát triển du lịch nông thôn.

Làng văn hóa kiểu mẫu đưa Vĩnh Phúc thành miền quê đáng sống - Ảnh 3.

Phụ nữ Vĩnh Phúc tích cực tham gia bảo vệ môi trường

Cùng với đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an ninh trật tự gắn với thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Vĩnh Phúc thời đại mới: Có đạo đức, có kiến thức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với gia đình và xã hội" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam", phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế"…

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về các tiêu chí xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu; vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân ích cực tham gia đóng góp, ủng hộ kinh phí, hiện vật, vật liệu, hiến đất, ngày công lao động tham gia hiến kế, hiến công, đóng góp tiền, vật chất trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu.

Làng văn hóa kiểu mẫu đưa Vĩnh Phúc thành miền quê đáng sống - Ảnh 4.

Quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu có sự góp sức của hội viên, phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc

Tại các Làng văn hoá kiểu mẫu, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã tích cực tham gia hưởng ứng chỉnh trang nhà cửa, trồng cây xanh, trồng hoa, xanh hóa bờ rào, tạo cảnh quan, không gian nông thôn mới xanh - sạch - đẹp; duy trì tổ chức vệ sinh khu dân cư vào ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần; ra mắt các mô hình mới như: Tuyến Ngõ sáng, xanh, sạch đẹp; mô hình phân loại rác thải tại gia đình; mô hình "Nhà sạch, vườn xanh"….

Những đoạn đường hoa phụ nữ; CLB dân vũ, CLB văn nghệ, thể dục thể thao tại các Làng văn hoá kiểu mẫu là minh chứng rõ nét cho thấy sự chung sức, đồng lòng của hội viên, phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

* Thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm