Thời gian để thăng chức của lao động Việt Nam nhanh hơn các thị trường lao động khác trong khu vực |
Việc thăng chức của lao động Việt Nam còn gắn liền với tăng lương – mức tăng trung bình 20-24% sau mỗi lần nhận chức vụ mới. Bên cạnh đó, nhiều người còn nhận được nhiều khoản phúc lợi đáng kể khác, bao gồm những khoản trợ cấp, thưởng theo hiệu quả làm việc và được nâng cấp chương trình chăm sóc y tế. Một số ít còn được hỗ trợ mua nhà, xe hay cổ phiếu của công ty.
So với các nước trong khu vực, thời gian 2,3 năm để được thăng chức của lao động Việt Nam ngắn hơn mức trung bình 2,75 năm của các thị trường lao động Hong Kong (TQ), Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Tuy vậy, một số kết quả khảo sát không chính thức khác lại cho thấy có sự khác biệt về thời gian thăng chức giữa lao động nam và lao động nữ tại Việt Nam. Theo đó, thời gian để được thăng chức của lao động nữ thường dài hơn 1-1,5 năm, chưa nói tới cơ hội thăng tiến của lao động nữ là ít hơn đáng kể. Các phúc lợi dành cho lao động nữ sau khi thăng chức cũng có những hạn chế so với lao động nam.
Cân bằng công việc với cuộc sống là một thách thức với nhiều lao động nữ ở Việt Nam |
Những hạn chế này bắt nguồn từ cách thức “thăng chức” khá phổ biến tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam: Có đến 80% người lao động cho rằng họ được giao thêm nhiều bổn phận hoặc trách nhiệm trong khi chỉ có 40% nhận được bổ nhiệm một cách chính thức. Với lao động nữ, khi phải đảm đương thêm nhiều trách nhiệm trong gia đình, thì việc phải nhận thêm nhiều bổn phận, chức trách sẽ tạo nên nhiều gánh nặng cho họ.
Trong khi đó, nhà tuyển dụng xếp yếu tố “đảm đương nhiều trách nhiệm hơn”, “huấn luyện/hướng dẫn”, và “tình nguyện tham gia dự án” như là những tiêu chí chính ảnh hưởng đến quyết định thăng chức. Ngược lại, tiêu chí “tình nguyện tham gia dự án” hay “huấn luyện/hướng dẫn” không nằm trong suy nghĩ của nhân viên.
Cần có sự công bằng, minh bạch trong tuyển dụng và đề bạt để tạo nhiều cơ hội hơn cho lao động nữ |
Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng đến sự thăng tiến của lao động nữ, đó là tính công bằng, minh bạch của quy trình thăng tiến trong công ty. Đây chính là vấn đề mà người lao động đã cho số điểm khá thấp, khi trên thực tế, yếu tố “quan hệ cá nhân” và sự may mắn đóng vai trò khá lớn trong các quyết định thăng chức, thậm chí ở nhiều nơi còn xếp trên cả yếu tố năng lực và thành tích làm việc.
So với các đồng nghiệp nam, số đông lao động nữ hạn chế hơn về khả năng thiết lập các mối quan hệ cá nhân chặt chẽ và đa dạng với cấp trên.
Mặt khác, các chuyên gia về thị trường lao động cũng không hoàn toàn đánh giá cao yếu tố “nhanh” trong quá trình thăng chức của lao động Việt Nam. “Nhanh chưa hẳn lúc nào cũng tốt. Việt Nam là quốc gia có thời gian trung bình được thăng chức ngắn nhất trong khu vực, đem lại không ít thách thức cho cả doanh nghiệp và người lao động. Người lao động cần có sự kiên trì trong công việc trước khi yêu cầu việc thăng chức hay phúc lợi. Ngược lại, nhà tuyển dụng cũng cần tạo lộ trình rõ ràng, minh bạch cho tất cả những vị trí trong công ty, đặc biệt là các vai trò chiến lược ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh để thu hút những nhân tài phù hợp”, Bà Angie Phang, Tổng giám đốc Jobstreet.com Việt Nam, thành viên của SEEK Asia bình luận.