Lèn Hà sống mãi suối tóc xanh

LÈN HÀ SỐNG MÃI SUỐI TÓC XANH

Thời gian nửa thế kỷ đưa chiến tranh dần vào quá khứ, đất nước nay đã nhiều đổi thay, người xưa cũng đã "xế chiều" nhưng hình bóng đồng đội, ký ức của những năm tháng mưa bom bão đạn với bà Thanh vẫn như vừa mới hôm qua.

Nửa thế kỷ khôn nguôi tình đồng đội

Ký ức dội về trong những giấc mơ

                            ***

Một chiều cuối tháng Sáu đổ lửa, tôi tìm đến Khu tập thể Học viện Phụ nữ Việt Nam (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) thăm cựu chiến binh Nguyễn Thị Thanh. Bà Thanh đã ở tuổi 68, là cựu lính thông tin thuộc Trạm cơ vụ A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134), Binh chủng Thông tin trên tuyến lửa Quảng Bình. Vừa nghe tôi nhắc đến sự hy sinh của các chiến sĩ hang Lèn Hà (xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình) ngày 2/7/1972, mắt bà Thanh đã ầng ậng nước. Bà chia sẻ, suốt 50 năm qua, cứ đến dịp giáp tháng Bảy, lòng bà lại bồn chồn, mất ngủ, dấy lên nhiều cảm xúc và hoài niệm.

Thời gian nửa thế kỷ đưa chiến tranh dần vào quá khứ, đất nước nay đã nhiều đổi thay, người xưa cũng đã "xế chiều" nhưng hình bóng đồng đội, ký ức của những năm tháng mưa bom bão đạn với bà Thanh vẫn như vừa mới hôm qua.

Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 tại hang Lèn Hà (2/7/1972 - 2/7/2022):  Lèn Hà sống mãi suối tóc xanh - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thanh

Hằng đêm mơ đồng đội

Bà Thanh chậm rãi kể cho tôi câu chuyện của 50 năm trước như tua lại ký ức đời lính của mình: "Có nhiều đêm, nhắm mắt lại, bên tai tôi cứ văng vẳng tiếng gọi của đồng đội. Tôi choàng tỉnh giấc, không thể nào ngủ được. Những lúc ấy, tôi chỉ biết trở dậy thắp nén hương, cầu khấn đồng đội hãy an lòng, yên giấc ở thể giới bên kia. Một ngày chúng tôi còn sống thì hình ảnh đồng đội còn sống trong trái tim và nỗi nhớ của chúng tôi".

Mới nói được mấy câu, giọng bà ứ nghẹn khó cất nên lời. Mất mấy phút bình tâm lại, bà Thanh tiếp tục với giọng đứt quãng: "Lẽ ra, người chết hôm đó phải là tôi… Bởi hôm ấy, đúng ngày tôi đến tháng, lúc đi ăn cơm trưa trước khi tôi vào ca trực, chị Lan bảo: "Nay mày mệt thì ở nhà, để chị đi cho". Tôi gạt đi: "Không, em đi được, chị cứ ở nhà để em đi". Nếu như hôm đó tôi đồng ý để chị Lan đi trực thay thì chị đã không hy sinh mà là tôi. Chị Lan vào chiến trường đã hơn 3 năm, nên thời điểm ấy, chị được chuyển công tác ra ngoài Bắc. Nếu thuận lợi, chị đã ra Bắc trước đó mấy tháng nhưng vì chưa có xe ra nên chị tiếp tục ở lại Quảng Bình.

Sau này tôi mới biết, chị Lan đã có người yêu, anh chị hẹn ước, đợi ngày chị Lan ra Bắc là anh chị sẽ làm đám cưới. Vậy mà... Lúc ấy tôi cứ ước, giá như tôi biết trước chị Lan đã có người yêu sắp cưới, giá như tôi biết trước là đơn vị bị đánh bom, tôi xin tình nguyện hy sinh thay chị ấy, để hạnh phúc của chị được vẹn tròn".

Đưa tay quệt nước mắt, lần giở những tấm hình kỷ niệm, bà Thanh kể tiếp: "Suốt cuộc đời này không bao giờ tôi quên được cảnh tượng đó. Lúc ấy, vào khoảng một rưỡi chiều. Ban đầu chúng bỏ bom hoả mù. Ở trong phòng máy, chúng tôi nghe tiếng máy bay rít lên. Rồi ầm một cái, hang núi như bị rung chuyển, 100 lá báo của tổng đài đổ hết. 3 chị em trong ca trực chúng tôi cứ thi nhau lật lên lại đổ rạp. Tôi kêu lên: "Chúng nó đánh đơn vị mình rồi chúng mày ơi". Liền sau đó, tôi lao ra cửa chạy xuống dưới hang, nơi các đồng đội tôi ở đó xem mọi người ra sao. Chạy được một đoạn thì gặp Đại đội phó Nguyễn Văn Hựu. Tôi hỏi: "Tình hình dưới hang sao anh? Có ai bị sao không?". Anh Hựu xua tay bảo: "Vào làm việc đi, mấy đứa bị thương đã được đưa đi cấp cứu hết rồi". Vậy là chúng tôi quay trở lại buồng trực máy. Suốt 5 phút liền, hết đợt bom nọ đến đợt bom kia. Một mảnh bom lạc cắm phập vào máy tài ba. Tôi định giơ tay gỡ ra, một đồng đội hét lên gàn vì sợ tôi bị bỏng. Lúc ấy tôi nhìn lên, mảnh bom lửa đỏ rực. Đá tung toé bắn vào hang. Những chiếc ốc vít ở máy bung ra, chúng tôi căng sức giữ máy tài ba để mong không bị cắt liên lạc.

Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 tại hang Lèn Hà (2/7/1972 - 2/7/2022):  Lèn Hà sống mãi suối tóc xanh - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh (phải) cùng đồng đội thắp hương cho các liệt sĩ

Khi tiếng bom ngớt, chúng tôi nghe thấy tiếng kêu yếu ớt vọng lại: "Chúng mày ơi, cứu tao với". Nghe tiếng kêu lần thứ hai, anh Lương chạy ra, lao xuống phía hang. Tôi chạy liền theo sau đó. Chạy được một đoạn thì chúng tôi phát hiện ra người vừa kêu là chị Lung đang bị thương nặng. Anh Lương bế thốc chị Lung chạy lên. Chúng tôi chọn được một chỗ bằng phẳng đặt chị Lung nằm xuống. Lúc này, hai anh em nhìn kỹ mới thấy chị bị cháy chín hết cả người. Tôi dồn dập hỏi: "Tình hình thế nào? Ở dưới đó sao rồi chị?". Chị Lung chỉ kịp thều thào: "Cứu chị rồi chị kể sau". Nói xong, chị Lung ngất lịm đi.

Anh Lương giục tôi đi chặt cây chuối non để lấy nhựa xoa lên những vết bỏng của chị Lung. Khi tháo được chiếc áo lót của chị ra, toàn bộ vùng ngực và khắp cơ thể chị lớp thịt phía ngoài bị cháy chín, có những chỗ bị lột cả mảng. Vết bỏng quá nặng, chúng tôi phải chẻ thân cây chuối vắt nước lên các vùng bị bỏng. Sơ cứu xong, với sự hỗ trợ của dân quân địa phương, chị Lung được đưa đi cấp cứu nhưng chị đã không qua khỏi.

Sau trận đánh bom, dẫu lòng nóng như lửa đốt vì không biết đồng đội ai còn, ai mất nhưng vì nhiệm vụ nên ai vào vị trí nấy, chỉ biết nỗ lực cao nhất để giữ cho đường dây thông tin liên lạc được thông suốt. Lúc thủ trưởng nói chuyện qua bộ đàm báo cáo tình hình của trạm, tôi nghe lỏm mới biết được sự thật. Vậy là trận bom ấy, chúng tôi đã mất 13 đồng đội, trong đó có 10 chiến sĩ nữ tuổi từ 16 đến 22".

Nguyện sống thay người hy sinh

Bà Thanh tâm sự, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, lòng đau khôn xiết nhưng bà và đồng đội còn sống khi ấy chỉ biết hứa trước vong linh các chiến sĩ rằng "sẽ sống và chiến đấu thay phần các anh, các chị, các em".

"Sau khi biết sự thật về đồng đội hy sinh, chúng tôi nhủ lòng không được phép khóc, càng không được phép yếu mềm, run sợ, nhụt chí. Đơn vị bị bắn phá, lương thực thực phẩm cháy hết, đến nước sinh hoạt cũng không còn, chúng tôi ăn cháo cầm hơi nhưng quyết bám trạm, hoàn thành nhiệm vụ của người lính thông tin. 7 ngày sau vụ ném bom ác liệt, 3 chị em chúng tôi mới được xuống suối tắm giặt", bà Thanh nhớ lại.

Được biết, đến nay, hài cốt của 11/13 liệt sĩ hang Lèn Hà đã được trở về quê hương, còn 2 liệt sĩ là Lê Thị Trâm và Hoàng Thị Liên vì một số lý do khách quan nên vẫn chưa kịp về nơi quê nhà. Sau khi hoà bình, phần mộ liệt sĩ Lê Thị Trâm đã được UBND thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, quy tụ về nghĩa trang thị trấn nhưng không may bị mất tên. Vì vậy, phần mộ liệt sĩ Lê Trị Trâm thuộc mộ liệt sĩ vô danh. Còn liệt sĩ Hoàng Thị Liên, vì trùng tên họ, năm sinh tháng đẻ với người thân của một gia đình liệt sĩ ở Nghệ An nên gia đình này đã đón hài cốt của liệt sĩ Hoàng Thị Liên về Nghệ An hương khói. Chính vì rắc rối này mà hiện liệt sĩ Hoàng Thị Liên chưa thể về đúng quê mình.

Lèn Hà sống mãi suối tóc xanh - Ảnh 3.

Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin Liên lạc và đoàn công tác thăm di tích lịch sử hang Lèn Hà năm 2021

Hang Lèn Hà (thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) là nơi đóng quân và máy điện đàm của Trạm cơ vụ A69. Vào lúc 13 giờ 25 phút ngày 2/7/1972, máy bay giặc Mỹ bất ngờ ập tới bắn pháo khói vào nhà ăn của Trạm cơ vụ A69 để chỉ điểm. Chưa đầy 5 phút sau, hai máy bay B52 bay đến ném 3 quả bom vào hai đầu núi và một quả vào chính giữa hội trường. Tiếp đó, chúng đánh bom phát quang khiến khu vực Trạm bị bốc cháy dữ dội. Cuộc đánh phá của địch diễn ra trong vòng 5 phút làm trạm máy trên hang đá cao bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500m đường dây quanh khu vực trạm bị đứt, không làm việc được; 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có 10 chiến sỹ nữ, nhiều chiến sĩ bị thương. Người nhiều tuổi nhất 28 tuổi, ít tuổi nhất mới 16 tuổi.

Tháng 9/2005, Lữ đoàn 134 đã cho xây dựng một bia tưởng niệm tại hang Lèn Hà khắc tên của 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong ngày 2/7/1972 và một ngôi miếu thờ dưới chân núi Lèn Hà.

Ngày 7/5/2009, hang Lèn Hà đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Sau khi phục viên, bà Thanh xin về công tác tại Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương (nay là Học viện Phụ nữ Việt Nam). Đất nước hoà bình, nhân dân cả nước bước vào giai đoạn khôi phục và đổi mới, cuộc sống vô vàn khó khăn nên bà Thanh và các đồng đội cũ đã mất liên lạc với nhau một thời gian. Đến khoảng năm 1992-1993, nhóm cựu chiến binh Trạm cơ vụ A69 mới có điều kiện đi tìm lại nhau. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, những người lính còn sống lần lượt tìm về thăm gia đình đồng đội đã hy sinh. Và từ nhiều năm nay, thành truyền thống, cứ 2 năm một lần, hội cựu lính thông tin Lèn Hà lại cùng nhau vào thăm chiến trường xưa, cùng nhau tìm về quê hương đồng đội để tưởng nhớ, ôn lại kỷ niệm thời hoa lửa.

Chia tay bà Thanh sau cuộc chuyện trò gần 5 tiếng đồng hồ, hòa vào dòng người tấp nập của phố phường, tâm trí tôi cứ vang vang câu nói lúc bà tiễn tôi ra cửa: "Nhiều người thắc mắc: Sao các chị, các anh đến giờ vẫn không được tặng Bằng khen hay phong Anh hùng? Với chúng tôi, Trạm A69 được ghi nhận và phong Anh hùng là vinh dự lớn lao. Còn chúng tôi đi chiến đấu không phải để mong đợi được phong Anh hùng. Chúng tôi là Anh hùng trong trái tim mình, trái tim đồng đội".

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 tại hang Lèn Hà (2/7/1972 - 2/7/2022), huyện Tuyên Hóa chủ trì, phối hợp với Lữ đoàn 134 - Binh chủng Thông tin liên lạc tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ và tri ân sự hy sinh của các chiến sỹ.

Theo đó, các hoạt động kỷ niệm gồm: Phát sóng vở kịch "Tóc mây Lèn Hà", Chương trình "A lô! Lèn Hà", "A lô! Đây là A69" trên sóng Đài Truyền hình; tuyên truyền về sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát động tuổi trẻ Thông tin toàn quân tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Trạm cơ vụ A69; tổ chức Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh về Trạm cơ vụ A69; khánh thành công trình đường vào hang Lèn Hà; tặng quà cho thân nhân 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 đã hy sinh, đại diện 4 gia đình đã có công giúp đỡ đơn vị Trạm cơ vụ A69 trong ngày 2/7/1972, gia đình chính sách; học sinh giỏi, xuất sắc, học sinh nghèo vượt khó, xây dựng 1 nhà tình nghĩa tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Đặc biệt, ngày 2/7/2022, tại hang Lèn Hà diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69.

Thảo Miên (thực hiện)