Lịch sử phong trào nữ quyền thế giới

26/03/2016 - 12:32
Trải qua nhiều biến động của lịch sử nhân loại cho thấy một bức tranh khá đầy đủ về sự bất bình đẳng đối với phụ nữ.Phong trào phụ nữ ngay từ khi ra đời là phong trào đòi quyền bình đẳng đối với nam giới, gọi tắt là phong trào nữ quyền.

Đến cuối thế kỷ XVIII, ở nhiều nước tư bản Châu Âu và Bắc Mỹ, sự áp bức, bóc lột giai cấp ngày càng tăng, trong đó phụ nữ là giới chịu thiệt thòi nhất, bị đối xử thấp hèn trong xã hội và cả trong luật pháp.

Do đó, phong trào nữ quyền bắt đầu từ thế kỷ XVIII, khi người ta ngày càng tin rằng phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng trước pháp luật. Tư tưởng của nữ quyền bắt nguồn từ phương Tây vào Thời đại Khai sáng, khi con người biết rằng chính lý trí và khoa học chứ không phải tôn giáo sẽ làm cho nhân loại tiến bộ.

nu-quyen-2.jpg
 Phong trào nữ quyền bắt đầu vào thế kỷ XVIII khi sự áp bức, bóc lột giai cấp ngày càng tăng.

Những nhà tư tưởng của thời kỳ này có bà Mary Wortley Montagu và Hầu tước Condorcet đấu tranh cho việc học vấn của phụ nữ. Nhiều nhà tư tưởng tự do như Jeremy Bentham đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ về mọi mặt.

Cách mạng Pháp bùng nổ năm 1789 với trên 5.000 phụ nữ diễu hành đến Versailles là một trong những sự kiện trọng đại.

Năm 1792, tại Anh, đã xuất bản một tác phẩm nổi tiếng của bà Mary Wollstonecraft: “Bản chứng minh các quyền của Phụ nữ”. Đây là ản Tuyên ngôn nữ quyền đầu tiên. Nội dung cấp tiến nhất và cũng là ý thức hệ trung tâm của tác phẩm là bà đã chứng minh nữ tính chỉ là hệ quả do con người tạo nên, chứ không phải là có sẵn và bất biến.

Ở châu Á, Pandita Ramabai (1858 -1922) ở Ấn Độ đã phê phán sự giáo điều của Ấn Độ giáo và bênh vực cho sự tự do của Phụ nữ ngay từ năm 1880. Kartini (1879 -1904) ở Indonesia là người tiên phong trong phong trào giáo dục phụ nữ và giải phóng phụ nữ, thách thức xã hội bằng cách lập một trường nữ. Jiu Jin (1875-1907) ở Trung Quốc đã sang Nhật học và sau đó dấn thân vào phong trào phụ nữ.

Sang thế kỷ XIX, những hoạt động của phong trào phụ nữ đã dẫn đến sự ra đời ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Đó là phong trào phụ nữ công nhân trong thời kỳ đầu của công nghiệp hóa ở Châu Âu và Bắc Mỹ.

Năm 1844, nữ công nhân thành lập Hiệp hội Cải cách Nữ công nhân vùng Lowell, đòi chỉ làm việc 10 giờ mỗi ngày. Hoạt động của Hiệp hội đã khởi đầu cho những cải thiện điều kiện lao động trong ngành công nghiệp dệt.

Năm 1848, phong trào nữ quyền có tổ chức được ghi nhận là từ Công ước Seneca Falls, bản Công ước đầu tiên về Quyền của phụ nữ hoặc còn được gọi là Nghị quyết đầu tiên về quyền bầu cử của phụ nữ Hoa Kỳ. Công ước này được thông qua vào năm 1848.

Đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có sự xuất hiện của nhiều tổ chức phụ nữ. Sớm nhất là Hội đồng Quốc tế của Phụ nữ, thành lập năm 1888 với mục đích tập hợp tất cả các tổ chức Phụ nữ ở các nước để đòi quyền bình đẳng cho Phụ nữ, quyền tham gia vào đời sống chính trị – xã hội. Lúc đầu các tổ chức này chỉ có ở Tây Âu và Bắc Mỹ, dần dần lan ra các vùng khác.

Vào đầu thế kỷ XX, phụ nữ tại nhiều nước bắt đầu có quyền đi bầu cử, nhất là vào khoảng những năm cuối Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất và những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc. Có nhiều lý do khác nhau về việc cho phụ nữ được quyền bầu cử, trong đó có cả lý do nhằm công nhận sự đóng góp của phụ nữ trong thời gian chiến tranh.

Thập kỷ 1920 là khoảng thời gian quan trọng đối với phụ nữ. Ngoài việc được quyền bầu cử, phụ nữ còn được sự công nhận của pháp luật tại nhiều nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ nữ bị mất việc làm mà họ đã có được trong thời gian chiến tranh. Tuy nhiên cũng còn nhiều phụ nữ làm việc tại nhà máy, nông trại và các nghề truyền thống của phụ nữ. Phụ nữ cũng đạt sự tiến bộ trong một số ngành.

Nhìn chung, qua hai cuộc Thế chiến I (1914-1918) và Thế chiến II (1939-1945), do thiếu nhân lực, phụ nữ đã bước vào những ngành nghề trước đây có truyền thống là của nam giới như: chế tạo vũ khí, đạn dược và máy móc…

Bằng cách chứng tỏ rằng phụ nữ có thể đảm nhận các “công việc của nam giới” và nhấn mạnh sự lệ thuộc của xã hội vào sức lao động của phụ nữ, sự chuyển đổi công việc này đã khuyến khích phụ nữ tiến tới bình đẳng với nam giới.

Lúc đầu phong trào phụ nữ có xu hướng đấu tranh cho quyền bầu và ứng cử thì đến đầu thế kỷ XX bắt đầu có xu hướng đấu tranh cho phúc lợi của phụ nữ (nhiều nước ở Châu Á) như: Phát triển Giáo dục, phát huy địa vị phụ nữ. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, có các phong trào tổ chức dịch vụ cho phụ nữ như: xây dựng trung tâm công tác xã hội ở thành phố ở Mỹ, làm ký túc xá cho phụ nữ trẻ, sau này phát triển thành Hội Phụ nữ trẻ Thiên chúa giáo (YWCA), hội phụ nữ ngành nghề, đại học.

Đến cuối Chiến tranh Thế giới thứ I, đã có hàng triệu phụ nữ thuộc các tổ chức phụ nữ này. Các chủ đề chính vẫn là: Phụ nữ tham chính và tham gia cải cách xã hội…

Thời gian sau Chiến tranh Thế giới thứ II, phong trào phụ nữ ở các nước công nghiệp có phần lắng vì phụ nữ đã có quyền đi bầu, đã giành được các phúc lợi xã hội. Từ thập niên 1960 và nhất là từ thập niên 1970, phong trào nữ quyền phát triển mạnh. Nhiều nhóm đấu tranh cho nữ quyền đã hình thành ở các nước phát triển và cả ở những nước đang phát triển. Điều đáng chú ý ở những nước đang phát triển là ảnh hưởng của phong trào phụ nữ tiến bộ ở các nuớc XHCN.

Sự phát triển mới của phong trào phụ nữ với các chủ đề mới như: tăng số phụ nữ làm công tác quản lý, phụ nữ và phát triển…  bởi mặc dù có những tiến bộ về kinh tế, xã hội, chính trị, phụ nữ vẫn chưa được tham gia một cách bình đẳng.

Năm 1975, với việc ra đời cuốn sách “Một tiếng nói nữa”, Marcia Millman và Rosabeth Kanter đã đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên nâng tư tưởng nữ quyền trở thành một môn khoa học xã hội.

Tóm lại, phong trào phụ nữ phát triển ngày nay đã thừa hưởng những thành quả của các thế hệ phụ nữ, những người đã đấu tranh mạnh mẽ cho quyền lợi của chính mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm