“Lịch sử vú”: Góc nhìn nữ quyền sâu sắc và táo bạo

Dịch giả Nguyễn Thị Minh
11/04/2022 - 11:22
“Lịch sử vú”: Góc nhìn nữ quyền sâu sắc và táo bạo

Cuốn sách “Lịch sử vú” của Marily Yalom (NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành bản tiếng Việt tháng 3/2022)

Cuốn sách “Lịch sử vú” của Marily Yalom (NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành bản tiếng Việt tháng 3/2022) được xem là công trình mở đầu cho ngành nghiên cứu về cơ thể với nhiều góc nhìn nữ quyền sâu sắc và táo bạo.
Người phụ nữ có đóng góp lớn cho sự phát triển của nghiên cứu giới

Marilyn Yalom sinh năm 1932 ở Chicago, Mỹ. Bà lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins vào năm 1963. Là một học giả xuất sắc, người sáng lập Viện Nghiên cứu về Phụ nữ và Giới tại Đại học Stanford (nay là Viện Nghiên cứu Giới Clayman), bà viết rất nhiều cuốn sách hiện đã dịch ra 20 thứ tiếng trên thế giới. Trong số đó, có thể kể đến: "Những chị em ruột: Cách mạng Pháp trong ký ức của phụ nữ", "Lịch sử người vợ", "Người Pháp đã phát minh ra tình yêu như thế nào"… 

Nghiên cứu của bà chủ yếu tập trung vào các vấn đề hôn nhân, gia đình, tình yêu, tình bạn… của phụ nữ trong lịch sử. Bà được đánh giá là có đóng góp rất lớn trong sự phát triển của nghiên cứu giới nói chung, nghiên cứu phụ nữ nói riêng, ở một thời điểm khi các khoa nghiên cứu giới còn khá hiếm, và có ít phụ nữ tham gia vào lĩnh vực học thuật. Bà đã sống một cuộc đời đầy đam mê, trung bình 3 đến 4 năm ra một cuốn sách. Chỉ 1 năm trước khi qua đời, bà vẫn xuất bản cuốn sách "Trái tim say đắm: Một lịch sử phi quy ước của tình yêu" vào năm 2018.

"Lịch sử vú" được xếp vào một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Marilyn Yalom. Cuốn sách được xem là công trình mở đầu cho ngành nghiên cứu về cơ thể với nhiều góc nhìn nữ quyền sâu sắc và táo bạo.

Cuốn sách có chủ đề "vô tiền khoáng hậu"

"Lịch sử vú" được đánh giá là cuốn sách có chủ đề vô tiền khoáng hậu và thành công ngoạn mục trong việc hòa trộn giữa mỹ học và chính trị, viết về bộ phận được cho là mang nhiều ý nghĩa biểu tượng nhất trên cơ thể phụ nữ nói chung. Lần lượt qua các chương Vú linh thiêng, Vú gợi dục, Vú quốc dân, Vú chính trị, Vú tâm lý, Vú thương mại, Vú y học, Vú tự do, Vú trong khủng hoảng, sách đem lại cái nhìn liên ngành giúp độc giả hình dung khá toàn diện về việc một bộ phận thân thể đã được diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau kiến tạo như thế nào, từ đó hình dung được diện mạo của vú trong văn hóa phương Tây.

“Lịch sử vú”: Góc nhìn nữ quyền sâu sắc và táo bạo - Ảnh 1.

Mở đầu tác phẩm bằng một câu nói gợi tò mò "Tôi có ý định làm cho bạn suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây", Marilyn Yalom đưa người đọc vào chuyến du hành vượt thời gian (khoảng 2.500 năm, từ thời cổ đại đến hiện đại), xuyên không gian (từ vùng Trung Đông đến châu Âu và Mỹ…), xuyên qua diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả tôn giáo, chính trị, thương mại, khoa học, nghệ thuật…) để chứng kiến thân phận "bảy nổi ba chìm" của vú. Khởi thủy là vú linh thiêng, người ta tôn vinh các nữ thần, nữ tư tế, Đức Mẹ Đồng trinh vì bầu vú mang lại sự sống cho nhân loại của họ. Khi bước vào đời sống thế tục, vú trở thành vú gợi dục, hiện thân trên cơ thể tình nhân của các vua chúa, nơi các cô gái thanh lâu hạng sang tử tế ở Ý. Sang thời hiện đại, vú trở thành "vú quốc dân", là biểu tượng cho sự phồn thịnh.

Trong diễn ngôn khoa học, vú đi vào lĩnh vực tâm lý học và y học, trở thành ngọn nguồn của khao khát, dục năng hướng về sự sống cũng như đe dọa cái chết. Vú cũng là động lực quan trọng của hoạt động kinh doanh thương mại, từ coóc-xê đến tình dục qua mạng. Chỉ đến gần đây, vú mới mang những sắc diện mới của vú tự do trong chính trị, thi ca và tranh ảnh. Ở thế kỷ XX, vú mang ý nghĩa của sự giải thoát khỏi những quan niệm áp đặt lên mình từ bao vòng kiềm tỏa của xã hội và văn hóa, dù sự giải phóng thực sự vẫn còn nằm ở thì tương lai.

Thông điệp "Phụ nữ hãy yêu thương và quý trọng cơ thể mình"

Có thể nói, lịch sử vú còn là lịch sử của văn minh. Dù đa dạng và trải qua nhiều khúc quanh trong lịch sử, về cơ bản, vú luôn gắn với hai ý nghĩa trái ngược, tạo nên sức căng cho cả chủ thể nữ - người mang vú, lẫn những chủ thể chiếm dụng vú vì các mục đích riêng: thiêng liêng và phàm tục; cho bú và tình dục; nuôi dưỡng và khơi lên dục vọng; đẹp đẽ, cao quý và gây hiềm khích, nguy cơ; tốt và xấu; mang lại sự sống và hủy diệt sự sống. Từ việc phân tích các ý nghĩa được kiến tạo này, Marilyn Yalom đưa ra những quan điểm nữ quyền sâu sắc và táo bạo của mình, với tư cách vừa là người nghiên cứu, vừa là người trực tiếp trải nghiệm việc quy gán ý nghĩa.

Với "Lịch sử vú", thông điệp nhân văn mà Marilyn Yalom muốn truyền đạt đến chúng ta là hãy yêu thương và quý trọng cơ thể mình. Hãy đủ tỉnh táo để nhận ra những ý nghĩa được kiến tạo và áp đặt lên cơ thể. Cùng với việc chỉ ra vú bị "triều đại của dương tượng" kiến tạo như thế nào, bà cũng dành những trang viết rất xúc động về cách người phụ nữ tự biểu đạt mình, trong thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh, nơi dường như vú không còn bị phân mảnh.

Bên cạnh các trang dữ liệu và phân tích phong phú, cuốn sách còn có 99 hình minh họa, lấy từ nhiều phương tiện truyền thông trong lịch sử phương Tây.

"Bầu vú trong quá khứ, hiện tại và tương lai tiếp tục là chỉ dấu cho các giá trị của xã hội. Ngày mai, phụ nữ và trẻ em sẽ có loại vú nào? Liệu phụ nữ có phải đối mặt với căn bệnh ung thư vú ngày càng gia tăng không? Chúng ta, những người sống sót, cảm thấy may mắn khi không phải là một trong số chín nạn nhân, và gần như may mắn nếu ta chết mà vẫn còn nguyên bầu vú".

(Trích cuốn "Lịch sử vú" của Marilyn Yalom)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm