Liên tiếp trẻ bị đuối nước, chuyên gia cảnh báo các bậc phụ huynh

Linh Trần
28/05/2020 - 18:33
Liên tiếp trẻ bị đuối nước, chuyên gia cảnh báo các bậc phụ huynh
Chỉ trong hơn 1 tuần, riêng 1 BV cấp tỉnh đã tiếp nhận 3 trẻ bị đuối nước. Hiện đã vào mùa hè, nguy cơ xảy ra đuối nước có thể xảy ra với trẻ bất cứ lúc nào.

Ngày 28/5, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, BV đang đang điều trị cho bệnh nhi H.H.N.(21 tháng tuổi, trú tại TP. Uông Bí) bị đuối nước rất nặng.

Trước đó, BV tiếp nhận trẻ trong tình trạng bất tỉnh, da xanh tím, đồng tử giãn tối đa, mất hết phản xạ, mạch, huyết áp bằng không.

Gia đình cho biết, trước đó bé chơi cùng chị gái học lớp 5 ở nhà. Gia đình có đầm rộng, không rào chắn. Trong lúc chơi đùa, bé đã bị trượt chân ngã xuống ao. Khi người nhà phát hiện, bé đã có biểu hiện ngừng thở, tím tái. Gia đình ngay lập tức đưa bé đến viện để cấp cứu.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản, cho trẻ thở máy. Đến sáng ngày 28/5, bé vẫn hôn mê, tiên lượng rất nặng.

Liên tiếp trẻ bị đuối nước, chuyên gia cảnh báo các bậc phụ huynh cần chứ ý hơn đến con em mình - Ảnh 1.

Bệnh nhi đang được cấp cứu tại BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí

Ban giám đốc BV cho biết, chỉ trong hơn 1 tuần qua, BV đã tiếp 3 bệnh nhi nhập viện do đuối nước. Trong số đó, bệnh nhi N. là nặng nhất, bởi đã sau 10 ngày cấp cứ, bệnh nhân vẫn hôn mê. Các trường hợp còn lại được sơ cứu và phát hiện kịp thời nên qua cơn nguy kịch.

Trao đổi với PNVN ngày 28/5, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đuối nước. Trẻ vốn hiếu động, tò mò, thích nghịch nước trong khi chưa lường hết sự nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài ra, trẻ môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập, trong khi phụ huynh lại bất cẩn như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm khiến trẻ có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

Liên tiếp trẻ bị đuối nước, chuyên gia cảnh báo các bậc phụ huynh cần chứ ý hơn đến con em mình - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

Theo PGS. Nguyễn Tiến Dũng, để phòng tránh tai nạn đuối nước, phụ huynh cần cho trẻ tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như ao, hồ, sông suối, bể nước, cống rãnh, miệng giếng không có nắp che; trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi. Đối với trẻ nhỏ luôn cần sự chăm sóc và giám sát chặt chẽ của người lớn, làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình. Trường hợp cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để ý con trong tầm mắt. Ngoài ra cha mẹ cần dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước. Nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục.

PGS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trường hợp phát hiện trẻ bị đuối nước, việc cần kíp là phải cấp cứu tại chỗ cho trẻ. Theo đó, cần đưa lên bờ an toàn bằng cách ném phao hoặc một sợi dây để kéo trẻ và gọi thêm người giúp đỡ. Khi đưa nạn nhân lên bờ, nếu bị bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức.

Đặt trẻ nằm ngửa trên sản trong tư thế đầu thấp, lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi, thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo. Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại. Thực hiện cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Lưu ý, trong quá trình di chuyển vẫn phải thực hiện các biện pháp cấp cứu nếu trẻ chưa tỉnh dậy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm