Liệt sĩ trở về: Tâm sự của 3 người trong cuộc

19/04/2016 - 17:30
Ông Tiến bị trọng thương, mất trí nhớ rồi nên duyên với nữ quân y đã cứu giúp mình. Ở quê, khi nhận giấy báo tử chồng, vợ ông ở vậy nuôi con. Trí nhớ phục hồi, liệt sĩ Đinh Thế Tiến trở về, họ ứng xử ra sao khi bên người đàn ông là 2 bà vợ.
Ông Tiến hiện đang sinh sống tại An Giang cùng với người vợ miền Nam là bà Lê Thị Tha.

Năm 1978, ông Tiến bị thương rất nặng và chắc chắn sẽ không qua khỏi được nếu không được người nữ quân y Lê Thị Tha tận tình cứu chữa.

2 tháng sau, sức khỏe ông Tiến dần bình phục. Tuy nhiên, trí nhớ của ông đã hoàn toàn bị mất. Khi sức khỏe ổn định, biết mình không nhớ bất cứ chuyện gì xảy ra trong quá khứ, ông Tiến sững sờ như hóa đá. “Khi ấy, tôi sống trong cảm giác của sự tuyệt vọng và khổ đau. Tôi sẽ làm gì khi không biết mình là ai, ngoài cái tên Đinh Thế Tiến. Tôi không thể nhớ nổi quê hương, gia đình, bạn bè, đồng đội… thì sống làm gì nữa, chỉ muốn chết quách đi cho rảnh nợ đời”, ông Tiến bộc bạch.

Nhưng rồi, bà Tha đã đến và làm thay đổi cuộc đời của ông. Sau khi rời bệnh xá, bà đã đưa ông Tiến về nhà mình chăm sóc thêm. Thấy chàng bộ đội hiền lành, giờ chẳng còn người thân nên mẹ của bà Tha cũng rất yêu quý. Bà cụ nói với ông Tiến: “Thôi, tao thấy mày hiền nên nếu thương con Tha thì tao gả cho. Nhưng mày phải đối xử tốt với nó, bởi nó đã cứu sống cái mạng của mày”.

Khi được ông Tiến ngỏ lời, trái tim bà Tha đập liên hồi rồi gật đầu đồng ý. Song, ông Tiến vẫn nhẹ nhàng nói: “Anh là người mất trí nhớ. Có thể anh đã có gia đình, vợ con rồi. Em hãy suy nghĩ thật kỹ. Làm vợ anh, em sẽ chịu nhiều thiệt thòi”.
Bà Tha rưng rưng, nói ngắn gọn: “Đó đã là duyên phận rồi”.

Năm 1980, ông Tiến và bà Tha nên duyên vợ chồng. Lần lượt 5 người con chào đời khỏe mạnh. Do sức khỏe ông Tiến còn khá yếu, lại mất sức lao động nên mọi lo toan, sinh hoạt trong gia đình đều dồn cả lên vai của bà Tha. Bà Tha vừa làm đỡ đẻ vừa làm ruộng đầu tắt mặt tối, rồi còn chạy chợ buôn bán trái cây để có thêm thu nhập lo cơm nước cho chồng con đầy đủ.

Trong suốt 38 năm qua, hằng ngày, bà Tha đều tìm cách khơi gợi lại trí nhớ của chồng mình. Bà tâm sự rằng con người phải có nguồn có ngọn. Vì vậy, nếu còn hy vọng là còn tìm mọi cách khôi phục lại trí nhớ cho chồng để ông ấy tìm lại quê nhà. Bằng sự nỗ lực, kiên trì, đến năm 2015, ông Tiến mới dần nhớ lại quê hương và đã về Hòa Bình gặp lại gia đình, anh em và cả người vợ trước đây của mình là bà Hoàng Thị Thả nữa.

Mừng mừng, tủi tủi sau bao ngày xa cách, nhưng niềm vui của bà Thả ngắn chẳng tay ngang vì ông Tiến chỉ ở lại xứ Mường được 12 ngày. Sau đó, ông Tiến lại vội vàng trở lại xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang sinh sống - quê của người vợ thứ hai của ông đồng thời cũng là ân nhân cứu mạng. 

Với bà Tha - người vợ miền Nam - quãng đời gian chung sống cùng ông Tiến đã có sự gắn bó rất đặc biệt, đó là 3 lần cùng chồng vượt qua cơn “thập tử nhất sinh”, là những tháng ngày vợ chồng cùng đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau để nuôi lớn các con… nên tình cảm đó cũng khó để chia rời, mặc dù, bà là “người đến sau”.

Chia sẻ của bà Lê Thị Tha về tình cảm với liệt sĩ trở về Đinh Thế Tiến:

Tâm trạng của bà Thả khi ông Tiến trở lại quê nhà ngổn ngang trăm mối: Bà vui vì chồng mình đã trở lại; vui vì suốt bao năm qua được người cưu mang chăm sóc nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi khi biết trong quãng đời còn lại, bà vẫn lẻ bóng dù chồng đã trở về.

Sau những ngày trùng phùng, bà Thả trở lại với nhịp sống đời thường. Bà ở với người con trai duy nhất của mình là anh Đinh Thế Hiến (SN 1977) và 2 đứa cháu nội. Hàng ngày bà đi thả trâu trên núi. Tối về lại tất bật giúp con cái việc nhà, việc cửa. Bà làm việc cả ngày, chẳng cho chân tay ngơi nghỉ. Được chăm chút gia đình là niềm động viên, giúp bà vượt qua bao gian khó của những ngày xa chồng đằng đẵng. “Ông Tiến đã sống quen trong đó rồi. Giờ tôi cũng không thể ép ông ấy phải sống ở nhà với vợ con. Không thể bắt ông ấy ở lại xứ Mường vì ông ấy cũng có nỗi niềm riêng. Tôi chỉ mong ông ấy luôn mạnh khỏe và hạnh phúc là vui rồi”, bà Thả chia sẻ.

Bà Thả và người con trai của ông Tiến hiện sống ở Hòa Bình.

Trong câu chuyện của bà Thả hàm chứa không ít ngậm ngùi. Dường như ngày nào bà cũng gọi điện cho ông Tiến để hàn huyên như để bù đắp bao năm xa cách. Đó cũng là niềm vui của những ngày đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời của bà Thả.

Lời tâm sự tận đáy lòng của bà Hoàng Thị Thả:


Hiện, vợ chồng ông Tiến sống bằng nguồn thu nhập từ 5 công ruộng ở huyện Tịnh Biên. Người con trai thứ 5, hiện đang làm cán bộ UBND xã đang là người chăm sóc cha mẹ.

Ông Tiến bảo, giờ đây, các con của 2 bà đều đã lớn khôn, trưởng thành. Ông cũng đã nhớ được gốc gác, cội nguồn nên rất mãn nguyện và luôn cảm thấy hạnh phúc và trân trọng mái ấm gia đình cùng người vợ thứ 2 ở An Giang. Còn với bà Thả, vì điều kiện không thể chung một nhà nhưng tình cảm vợ chồng từ thuở hoa niên vẫn rất sâu nặng và ông mãi khắc cốt ghi tâm.

Ông Đinh Thế Tiến với 2 người vợ một Bắc, một Nam trong lần trở lại quê hương sau 39 năm.

Hình ảnh ông Tiến ngồi ôm 2 người vợ, một Bắc, một Nam trong ngày trùng phùng với nụ cười trên môi khiến nhiều người cảm thấy mừng. Đó là kết thúc có hậu của những người phải chịu nhiều mất mát của chiến tranh và họ đã biết gạt sang những nỗi niềm riêng tư để có thể chấp nhận nhau, tôn trọng nhau và sống nhân ái với nhau... 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm