Lợi dụng 'bắt vợ' để đưa qua biên giới thì sao?

08/02/2017 - 17:33
Một tỉnh giáp biên, tình trạng mua bán người diễn ra phức tạp thì việc “bắt vợ” như ở Sapa vừa qua rất có thể bị kẻ xấu lợi dụng tạo vỏ bọc cho hành vi bắt phụ nữ, trẻ em đưa sang bên kia biên giới.

Đó là những lo lắng của lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Lào Cai về những vụ việc bắt vợ xảy ra trên địa bàn thời gian qua.

Như PNVN đã đưa tin, ngày 5/2 tại thị trấn Sapa (Lào Cai) đã xảy ra một vụ “bắt vợ” ngay giữa đường thu hút sự quan tâm của dư luận. Một nữ sinh học lớp 9 trường THCS thị trấn Sapa đã bị một nhóm người lao vào kéo, bắt giữ để đưa về nhà làm vợ mặc cho cô bé kêu khóc thảm thiết và phản đối quyết liệt. Sau gần 2 tiếng đồng hồ giằng co, cô bé đã bị lôi đi xềnh xệch. Chứng kiến cảnh đó, nữ nhà văn Tống Ngọc Hân đã không khỏi xót xa, cay đắng và đưa câu chuyện lên trang facebook cá nhân của mình.

bat-vo-3.jpg
Hình ảnh bắt vợ ngay giữa thị trấn Sapa khiến nhiều người phản đối

Trao đổi với PNVN về vụ việc này, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Lào Cai cho hay, bắt vợ là phong tục của đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngang nhiên vi phạm pháp luật, xâm hại thân thể, xúc phạm phụ nữ, trẻ em.

“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật cho bà con. Được tuyên truyền vận động thì việc làm trái pháp luật giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, ở những nơi vùng sâu vùng xa, vẫn còn một ố bà con còn thiếu hiểu biết về pháp luật nên vẫn có xảy ra tình trạng này”, vị lãnh đạo này nói.

“Một tỉnh miền núi, giáp biên việc phụ nữ đi khỏi địa phương, tình trạng mua bán người vẫn thường xảy ra thì việc đưa người sang nước ngoài rất dễ xảy ra. Nên càng phải lên án việc bắt người như vừa qua. Biết đâu, lợi dụng tục bắt vợ để bắt người trái pháp luật, đưa sang bên kia biên giới thì sao. Thế nên, dù là phong tục cũng không thể ủng hộ được”, lãnh đạo Hội LHPN Lào Cai khẳng định. 

Cũng theo vị này, về cơ bản là bây giờ ít nơi thực hiện tập tục bắt vợ, bởi họ đã nhận ra bắt vợ như thế thì trái với pháp luật. 

bat-vo-2.jpg
Việc bắt vợ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể bị lợi dụng để bắt cóc các bé gái, phụ nữ.

Trong khi đó, bà Lưu Thị Ngân Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sapa (Lào Cai) lại cho rằng, tình trạng bắt vợ ở Sapa xảy ra khá nhiều bởi đó là phong tục của đồng bào Mông. Dưới con mắt của du khách thì đó là điều bất bình đẳng đối với phụ nữ, trẻ em gái nhưng với đồng bào Mông thì đó lại là cách thể hiện giá trị của phụ nữ.

“Tuy nhiên, cần có sự can thiệp của chính quyền địa phương để loại bỏ những vụ cưỡng ép, bắt vợ trái ý muốn của phụ nữ hoặc lợi dụng việc bắt vợ để thực hiện các mục đích xấu”, bà Hà nói.

Dưới góc độ pháp lý, các luật sư đều cho rằng, việc bắt vợ là hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm thân thể, danh dự của phụ nữ. Qua các sự việc trên cho thấy, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật ở các địa phương là rất cần thiết.

Một vấn đề quan trọng không kém là phải nâng cao nhận thức cho người dân biết thế nào là những phong tục, tập quán tốt đẹp, là văn hóa thì nên duy trì, giữ gìn. Còn những gì biến tướng méo mó, ảnh hưởng, xâm phạm đến danh dự, quyền tự do, dân chủ của công dân thì phải kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Văn hóa là tốt đẹp, là cội nguồn cuộc sống nhưng những gì biến tướng, phản văn hóa thì phải bị xử lý. Có như vậy mới nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng hình ảnh con người chuẩn mực, cư xử văn minh. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm