Lồng ghép an toàn thực phẩm vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia

PV
07/12/2022 - 22:05
Lồng ghép an toàn thực phẩm vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, chia sẻ tại Tọa đàm "Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn"

Bộ Công Thương đã lồng ghép vấn đề phân phối thực phẩm an toàn vào những chương trình như: Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... để kết nối được những nông sản, thực phẩm an toàn sản xuất tại các địa phương đưa vào các kênh phân phối trong nước.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm "Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 7/12/2022, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó nhiệm vụ giao cho Bộ Công Thương là "Chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm"; đến nay, Bộ Công Thương đã hỗ trợ phát triển nhiều hệ thống phân phối thực phẩm an toàn trên phạm vi cả nước.

Xây dựng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn gắn với tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm

Thời gian qua Bộ Công Thương đã thực hiện nhiệm vụ phát triển các hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống sao cho bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhiều hoạt động về tập huấn, tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương về xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đã được triển khai.

Lồng ghép an toàn thực phẩm vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia  - Ảnh 1.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, chia sẻ tại Tọa đàm "Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn"

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương lồng ghép những hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế - xã hội do Bộ thực hiện. Tiêu biểu như: hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại lồng ghép vào các chương trình phát triển hạ tầng thương mại theo hướng bền vững, văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm; đổi mới cách xây dựng hạ tầng thương mại như thu hút vốn đầu tư nước ngoài; xây dựng những hệ thống phân phối bán lẻ theo hướng văn minh hiện đại, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bà Lê Việt Nga cũng nhấn mạnh: Việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn được lồng ghép với chương trình bình ổn thị trường tại hơn 50 tỉnh, thành phố, xây dựng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn với tiêu chí quan trọng bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá cả hợp lý. Đến nay, việc nhân rộng hệ thống phân phối thực phẩm được thực hiện trên phạm vi toàn quốc không chỉ cửa hàng phân phối hiện đại, mà còn cả ở những kênh truyền thống như chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng lồng ghép vấn đề phân phối thực phẩm an toàn vào những chương trình như Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hay những chương trình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn mới để kết nối được những nông sản, thực phẩm an toàn sản xuất tại các địa phương đưa vào các kênh phân phối trong nước.

Cần có sự chung tay, vào cuộc

Dù việc xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đã có được những kết quả đáng kể; tuy nhiên, theo bà Lê Việt Nga, việc xây dựng được những mạng lưới chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn bền vững không chỉ là việc của riêng ngành Công Thương mà cần phải có sự vào cuộc đều tay. Việc đề ra chính sách xây dựng phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên, để chính sách gắn với thực tiễn của mỗi địa phương, phát huy được sự linh hoạt trong triển khai, từ đó nhân rộng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, đòi hỏi vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các bên.

Lồng ghép an toàn thực phẩm vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia  - Ảnh 2.

Các khách mời tham gia tọa đàm

Đồng quan điểm với bà Lê Việt Nga, các khách mời tham gia tọa đàm cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã  trong việc huy động nguồn lực để phát triển, duy trì hệ thống phân phối thực phẩm an toàn cần sớm được cơ quan chức năng hỗ trợ và sớm có những tháo gỡ kịp thời. 

Những ý kiến chia sẻ của các khách mời sẽ là cơ sở để các chuyên gia đánh giá thực trạng thí điểm triển khai mô hình hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, từ đó từng bước hoàn thiện chính sách, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc; khuyến nghị về chính sách trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phát huy vai trò nguồn ngân sách, xã hội hóa thu hút nguồn lực cho việc phát triển mô hình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm