Tuyên truyền, tập huấn, thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm ở vùng cao

Tuyết Lan
20/10/2022 - 19:52
Tuyên truyền, tập huấn, thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm ở vùng cao

Bắc Kạn truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh minh họa

Bắc Kạn là một trong những địa phương thí điểm trong việc triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm, góp phần thay đổi nhận thức, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân.

Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn chia sẻ về các hoạt động truyền thông, tập huấn, nâng cao nhận thức cho bà con trong tỉnh về an toàn thực phẩm và mô hình chợ an toàn thực phẩm.  

+ Ông có thể cho biết về câu chuyện thực tiễn ở Bắc Kạn, những khó khăn đã phát sinh khi triển khai và nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm và Bắc Kạn đã giải quyết những khó khăn phát sinh đó ra sao?

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm lọt ở giữa các tỉnh khác. Bắc Kạn không có đường hàng không, đường thủy, đường sắt. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, giao thương có những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, dân số cũng phân tán do địa hình. Chính vì vậy, việc sinh hoạt chợ ở trên miền núi chúng tôi khác hẳn với một số các tỉnh khác ở trung du. Thời gian qua, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tuyên truyền, tập huấn, thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm ở vùng cao - Ảnh 1.

Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn chia sẻ tại Tọa đàm Giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Nguyên nhân thứ nhất là do tập quán tiêu dùng của người dân ở trên địa bàn, họ dễ chấp nhận, cũng dễ thừa nhận khi mua bán những sản phẩm hàng hóa. Họ không quan tâm lắm đến an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, việc thay đổi nhận thức của người dân là một trong những khó khăn nhất.

Nguyên nhân nữa là cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng ở chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cơ bản đã được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước từ rất lâu rồi, nên nây giờ, một số cơ sở hạ tầng đã xuống cấp rất nhiều, kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa chợ thì cũng hạn hẹp, khó thực hiện.

Thêm vào đó, các tiểu thương và những người được giao nhiệm vụ quản lý chợ cũng chưa mặn mà lắm trong việc nhân rộng mô hình quản lý chợ này.

Và khó căn bản nhất vẫn kinh phí để mà thực hiện rất hạn hẹp. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện được một số chợ đảm bảo an toàn thực phẩm và đã nghiệm thu.

+ Về góc độ quản lý nhà nước, ở cấp địa phương, theo ông chúng ta cần những các giải pháp như thế nào để có thể tiếp tục nhân rộng mô hình?

Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm có nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ cho việc này.

Một mặt, chúng tôi sẽ tuyên truyền với các hộ kinh doanh, người dân rằng an toàn thực phẩm bây giờ không chỉ dừng lại ở tỉnh quan tâm, mà là vấn đề được chú trong trên toàn quốc. Có đảm bảo an toàn thực phẩm như vậy thì chúng ta mới thực hiện được việc buôn bán.

Chúng tôi cũng tuyên truyền Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để khi xảy ra chuyện thì có chế tài để xử lý những người không chấp hành an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức một số lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho tiểu thương, người quản lý của xã có chợ. Đặc biệt, chúng tôi đề cao xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao là phải có tiêu chí thứ bảy - đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuyên truyền, tập huấn, thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm ở vùng cao - Ảnh 2.

Bắc Kạn truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh minh họa

+ Bắc Kạn đã có kế hoạch tuyên truyền sâu và rộng với bà con tiểu thương như thế nào? Ví dụ như là tuyên truyền thực tế, qua online hay qua hệ thống phường, xã, ông có thể nói rõ hơn?

Trong tuyên truyền, chúng tôi kết hợp với những cuộc tập huấn liên quan đến những hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như là những tiểu thương bán hàng tại chợ. Trong đó, chúng tôi sẽ lồng ghép, động viên chấp hành, nêu chế tài xử lý khi mà đã đã buôn bán sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

+ Trong thời gian tới Bắc Kạn có những giải pháp như thế nào để nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm trên địa phương mình?

Trước hết điều kiện cần thì chúng tôi phải có kinh phí để thực hiện. Do đó chúng tôi tham mưu cho tỉnh hỗ trợ từng năm một.

Còn điều kiện đủ, tôi nghĩ rằng là một trong những điều quan trọng không kém như điều kiện cần, đó là tâm lý của người dân thay đổi. Chúng tôi sẽ có tập huấn bằng cách cầm tay chỉ việc, chỉ đạo từng chi tiết trong kinh doanh chợ an toàn thực phẩm.

Bây giờ thông tin truyền thông rất phát triển, chúng tôi sẽ đưa lên một số trường hợp kinh doanh không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm lên để nhiều người biết và nhiều người biết thì người ta sẽ không vào mua nữa sẽ ảnh hưởng đến việc mua bán.

Kèm theo đó là truyền thông, nâng cao nhận thức về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khi vi phạm sẽ bị xử lý ra sao ngoài việc bị đưa lên truyền thông, đưa lên đài loa của chợ, của phường, đưa lên các trang facebook, zalo chẳng hạn...

Một điều kiện đủ nữa là cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành ở địa phương có chợ để triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm, góp phần thay đổi nhận thức, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm