Lồng ghép giới trong sách giáo khoa: Năng lực của giáo viên rất quan trọng

15/09/2018 - 21:12
Trong buổi hội thảo "Lồng ghép giới trong sách giáo khoa (SGK) phổ thông" do Hội LHPNVN tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia khẳng định, cần thúc đẩy lồng ghép giới trong SGK và đội ngũ giáo viên rất quan trọng trong việc truyền tải cho học sinh vấn đề bình đẳng giới.

Trình bày tổng quan về giới và giới thiệu một số kỹ năng phân tích giới, bà Trần Thu Thủy, Chánh văn phòng TƯ Hội LHPNVN - chuyên gia giới, nhấn mạnh, để SGK, chương trình giáo dục phổ thông thúc đẩy bình đẳng giới, cần bảo đảm sự cân đối về hình ảnh, vai trò, nghề nghiệp… của phụ nữ và nam giới trong nội dung bài học hình ảnh minh họa, khuyến khích những hình ảnh tích cực về phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực thường được coi không phải là thế mạnh của họ (phụ nữ làm lãnh đạo, nam giới chăm sóc gia đình), khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong xã hội. 

sach_sssy.jpg
Ảnh minh họa
 

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam, Tổ chức UNESCO Việt Nam, cho biết, lồng ghép giới trong SGK không chỉ lưu ý đến tỉ lệ, sự hiện diện của nam, nữ hoặc tên nhân vật, nghề nghiệp mà nhân vật đại diện, ngôn từ sử dụng, hình ảnh minh họa… mà còn phải chú ý đến việc đưa nội dung/chủ đề có liên quan đến vấn đề giới, giáo dục giới tính toàn diện, giáo dục tình dục và sức khỏe sinh sản… tương xứng với kết quả đầu ra mong đợi về kiến thức, kỹ năng và nhận thức đối với những nhóm lứa tuổi cụ thể, các chủ đề nên được bố trí theo từng khái niệm của các môn học phù hợp nhất, chú ý về thời lượng, những chỉ dẫn, chú thích dựa trên cơ sở bằng chứng và có tính cập nhật để giúp các giáo viên/người hướng dẫn có thêm thông tin hỗ trợ cho bài giảng của mình được tốt nhất.

anh-thah.JPG
Bà Trần Thị Phương Nhung: Phải chú ý đến việc đưa nội dung/chủ đề có liên quan đến vấn đề giới, giáo dục giới tính toàn diện, giáo dục tình dục và sức khỏe sinh sản… tương xứng với kết quả đầu ra mong đợi về kiến thức, kỹ năng và nhận thức đối với những nhónm lứa tuổi cụ thể

 

Cho rằng SGK hiện hành làm khá tốt vấn đề lồng ghép giới, ông Phan Xuân Thành, Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, giải thích: Việc dạy giáo dục giới tính được thực hiện từ bậc tiểu học. Các nhân vật nữ lịch sử, nhà văn nữ đều được đưa vào sách, vai trò của người phụ nữ trong văn học cũng rất rõ. Tuy nhiên, ông Thành cũng không phủ nhận việc SGK hiện nay (được học trong 5 năm tới) vẫn còn không ít thiếu hụt về giới, vì vậy cần bù đắp bằng sách tham khảo, lồng ghép bằng hoạt động ngoài giờ lên lớp.

thanh.JPG
Ông Phan Xuân Thành: SGK hiện nay còn không ít thiếu hụt về giới, vì vậy cần bù đắp bằng sách tham khảo, lồng ghép bằng hoạt động ngoài giờ lên lớp

 

Việc lồng ghép giới trong SGK phổ thông, theo ông Phan Xuân Thành, phạm vi, mức độ, cách thức đưa bình đẳng giới đưa vào SGK cần phải xác định: Lồng ghép giới vào SGK phải phù hợp, hiệu quả, lồng ghép là quan trọng nhưng không khô cứng, khiên cưỡng, phản cảm. “Với chương trình SGK mới, khi có chương trình môn học chính thức, cần rà soát đâu là những phần khuyến khích để lồng ghép, tích hợp”.

 

Luôn trăn trở về vấn đề bình đẳng giới, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, góp ý: Muốn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới thì phải tìm xem hiện nay trong SGK đang có những vấn đề giới là gì: hình ảnh minh họa chưa đảm bảo bình đẳng giới, nội dung thể hiện định kiến giới…? Khi xác định được vấn đề giới thì mới nghĩ đến lồng ghép giới và phải có hướng dẫn lồng ghép giới (lồng ghép vấn đề bình đẳng giới) trong SGK như thế nào. “Giáo dục bình đẳng giới nên từ ở cấp mầm non, thậm chí từ trong gia đình thì mới hy vọng có bình đẳng giới”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh.

hoa.JPG
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Giáo dục bình đẳng giới nên từ ở cấp mầm non, thậm chí từ trong gia đình thì mới hy vọng có bình đẳng giới

 

Đồng tình với ý kiến lồng ghép giới trong SGK thì cần tiếp cận những vấn đề gì, tiếp cận đến đâu, bà Trần Thị Mai Phương, Chủ biên môn giáo dục kinh tế pháp luật khối THPT, nhấn mạnh thêm:  Ngoài ra, đội ngũ giáo viên rất quan trọng trong việc giảng cho học sinh vấn đề bình đẳng giới. Bởi sách viết có tốt thế nào nhưng giáo viên không hiểu được chiều sâu về bình đẳng giới thì hiệu quả không cao. Việc tiếp cận tài liệu mới cần được phổ biến cho giáo viên, sinh viên sư phạm để giáo viên có đầy đủ năng lực truyền tải về bình đẳng giới. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12, gần 8.300 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản nhưng chỉ có 24% là nữ giới, 7% là trung tính (ví dụ đứa trẻ, học sinh, phụ huynh), còn nam giới chiếm đến 69%. Tương tự, trong gần 8.000 hình ảnh, nam giới chiếm tỷ lệ lớn hơn (58%). Đặc biệt, hiện có 95% nhân vật quan trọng, nổi tiếng được nhắc đến trong sách giáo khoa là nam giới.

sach-giao-khoa.jpg
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm