Mang cái chữ đến với phụ nữ vùng cao

MANG CÁI CHỮ ĐẾN VỚI PHỤ NỮ VÙNG CAO

Hàng chục lớp học xóa mù chữ đã được tổ chức tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, mang lại cơ hội học tập, xóa nghèo thông tin, cung cấp kiến thức để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho những phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Đi học chữ vì quá khổ

Thời điểm này, lớp học xóa mù chữ ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, do Đồn Biên phòng Mường Lạn tổ chức vẫn sáng đèn mỗi đêm. Tất cả học viên của lớp đều là phụ nữ Mông ở các độ tuổi khác nhau. Khuôn mặt mỗi người đều ánh lên niềm vui tươi, hứng khởi. Họ chăm chú  lắng nghe từng lời giảng của thầy giáo Biên phòng, dõi theo từng nét chữ của thầy giáo rồi chép lại vào vở.

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ ở bản Pu Hao gồm toàn phụ nữ người dân tộc Mông ở các độ tuổi khác nhau.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, tôi làm quen, hỏi chuyện với các chị mới thấy họ có những giấc mơ nhỏ, hết sức giản dị. Tôi đặc biệt ấn tượng với chị Giàng Thị Sông - người phụ nữ trẻ địu đứa con mới 7 tháng tuổi ngồi học say sưa. Tuổi thơ của chị Sông là những ngày cơ cực, không được đi học vì gia đình quá nghèo khó.

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 2.

Chị Giàng Thị Sông địu con đi học mỗi tối.

Chị Sông tâm sự: "Không biết chữ rất là vất vả. Tôi muốn đi học để biết đọc, biết viết, mở mang hiểu biết, có cuộc sống tốt hơn. Khi biết chữ, tôi sẽ đọc được hướng dẫn sử dụng thuốc cho con mỗi khi con bị ốm, biết xem hạn dùng các loại thực phẩm, đồ dùng trong gia đình. Xem những thông tin hướng dẫn hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Chính vì thế, tôi đã bàn với chồng, thu xếp công việc nhà, nhờ anh ấy trông một đứa con để tôi có thể yên tâm học chữ. Chồng tôi rất ủng hộ và khuyến khích vợ".

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 3.

Những người phụ nữ chỉ quen cầm cuốc nay bắt đầu tập làm quen với cây bút.

Cùng cảnh ngộ thất học, hơn 40 năm qua, chị Vàng Thị Dếnh thấm thía nỗi khổ của "nghèo đói" thông tin do không biết chữ. Vì thế, khi lớp học xóa mù chữ được mở, chị đăng ký ngay.

"Mấy chục năm qua, sống trong cảnh không biết đọc, không biết viết, tôi không dám đi đâu ra khỏi bản làng của mình. Có những lúc đi họp thôn, họp phụ nữ, cán bộ phát cho tôi tài liệu hướng dẫn về chăm sóc con cái, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn vay vốn ngân hàng nhưng tôi không biết đọc, không hiểu gì cả. Những lời cán bộ nói trong buổi họp tôi cũng không thể nhớ hết được khiến cho mọi thứ rất khó khăn. Vì vậy, tôi quyết tâm đi học để biết đọc, biết viết, tự tin làm mọi việc" - chị Dếnh tâm sự.

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 4.

Và bắt đầu từ những chữ cái đầu tiên như học sinh lớp 1.

Là một trong số những người chăm chỉ nhất lớp học, chị Sùng Pạ Dai đi học rất đều đặn. Có thể hiểu được khát khao muốn biết chữ của chị khi nghe những lời chia sẻ từ đáy lòng của người phụ nữ trẻ này. "Từ lâu, tôi chỉ có một ước mơ nhỏ là bán hàng online, dạy con học bài. Thế nhưng tôi không làm được gì cả vì bản thân không biết đọc, không biết viết, không biết nói tiếng Việt. Ngay cả lúc con tôi ốm, phải đi bệnh viện, tôi cũng không biết nói với bác sĩ thế nào về bệnh của con, bác sĩ hướng dẫn tôi cách chăm sóc con tôi cũng không hiểu. Những lúc như thế, tôi rất buồn và tủi thân muốn khóc".

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 5.

Nắn nót viết từng con chữ.

Chính những thiệt thòi, những lúc "bất lực" do không biết chữ đã tạo động lực cho chị Dai để đăng ký học lớp xóa mù chữ. Được chính người chồng giúp đỡ thêm, chị Dai học tập rất tiến bộ. Chị phấn khởi khoe với tôi: "Chỉ sau mấy tháng học, tôi đã đọc được, biết viết và nói tiếng Việt rồi. Đi ra chợ huyện, muốn mua cái gì cũng nói được. Tôi mong ước sau khi hoàn thành lớp xóa mù chữ sẽ được đi làm công nhân tại các công ty hoặc tự mình bán hàng online".

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 6.

Để tổ chức được lớp học này, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn phải đến tận nhà vận động chị em phụ nữ không biết chữ đi học.

Biết chữ để học hỏi làm ăn

Còn ước mơ của chị Di là biết ký tên, biết tính toán làm ăn. Chị bẽn lẽn nói: "Trước đây, tôi không biết ký tên. Bây giờ, nhờ cán bộ Biên phòng dạy chữ, tôi đã biết viết họ tên của mình. Tôi cũng nghe được các chương trình tiếng Việt trên Đài truyền hình - phát thanh nói về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để học theo. Tôi tin rằng, có cái chữ, biết làm ăn sản xuất theo đài hướng dẫn, nhà tôi sẽ đủ ăn, đủ mặc".

Những chị em khác trong lớp học thì chia sẻ, nhiều khi đi chợ mua đồ dùng cho gia đình, mua chỉ để thêu may quần áo cho con mà không biết nói thế nào, đều phải nhờ người khác nói hộ. Bởi vậy, mỗi chị em đều quyết tâm đi học cái chữ để tự mình có thể giao tiếp bằng tiếng Việt.

Các chị cho hay khi biết chữ rồi sẽ tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, bán hàng qua mạng, mạnh dạn vay vốn, trao đổi, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình.

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 7.

Trung úy Vì Văn Liêm, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, tận tình hướng dẫn học viên học chữ.

Chia sẻ về lớp học toàn nữ của mình, thầy giáo Vì Văn Liêm cho biết: "Ý thức học tập của các chị em rất tốt. Nhiều chị lúc đầu còn e ngại, xấu hổ nhưng sau khi được hướng dẫn tận tình, các chị đã tự tin hơn. Để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu, chúng tôi thường lấy những ví dụ cụ thể ngay trong cuộc sống của đồng bào. Ví dụ khi dạy cách tính toán, tôi lấy những bắp ngô làm giáo cụ, hay mang cả cái cân lên lớp để tính toán trọng lượng các loại nông sản của bà con. Trên cơ sở trọng lượng cân được, tôi hướng dẫn các học viên cách tính tiền".

"Thầy giáo là người dân tộc Mông, chỗ nào tôi không hiểu, thầy giải thích lại bằng tiếng của người Mông nên ai cũng nghe được, hiểu được lời thầy. Khi dạy làm phép toán cộng, thầy lấy 3 bắp ngô để ra bàn bảo rằng, thầy có 3 bắp ngô rồi, bạn A cho thầy thêm 5 bắp nữa (thầy lấy thêm 5 bắp trong túi ra để lên bàn) rồi hỏi vậy thầy có bao nhiêu bắp ngô tất cả. Ban đầu, mình chỉ cần đếm số bắp ngô trên bàn là biết số bắp thầy có. Bây giờ thì mình nhớ cách cộng, trừ, nhân, chia rồi" - chị Sùng Pạ Dai kể.

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 8.

Từ sự e ngại, xấu hổ ban đầu, đến nay các học viên đều mạnh dạn phát biểu ý kiến.

Nỗ lực "giảm nghèo" thông tin nơi biên giới

Thực tế, việc không biết chữ đã tạo ra nhiều rào cản đối với sự phát triển của không ít phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều phụ nữ bị lừa gạt, dụ dỗ, bóc lột sức lao động khi đi làm thuê trái phép; làm gia tăng tình trạng tảo hôn, đói nghèo, mất cơ hội phát triển bản thân.

Những người lính Biên phòng và cán bộ nhiều địa phương vùng biên giới Sơn La chia sẻ rằng tình trạng mù chữ khiến cho việc tuyên truyên, phổ biến pháp luật cũng như vận động nhân dân thực hiện chính sách của Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục điều này, cán bộ Biên phòng đã học nói tiếng của bà con để đi tuyên truyền, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dịch được sát nghĩa.

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 9.

Nhiều cánh tay giơ lên khi thầy giáo kiểm tra bài.

Thiếu tá Vàng Giàng Páo, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, được tăng cường cho xã Nậm Lạnh giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: "Bản thân tôi là người Mông nhưng khi nói chuyện với người Mông không thể dịch được một số từ chuyên ngành ra tiếng Mông. Do vậy, khi tuyên truyền, tôi vẫn phải kết hợp 2 thứ tiếng Mông và Việt"

Phân tích về hệ lụy của mù chữ, ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, khẳng định, mù chữ sẽ không tiếp cận được kiến thức khoa học, không hiểu biết về thế giới. Điều đó khiến cho người không biết chữ càng trở nên tự ti, không dám mạnh dạn cũng như không có kiến thức để phát triển kinh tế, cuộc sống cứ luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, kém phát triển.

Xuất phát từ thực tiễn tình trạng mù chữ ảnh hưởng lớn đến trình độ dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, BĐBP Sơn La đã phối hợp với ngành giáo dục và các địa phương tổ chức các lớp xóa mù chữ trên biên giới.

Xóa nghèo thông tin cho phụ nữ nơi biên giới - Ảnh 10.

Biết chữ giúp phụ nữ vùng cao biên giới tiếp cận được kiến thức khoa học, hiểu biết về cuộc sống xung quanh, từ giảm nghèo thông tin tiến tới giảm nghèo bền vững

Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã lựa chọn và phân công những cán bộ, sĩ quan có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm tham gia giảng dạy xóa mù chữ. Tính đến nay, các đồn Biên phòng: Mường Lạn, Mường Lèo, Nậm Lạnh đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sốp Cộp và các xã, các Trường Tiểu học khu vực biên giới huyện Sốp Cộp mở được 24 lớp học xóa mù chữ với 422 học viên.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La, cho biết: "Nhờ sự đóng góp của các thầy giáo quân hàm xanh, cùng với sự nỗ lực của các thầy cô trong ngành giáo dục đến bây giờ đã nâng được tỉ lệ người biết chữ mức độ 2 (tương đương lớp 5) trong độ tuổi 15-25 tuổi đạt gần 98%; trong độ tuổi 15-35 đạt hơn 96% và tỉ lệ người trong độ tuổi 15-60 tuổi biết chữ mức độ 2 lên 94,41%".

Bích Nguyên
29/10/2022 12:00