Mang hy vọng đến cho người hiếm muộn

Mang hy vọng đến cho người hiếm muộn

Với sáng chế về bộ xét nghiệm định lượng fructosse, kẽm trong tinh dịch và đứt gãy ADN tinh trùng ứng dụng trong chẩn đoán vô sinh nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Trang đã nhận được nhiều bằng khen các cấp cho những cống hiến của mình đối với y học. Đồng thời, chị còn nhận Bằng khen Lao động sáng tạo ngành Y giai đoạn 2015-2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Trang sinh năm 1982, tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Di truyền và hoá sinh y học tại Nga. Hiện nay, chị là giảng viên cao cấp Bộ môn Y sinh học - Di truyền, trường Đại học Y Hà Nội và là nữ phó giáo sư trẻ tuổi nhất trường.

PGS.TS Nguyễn Thị Trang đã hoàn thành xuất sắc 2 đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước về  lĩnh vực y học tại Việt Nam . Năm 2019, chị nghiệm thu xuất sắc đề tài cấp Bộ về bộ xét nghiệm định lượng fructosse và kẽm trong tinh dịch, ứng dụng trong chẩn đoán vô sinh nam. Năm 2020, chị hoàn thành xuất sắc dự án cấp Nhà nước, chế tạo thành công kit chẩn đoán vô sinh nam. Đề tài này đã được đề cử kỉ lục Việt Nam "Đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chế tạo thành công kit chẩn đoán vô sinh nam".

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Trang đã chế tạo thành công phần mềm trí tuệ nhân tạo đánh giá định lượng mức độ đứt gãy ADN tinh trùng trong vòng 27 giây/100 vi trường/1000 tinh trùng. Đây là phần mềm đầu tiên trên thế giới và thay thế hoàn toàn việc đánh giá mang tính chủ quan là hai người đọc bằng kính hiển vi như bộ kit thương mại.

Mang hy vọng đến cho người hiếm muộn - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Thị Trang

Thành công từ miệt mài nghiên cứu

Theo hai chuyên ngành rất khó khăn, vất vả nhưng để có kinh nghiệm thực tiễn, PGS.TS. Nguyễn Thị Trang xin làm việc tại Viện Sức khỏe của Nga và được hướng dẫn bởi hai giáo sư, tiến sĩ khoa học đầu ngành về hóa sinh và di truyền ở Nga. 13 năm sống ở Nga, chị đã gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu y học. Đặc biệt, luận án Tiến sĩ về chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim, các nghiên cứu về một số bệnh tim mạch của chị là một trong những nghiên cứu có giá trị ứng dụng trong dự phòng bệnh cao huyết áp và nhồi máu cơ tim. Năm 2013, chị nhận được bằng danh dự của Hiệu trưởng trường Đại học ở Nga khen thưởng và ghi nhận những đóng góp của chị trong phòng và chẩn đoán bệnh tim mạch.

Tại Nga, PGS.TS. Nguyễn Thị Trang đã đưa nhiều nghiên cứu ứng dụng vào thực tế tại Trung tâm y học lâm sàng như: Nghiên cứu về các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não; tham gia nhóm chế tạo dữ liệu lớn FIAV của Nga.

Khi đầu quân cho trường Đại học Y Hà Nội với vai trò giảng viên và kiêm nhiệm tại Bệnh viện Đại học Y, chị đã triển khai nhiều xét nghiệm ứng dụng phục vụ sàng lọc và chẩn đoán các bệnh như tự kỷ, kháng thuốc điều trị bệnh tim mạch, chẩn đoán vô sinh nam, sẩy thai và thai lưu ở nữ, điếc bẩm sinh, xác định nguy cơ ung thư và tiên lượng thuốc điều trị đích ung thư, chẩn đoán sớm huyết khối, đột quỵ não, các bệnh liên quan thần kinh cơ, rối loạn não chất trắng, rối loạn chức năng sinh sản nam và nữ giới... Từ đó, các nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Trang đã nghiên cứu mở rộng. Cụ thể, hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Trang và PGS.TS. Trần Danh Cường cùng nhóm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của Viện Công nghệ Thông tin-Viện Khoa học Quân sự-Bộ Quốc phòng đang phối hợp thực hiện đề tài cấp Nhà nước về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tầm soát các bất thường bẩm sinh tại Việt Nam.

“Năng lượng để sáng tạo chính là tinh thần. Với một nhà khoa học, cần có đam mê. Quan điểm sống của tôi là nghĩ đơn giản, sống đơn thuần”, PGS.TS. Nguyễn Thị Trang

Mang hy vọng đến cho người hiếm muộn - Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Thị Trang (ngồi giữa) và các sinh viên

Hành trình vượt gian khổ

Nhìn vào những gì mà PGS.TS. Nguyễn Thị Trang đạt được hôm nay, ít ai biết chị đã từng trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn nơi đất khách quê người. "Hồi mới sang Nga, khi đó tôi 18 tuổi, chưa từng xa nhà, rất nhiều bỡ ngỡ và tủi thân. Khi ra sân bay, mẹ dúi cho một túi ổi và 100 đô la. Thực sự đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy thương mẹ vô cùng. Nhưng rồi áp lực của học hành cũng làm tôi quên đi và phải vượt qua. Học tập đã vất vả, đến khi đi làm, tôi đã nhiều lần bật khóc vì những thất bại, đặc biệt là do hạn chế ngôn ngữ nên có những việc mình muốn diễn đạt, muốn nói thì người ta lại không hiểu. Tuy nhiên, thời gian sống, học tập và làm việc ở Nga đã cho tôi nhiều điều, từ kiến thức, tình yêu thương của thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp. Từ khi học đại học đến khi tốt nghiệp, tôi luôn có những người bạn người Nga mà gia đình họ cũng coi tôi như con gái trong nhà. Đặc biệt, lúc tôi chuẩn bị về nước, Viện tổ chức chia tay, tôi được nhiều đồng nghiệp đến chia tay, tặng quà, ai cũng khóc. Giáo sư hướng dẫn của tôi sau khi tôi về nước một tháng vẫn gửi email nói rằng cứ đi qua phòng làm việc của tôi là cô lại khóc vì nhớ tôi", PGS.TS. Nguyễn Thị Trang nhớ lại.

 Chia sẻ về tổ ấm của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Trang cho biết, hai vợ chồng chị ở bên nhau nơi đất khách quê người, cùng vượt qua khó khăn. Cả hai  thống nhất, tối về nhà là gác lại mọi công việc, chỉ tập trung cho gia đình, chăm sóc con. Năm 2019, hai vợ chồng chị đều đạt danh hiệu phó giáo sư. Chồng chị là PGS.TSKH. Phạm Đình Tùng, Phó khoa Hàng không vũ trụ, trưởng Bộ môn thiết bị công nghệ hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Bài, ảnh: An Khê