pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mất vợ, người đàn ông đứng trước những vết thương khó chữa lành
Nỗi đau đầu tiên là về đứa con trai thứ hai - bé Công Hòa, năm nay 12 tuổi. Bé bị chậm phát triển từ lúc mới sinh. Ngày vợ còn sống, hai vợ chồng đưa bé chạy chữa khắp nơi, vào Sài Gòn, vào cả bệnh viện tâm thần Đồng Nai, tình trạng của bé cũng không thể cải thiện. Giờ đây, bé lúc nào cũng cười, nhưng nụ cười ấy không phải là niềm vui hạnh phúc, mà là nụ cười điên dại. Tâm hồn người làm cha làm mẹ, nghe mà đau đến vô ngần.
Clip hoàn ảnh gia đình anh Trịnh Văn Còn, xã Tân Tiến, huyện Krong Pac, tỉnh Đắk Lắk, do khát vọng sống thực hiện
Nỗi đau thứ hai là... mất vợ. Chị qua đời vì bị điện giật sau khi sinh bé gái thứ ba Quỳnh Phương được hơn một tháng. Ngày ấy là một ngày suốt cả đời này anh không bao giờ quên. Chỉ vì cắm ấm đun siêu tốc để pha sữa cho con, mà ấm đun cũ quá, bị rò điện, chị bị điện giật chết. Người đàn ông sau một ngày lao động cực nhọc về đến nhà, nhìn thấy xác vợ. Nỗi đau này, sự mất mát này có lẽ ngôn từ dù có bi ai đến mức nào cũng không thể diễn tả.
Nỗi đau tiếp theo là tương lai của con trẻ. Bé út Quỳnh Phương, năm nay chỉ mới 4 tuổi, chào đời do vỡ kế hoạch và chào đời trong cảnh tai ương, khi hơn tháng tuổi mà đã mồ côi mẹ. Để rồi giờ đây phát hiện cháu cũng bệnh như anh mình. Bé chẳng biết gì cả, bé chẳng nói gì cả...
Anh nén nỗi đau mất vợ, ôm con chạy chữa dài ngày ở bệnh viện, tháng này qua tháng nọ, khi trở về thì lại đối diện với nỗi đau thứ tư. Đó là nỗi đau về cháu gái lớn, bé Quỳnh Như năm nay 14 tuổi. Trước đây, cháu lanh lợi, đi học bình thường như bao đứa trẻ khác. Từ ngày vợ anh mất đi, một mình anh vừa chăm con, vừa lo gánh mưu sinh nặng nhọc. Lúc thì làm thợ hàn, lúc thì phụ hồ, đủ việc... Những lúc ấy, anh nhờ Quỳnh Như chăm sóc mấy đứa em. Xót con gái lắm, nhưng chịu thôi. Anh không làm, lấy tiền đâu ra để mấy cha con sống. Nhưng… Lại một chữ nhưng ác nghiệt.
Không biết có phải vì việc mất mẹ, hay là vì một lí do gì đó, từ năm ngoái, tâm tính của Quỳnh Như ngày càng thay đổi. Từ một đứa trẻ bình thường, bé dần bị mất ngủ, nói trước quên sau, và bé không học được nữa. Người đàn ông tội nghiệp lại một lần nữa ôm niềm hi vọng còn lại đi chữa trị. Lại Sài Gòn, Đồng Nai, cuối cùng các bác sĩ bệnh viện tâm thần Trung Ương chẩn đoán Quỳnh Như mắc chứng trầm cảm.
Nỗi đau nhân bốn, một mình anh với 3 đứa trẻ không thể tự chăm sóc. Anh không thể đi làm được nữa, vì anh đi làm, thì ai chăm sóc 3 đứa con ngu ngơ, trong đó lại có đứa con gái đang tuổi dậy thì....
Căn nhà mấy cha con đang ở được Hội Chữ Thập Đỏ huyện vận động xây dựng cho vào năm 2018. Hiện nay nhà cửa vẫn tinh tươm, nhưng giá lạnh và đường sống dường như không còn. Nặng lòng nhất là những lo âu cho bé Quỳnh Như Bé ngày càng lớn, ngày càng trưởng thành, nhưng tâm hồn của bé trầm cảm thế này… Nguy hiểm quá… Đời có thể làm hại bé, bản thân bé cũng có thể làm hại mình…
Làm sao đây để đối diện với những nghịch cảnh quá ngặt nghèo? Làm sao đây với tâm hồn của một người chồng, một người cha phải chằng chịt những vết thương? Khó quá để đối diện nhưng anh vẫn cố gắng. Ráng được đến đâu hay đến đó, ráng mọi sức lực, cũng chỉ vì con.
Chia sẻ xin gửi về: Gia đình Anh Trịnh Văn Còn, thôn 1, xã Tân Tiến, huyện Krong Pac, tỉnh Đắk Lắk - hoặc BTC chương trình Khát Vọng Sống: 82 Nguyễn Phi Khanh, P. Tân Định, Q.1 – TP HCM. Điện thoại (84.028) 38.207.084.
Thông tin về chương trình và tấm lòng vàng xin vui lòng truy cập: www.khatvongsong.net
***Chương trình do Báo Phụ nữ Việt Nam bảo trợ thông tin.