Mẹ bầu sinh non sau tai nạn giao thông và khuyến cáo của chuyên gia

Linh Trần
06/01/2023 - 06:46
Mẹ bầu sinh non sau tai nạn giao thông và khuyến cáo của chuyên gia

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cứu sống mẹ con sản phụ

Sau va chạm giao thông, sản phụ bị bong rau non nên các bác sĩ phải phẫu thuật để cứu sống mẹ và thai nhi. Các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu các biện pháp bảo vệ mẹ và con khi mang bầu và cách sơ cứu khi bị tai nạn giao thông.

Cứu sống mẹ và con sau tai nạn giao thông

Ngày 6/1, bác sĩ Vũ Thị Dung, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh), cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và cứu sống mẹ con sản phụ P.T.H. (27 tuổi, trú tại Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) do tai nạn giao thông.

Trước đó, sản phụ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thai 37 tuần, 5 ngày, đau bụng, bụng căng cứng sau va chạm giao thông.

Gia đình cho biết, cách đó ít giờ, sản phụ đang mang bầu đã tham gia giao thông và xảy ra va chạm. Sau đó, sản phụ có những biểu hiện trên nên được người thanh nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Dung, sau khi tiếp nhận, kíp trực nhanh chóng tiến hành thăm khám cho sản phụ. Các bác sĩ nhận thấy cơn co tử cung tần số 4, tim thai chậm, trên hình ảnh siêu âm có khối máu tụ sau rau. Xét nghiệm máu cho thấy, sản phụ có rối loạn đông máu rất nặng (Fibrinogend nhỏ hơn 1g/l, prothrombin 26%), D-dimer hơn 7000ng/ml.

Nhận định đây là dấu hiệu điển hình của rau bong non nên các bác sĩ khẩn trương chỉ định phẫu thuật cho sản phụ và dự trù máu truyền.

Sau hơn 1 tiếng thực hiện, các bác sĩ lấy ra bé trai nặng 3,1kg khỏe mạnh. Các bác sĩ cũng lấy ra khối máu tụ khoảng 50gram ở vị trí 1/3 bánh rau; làm sạch tử cung, thắt động mạch tử cung để tránh tình trạng chảy máu và quá trình mổ sản phụ được truyền 10 đơn vị máu.

Hiện tại, sức khỏe mẹ con sản phụ đã ổn định, đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến bà bầu bị tai nạn giao thông. Thứ nhất, phụ nữ mang thai ở Việt Nam tham gia giao thông phần lớn bằng xe máy. Những xe máy này thường, to nặng, gây khó khăn trong việc di chuyển, dắt xe và khi tham gia giao thông trên đường nên dễ gây va chạm. Và dù va chạm nhẹ nhưng cũng đủ làm cho cho tâm lý của mẹ bị kích thích, gây ra tình trạng co thắt bụng dưới, dẫn tới sinh non.

Hơn nữa, dịp cuối năm thời tiết lạnh nên nhiều người đi đường mặc áo khoác và mũ trùm kín nên khó quan sát hoặc những chiếc váy áo lòe xòe gây vướng víu mắc vào bánh xe… gây ra những tai nạn không đáng có.

Ngoài ra, lượng người tham gia giao thông lớn ở nước ta rất đông đúc nhất là vào giờ cao điểm. Chưa kể, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao... Bởi thế dễ khiến các bà bầu gặp nhiều sự cố ngoài ý muốn trên đường dù có thể bản thân đã cẩn thận.

Mẹ bầu sinh non sau tai nạn giao thông và khuyến cáo của chuyên gia - Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cứu sống mẹ con sản phụ

Cách sơ cứu khi bị tai nạn giao thông

GS. Trịnh Hồng Sơn, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, khi gặp những tình huống xảy ra tai nạn giao thông, người dân có thể thực hiện theo hướng dẫn dưới đây sẽ giúp  xử trí đúng và sơ cứu cho nạn nhân kịp thời.

Bước 1: Đầu tiên hãy gọi thêm người hỗ trợ.

Bước 2: Xem nạn nhân đã bị ngừng tim chưa (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu có ngừng tim cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thằng chân tay, tránh gập cổ… rồi ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim. Ép tim liên tục không nghỉ, sau 2 phút có người thay. Ép cho đến khi tim đập lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập), hoặc cho đến khi cán bộ y tế, nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến.

Chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tim đã đập lại. Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, hoặc lơ mơ, vẫn tự thở thì sang bước 3.

Bước 3: Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.

Bước 4. Cố định cột sống cổ, cột sống cố phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm.

Bước 5: Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu, bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.

Bước 6: Cố định các vết thương gãy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.

Bước 7: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, có thể bằng ô tô. Giữ tư thế đầu thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

Riêng đối với thai phụ, các chuyên gia cũng khuyến cáo, mẹ bầu không nên đi xe máy nhiều. Có thể nhờ chồng chở đi hoặc thay thế bằng những phương tiện an toàn khác như: xe bus, xe ô tô. 

Trước khi tham gia giao thông, bà bầu đi xe máy cần chuẩn bị 1 tờ ghi thông tin cá nhân để sẵn trong túi ví sẵn. Bởi khi gặp sự cố, người khác hay cơ quan chức năng có thể chủ động giúp liên lạc sớm với người thân. Tờ thông tin có thể gồm: Họ tên mẹ bầu, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, 2 số điện thoại người thân, thai kỳ tháng thứ mấy… Nếu buộc phải đi thì nên đi chậm, mặc quần áo gọn ghẽ để đảm bảo an toàn lúc di chuyển.

Trong quá trình tham giao giao thông, nếu gặp các dấu hiệu bất thường như: xuất huyết, đau bụng dưới, bụng co cứng, sản phụ cần nhanh chóng đến các bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa sản thăm khám và xử trí kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm