Sinh ra để nếm trải những tột cùng đau đớn
Những người sinh sống tại xóm trọ phía sau chợ Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) ai cũng bảo chị Nguyễn Thu Hương (SN 1981, quê Hà Nội) là người phụ nữ khổ nhất thế gian, sinh ra để nếm trải những tột cùng đau đớn.
16 năm về trước chị Hương kết hôn với một người đàn ông ở Bắc Ninh, không lâu sau đó chị mang thai đứa con đầu lòng. Gần đến ngày sinh, chồng chị bỏ đi biệt xứ khiến chị đau đớn, tủi hổ đến viện sinh con một mình. Đến nay, đứa con đầu của chị tên Nguyễn Đức Huy (SN 2004) nhưng chưa một lần được nhìn thấy mặt cha.
Gần 4 năm đằng đẵng nuôi con và chờ đợi người chồng, người cha của đứa con sẽ quay về, thế nhưng càng hy vọng bao nhiêu thì lại càng làm chị tuyệt vọng bấy nhiêu. Năm 2008, chị Hương quyết định đi bước nữa, người chồng thứ 2 làm công việc kinh doanh, anh chị có với nhau 2 người con là Nguyễn Quế Hòa (SN 2008) và Nguyễn Quế Bình (SN 2011).
Ngày mới lấy nhau, công việc của vợ chồng chị Hương ổn định. Tưởng rằng đó là tiền đề cho một cuộc sống đầy hứa hẹn phía trước, thế nhưng, hạnh phúc ấy chưa nở đã vội úa tàn. Sau khi cháu Bình ra đời, công việc làm ăn của 2 vợ chồng bắt đầu gặp trục trặc, rồi lâm vào cảnh phá sản. Người chồng thứ 2 của chị Hương phải bỏ đi làm ăn xa, để chị một mình với 3 đứa con thơ dại.
"Danh nghĩa chúng tôi vẫn là vợ chồng. Thi thoảng anh ấy vẫn gửi tiền về cho các con, nhưng số tiền đó chỉ như muối bỏ bể, nhưng mẹ con tôi không trách anh ấy", chị Hương nói lí nhí như cố dấu đi nỗi khổ tâm của mình.
Lận đận về tình duyên, chị Hương chỉ có mục đích sống duy nhất là các con. Thế nhưng, người mẹ liên tiếp nhận hung tin khi bác sĩ thông báo các con của chị mắc bệnh máu khó đông (Hemophilia), căn bệnh phải điều trị suốt đời. Cả khoảng trời như sụp đổ trước mắt chị, đây có lẽ là nỗi đau mà không một bà mẹ nào có thể đứng vững.
Bệnh máu khó đông hay Hemophili A. Đây là một rối loạn kéo dài suốt cuộc đời, bệnh nhân phải phụ thuộc vào thuốc đông máu thay thế. Người mắc bệnh máu khó đông phải được sự theo dõi sát của bác sĩ và nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, tránh bị chấn thương gây chảy máu. Trong đời sống hằng ngày khi gặp sự cố chảy máu dù nhỏ cũng cần phải đến cơ sở y tế để xử lý vết thương ngay.
"Cháu đầu và cháu thứ 2 có kết luận bệnh chính thức rồi. Cháu thứ 3 dù có biểu hiện nhưng tôi không dám cho đi khám vì sợ con lại mắc bệnh giống như 2 người anh", chị Hương đau đớn nói.
Đứa con thứ 3 của chị Hương dù có triệu chứng giống hệt như 2 người anh trai, nhưng chị Hương sợ đưa con đến bệnh viện, chị sợ trên tờ phiếu khám sức khỏe lại có những dòng chữ quá đỗi vô tình.
Các con chị Hương mắc bệnh máu không đông, đã từ lâu phải ngồi nhà chịu đau đớn vì không có tiền đến viện
Chị Hương cho biết, ngày nhỏ các cháu đều khỏe mạnh bình thường, lớn lên các cháu có biểu hiện sưng đau tại các khớp. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ cháu mắc bệnh về khớp, nhưng không ngờ bác sĩ kết luận cháu mắc bệnh máu khó đông.
Để có tiền chạy chữa cho con, chị chấp nhận làm thuê làm mướn mọi việc, từ rửa bát đến phụ hàng ăn. Hàng ngày, chị Hương thức dậy lúc 4 giờ sáng và về nhà vào 11 giờ đêm. Công việc của chị là rửa bát thuê ở chợ Long Biên, sau đó đi làm ca cho một cửa hàng điện thoại. Tối đến chị lại đi làm thuê cho một nhà hàng bên phố cổ. Cứ như vậy những đứa trẻ chỉ được nhìn thấy mẹ, chơi đùa cùng mẹ khi trời đã tối muộn.
Công việc vất vả là thế, tiền kiếm được nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Vậy là lần lượt những thứ có giá trị trong nhà dần lượt "đội nón ra đi". Cuối cùng, đến căn nhà mà mẹ con chị ở cũng đành phải bán để có tiền tiếp tục duy trì sự sống cho các con.
Số tiền bán nhà đã hết từ lâu mà bệnh tình của các con chẳng khỏi. Người mẹ ở tuổi 40 vay nợ khắp nơi, cố bán sức lấy tiền mua từng bịch máu, viên thuốc để các con không phải chịu đau đớn.
Thương con, lo cho các cháu, bố mẹ đẻ chị Hương cũng bán sạch tài sản để ra ở trọ cùng con nhiều năm nay. Hàng ngày, mẹ chị Hương đi làm giúp việc từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm mới về. Mọi công việc tại nhà như chăm cháu, nấu ăn, đưa cháu đến viện… đều 1 tay bố chị Hương lo hết.
Bao năm vật lộn, trải qua nhiều sóng gió, nhưng chưa khi nào gia đình chị Hương cảm thấy bất lực như thời gian qua. Covid-19 khiến cả gia đình 6 người, gồm 4 mẹ con chị Hương và ông bà ngoại, từ sang đến tối chỉ ngồi nhìn nhau trong căn nhà trọ rộng hơn chục mét vuông ở sau chợ Nhật Tân.
"Gạo muối đi xin được, nhưng không có việc thì đồng nghĩa với việc không có tiền đưa con đi viện. Nhìn con vật lộn với những cơn đau, xót lắm nhưng chẳng biết phải làm sao", chị Hương nghẹn ngào.
Chị Hương cho biết, đã gần 2 tháng nay trong nhà không còn đồng tiền nào để cho cháu Huy đi viện truyền huyết tương và hồng cầu. Cháu cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên nhiều khi phải cắn răng chịu đựng.
Có hôm giữa đêm đau quá, Huy chỉ dám thủ thỉ với mẹ: "Mẹ ơi, hay là cho con đến viện đi, con đau quá rồi". Những lúc ấy, nước mắt người mẹ cứ thế tuôn rơi, nhưng bản thân tôi bất lực. Tại sao ông trời bắt các con tôi 'gánh nghiệp' như vậy?", nói rồi chị Hương đưa đôi bàn tay lên mặt khóc tu tu.
Kìm nén lại cảm xúc, chị Hương tiếp tục kể, từ khi cậu con trai thứ 2 là cháu Hòa phát hiện bệnh, mỗi sáng cả nhà đều hốt hoảng vì máu trong miệng cháu tự động chảy, nhiều đến nỗi ướt đầm cả gối. Không có tiền đưa con đi viện, chị Hương đành lấy thuốc lào bịt vào để cầm máu.
Nhiều khi các con chảy máu, chị Hương phải lấy thuốc lào bịt
"Số tiền ít ỏi mà tôi và bà ngoại các cháu kiếm được chỉ đủ lo sinh hoạt cho gia đình và tiền thuốc cho các cháu. Mấy tháng nay, cả gia đình chẳng ai dám nhắc đến chuyện đưa các cháu đi viện truyền huyết tương và hồng cầu", chị Hương kể.
17h chiều, trước căn nhà trọ của gia đình chị Hương, 2 đứa trẻ mặt trắng bệch, đang ngồi đón ánh nắng mặt trời, trong nhà là một đứa trẻ chân tay teo tóp đang nằm co ro trên chiếc giường cũ mèm, xung quanh đầy những tờ báo cũ.
Bé trai nằm trong nhà là Nguyễn Đức Huy, con trai cả của chị Hương. Bệnh tật khiến đầu gối của Huy sưng to như quả bưởi, không thể đi lại được. Nằm lâu trong nhà khiến Huy ngại giao tiếp với người lạ, đã từ lâu em chỉ biết làm bạn với những tờ báo vô tri, vô giác.
"Hồi mới bán nhà, có tiền đi bệnh viện điều trị, Huy vẫn có thể đi lại được và theo học đến hết lớp 5. Giờ đây, dù rất muốn quay lại trường nhưng có lẽ đó là một giấc mơ quá xa vời. Nhìn các con mà tôi cứ ứa nước mắt, muốn cho các con đi học lắm, nhưng ngặt một nỗi kinh tế gia đình eo hẹp, chưa kể bệnh của các cháu bác sĩ yêu cầu không được vận động mạnh, va đập vì chỉ cần xây xát một chút thôi có thể nguy hiểm đến tính mạng của các cháu", chị Hương tâm sự.
Sinh con ra không lo được chu đáo cho các con, nhiều lần chứng kiến cảnh tượng các con vật lộn vì đau đớn, chị Hương đã từng có lúc lấy thuốc độc ra để 4 mẹ con tự giải thoát, nhưng rồi lại không đành vì thương con quá.
"Nhiều lúc mệt, oải, các con lại động viên tôi cố gắng, nhất là em Hòa thương mẹ nhiều lắm, mới 12 tuổi thôi nhưng cháu đã biết chăm sóc mẹ khi mẹ ốm. Chính bởi vậy, tuy khó khăn, vất vả như thế nào, nhìn các con, tôi lại cố vươn lên", chị Hương nói.
Tâm sự với chúng tôi, Huy nói: "Cháu bị bệnh thế này nên chẳng dám ước mơ tương lai sẽ làm bác sĩ hay kiến trúc sư. Cháu chỉ mong sao có thể khỏe lại để có thể được đi học như bạn bè, có thể giúp đỡ được ông bà và mẹ thôi".
Gần tối, hai đứa con chị Hương vẫn vui đùa trước cửa nhà
Chia tay mẹ con chị Hương, chúng tôi vẫn ám ảnh bởi những giọt nước mắt vừa buồn vừa bế tắc của người phụ nữ tưởng chừng như rất rắn rỏi này.
Bóng tối bủa vây con ngõ nhỏ nhà chị Hương, từ xa quay nhìn lại, chúng tôi vẫn thấy mẹ con chị Hương ngồi ở bậc thềm nhìn ra. Lại thêm một đêm nữa các con của chị Hương không được đi viện.
Đêm nay và có thể nhiều đêm nữa, mấy đứa trẻ nhà chị Hương lại thoảng thốt gọi mẹ trong cơn đau. Chị Hương lại vỗ về "ngủ ngoan đi các con, ngày mai bệnh sẽ khỏi".
Mọi sự giúp đỡ liên hệ: Chị Nguyễn Thu Hương ; SĐT: 0966544469; Địa chỉ: Ngách 406/63, tổ 25, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ.
Số tài khoản: 0011001724144 Ngân hàng Vietcombank - chủ tài khoản Nguyễn Thu Hương - Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bài, ảnh: Nguyễn Long