pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mô hình "3 biết, 2 hỗ trợ" giúp phụ nữ Khmer phát triển kinh tế
Hỗ trợ "mô hình sinh kế" là ếch giống cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế
Thị trấn Định An (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 35% dân số là người Khmer. Chị Lâm Thị Huệ (người Khmer) - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Định An cho biết, trước đây, Hội LHPN thị trấn có thành lập tổ từ thiện nhằm hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Trên cơ sở của tổ từ thiện, vào năm 2020, Hội đã quyết định thành lập mô hình "3 biết, 2 hỗ trợ" nhằm giúp việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ Khmer một cách thiết thực, cụ thể hơn. Sau thời gian hoạt động, mô hình này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như giúp tăng tỉ lệ tập hợp, thu hút hội viên trên địa bàn.
- Mô hình 3 biết, 2 hỗ trợ" hoạt động cụ thể như thế nào, thưa chị?
Để thực hiện hiệu quả mô hình, đối với nội dung "3 biết" (biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu), tôi với Ban chấp hành họp bàn rà soát phân loại từng nhóm đối tượng hội viên cần hỗ trợ để "biết mặt", nắm bắt điều kiện kinh tế, nguồn thu nhập của từng gia đình để "biết hoàn cảnh" và tìm mọi cách để hiểu được mong muốn, tâm tư, nguyện vọng và "biết được nhu cầu" của từng hộ, đồng thời phân công chi hội các khóm phụ trách theo từng nhóm hội viên.
Sau khi thực hiện được nội dung "3 biết", chúng tôi nghiên cứu và bắt đầu thực hiện tiếp nội dung "2 hỗ trợ" (phương tiện sinh kế, hỗ trợ kiến thức).
Đối với nhóm hội viên cần hỗ trợ về kiến thức, Hội tiếp tục chia ra từng loại nhóm nhỏ gồm: nhóm hỗ trợ kiến thức về kinh tế như chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu giải quyết, từ đó liên kết với các ngành liên quan để triển giúp đỡ kịp thời. Trong khi đó, đối với nhóm hỗ trợ kiến thức về cuộc sống gia đình như nội dung chăm sóc bản thân và gia đình, về phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, cách bảo vệ và nuôi dạy con. Vào các buổi sinh hoạt, Hội lựa chọn từng nội dung để tổ chức tuyên truyền cho các chị em hội viên nắm, lựa chọn những nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm cụ thể để triển khai.
Hội đã xét, chọn 11 hội viên yếu thế như người già neo đơn, trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn để nhận đỡ đầu hàng tháng, với số tiền hỗ trợ 2,2 triệu đồng/tháng. Nguồn kinh phí thực hiện thông qua việc chỉ đạo thành lập tổ từ thiện trong Ban chấp hành Hội và sự đóng góp của các nhà hảo tâm tại địa phương, đến nay số tiền đã hỗ trợ được hơn 72 triệu đồng.
- Với mô hình này, Hội tập trung vào việc cho hội viên, phụ nữ nghèo "cần câu" chứ không phải "con cá"?
- Đúng vậy. Hội mong muốn hội viên, phụ nữ vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững. Với việc hỗ trợ sinh kế, Hội tìm hiểu và trao sinh kế phù hợp với từng hội viên, phụ nữ. Trong đó, Hội đã hỗ trợ trao sinh kế để hội viên, phụ nữ buôn bán nhỏ; nuôi ếch thương phẩm… Qua đó đã giúp chị em có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trước khi triển khai mô hình "3 biết, 2 hỗ trợ", toàn thị trấn có 60 hộ nghèo và 46 hộ cận nghèo; trong đó có 55 phụ nữ nghèo và 20 phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Qua 3 năm thực hiện mô hình đã góp phần cùng với địa phương giảm 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo; 36 hộ khó khăn nay đã ổn định cuộc sống.
Khi điều kiện kinh tế dần ổn định, các chị em tích cực hơn trong việc tham gia các phong trào do Hội LHPN và địa phương phát động, tham gia sinh hoạt và thực hiện tốt nhiệm vụ của người hội viên.
- Trong thời gian tới, Hội LHPN thị trấn sẽ triển khai các hoạt động cụ thể nào để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khó khăn, nhất là phụ nữ Khmer phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống?
- Trong thời gian qua, Hội cũng đã hỗ trợ để hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh để phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, còn hỗ trợ để chị em có việc làm tại cảng cá với thu nhập khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày.
Nhằm góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ, nhất là với phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ Khmer, Hội LHPN thị trấn cũng thành lập tổ hợp tác chế biến khô.
Thực tế cho thấy, so với trước đây, chị em phụ nữ người Khmer cũng đã nhiều thay đổi tích cực. Trong đó, chị em nhiệt tình tham gia vào phong trào, hoạt động Hội. Chịu khó tìm tỏi, học học các kiến thức mới và mạnh dạn chia sẻ thông tin với nhau; có ý chí phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ !