Mô hình nhà tạm lánh cho phụ nữ của chàng sinh viên kiến trúc

06/08/2017 - 18:10
Mô hình “Nhà tạm lánh cho trẻ em gái, phụ nữ bị bạo hành tình dục, nạn nhân buôn người và mang thai ngoài ý muốn” của sinh viên Nguyễn Thanh Thịnh (khoa Kiến trúc Trường Đại học khoa học – ĐH Huế) được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nhân văn.

Đồ án tốt nghiệp này ra đời từ chính sự đồng cảm với những người phụ nữ là nạn nhân các cuộc bạo hành, xâm hại. Hình dáng ngôi nhà được thiết kế dựa trên ý tưởng một dải khăn mềm ôm lấy sườn núi - khu đồi gần hồ sinh thái Thủy Tiên, TP. Huế. Đó thực sự là một xã hội thu nhỏ, ở đó có đầy đủ các hạng mục phục vụ nhu cầu lưu trú tạm thời như khu tiếp đón trưng bày, khu khám bệnh, khu dạy nghề và khu trị liệu. các phòng khám phụ sản, phòng kiểm tra tâm lý và phòng chăm sóc sức khỏe sau khi sinh. Khu vực trị liệu có nhiều phòng tập yoga, phòng bấm huyệt và phòng massage trị liệu, phòng múa, phòng âm nhạc nhằm rèn luyện kỹ năng cho các em gái. Ngoài ra còn có khu phục vụ sinh hoạt, khu lưu trú, khu bổ túc văn hóa… nằm tách biệt khu dân cư, phù hợp làm nơi lưu trú tạm thời cho những người bị chấn động tâm lý có thời gian trị liệu để phục hồi.

mo-hinh.jpg
Mô hình nhà tạm lánh của sinh viên Nguyễn Thanh Thịnh

Khuôn viên ngôi nhà được bao phủ bởi nhiều công viên cây xanh, vườn rau, sân chơi. Tất cả được gói gọi trong diện tích 3,7 ha.

Cảm hứng để hình thành ý tưởng của đồ án xuất phát từ những cuộc gặp gỡ với những hoàn cảnh trẻ em gái và phụ nữ bị bạo hành. Phần lớn trong số ấy đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, bị xã hội xa lánh, cô lập, bị dèm pha. Một số trường hợp bị chính những người thân trong gia đình gây áp lực. Cá biệt có những người tìm đến cái chết hoặc bỏ nhà đi.

nguyen-thanh-thinh.jpg
Nguyễn Thanh Thịnh trình bày đồ án nhà tạm lánh của mình

“Thiết kế này hướng đến những hoàn cảnh đến để tạm lánh sự kì thị, xa lánh, bạo hành của gia đình hay xã hội. Chức năng chính của ngôi nhà phục vụ cho phụ nữ/ trẻ em gái có hoàn cảnh trên lưu trú, giáo dục, điều trị tâm lý, chăm sóc sức khỏe, sinh sản, giải trí và dạy nghề. Nhà tạm lánh còn nhằm hạn chế tình trạng nạo phá thai do những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn do nhiều lý do không thể sinh con, cũng như không có khả năng nuôi con thì giúp họ sinh con và nuôi con đến một tuổi... Vì thế, ý tưởng thiết kế một ngôi nhà vậy cho khu vực miền Trung thực sự rất cần thiết”, Thịnh nói về ý tưởng của mình.

2.jpg
Bên trong một nhà tạm lánh ở TPHCM

Đánh giá về đồ án này, ThS.KTS Nguyễn Quốc Thắng, giảng viên khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế, đồng thời cũng là người theo sát, hướng dẫn Thịnh trong quá trình xây dựng đồ án, bày tỏ: “Đồ án đã thực hiện đầy đủ và chi tiết các công đoạn thiết kế một công trình có ý nghĩa cho xã hội. Trên thực tế chưa có trung tâm xã hội nào như vậy, nên nếu đồ án được đưa vào thực tiễn thì đây là một mái nhà chung đầy tình người, làm nơi nương tựa cho trẻ em gái và phụ nữ bị bỏ rơi”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm