pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mỗi tỉnh, thành có nạn nhân bị mua bán thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ ít nhất tại 1 xã/phường/thị trấn
Lực lượng chức năng trao trả nạn nhân mua bán người tại khu vực biên giới. Ảnh minh họa: LC
Triển khai Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo "Khung kỹ thuật thí điểm mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng".
Theo dự thảo, thời gian thực hiện thí điểm xây dựng mô hình từ năm 2024 đến 2025 tại địa bàn cấp xã, nơi tiếp nhận nhiều nạn nhân hoặc nơi có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về; địa bàn có nhiều người nghi là nạn nhân hoặc người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị mua bán.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến kết quả đầu ra của mô hình, cụ thể là: 70% số người được xác nhận là nạn nhân bị mua bán; con của nạn nhân; người nghi là nạn nhân có dấu hiệu bị tổn thương, được phát hiện trên địa bàn thực hiện thí điểm được nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của bản thân; được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu, phù hợp quy định pháp luật.
Có 80% người dân tại địa bàn thực hiện thí điểm được nâng cao nhận thức cho về phòng, chống mua bán người thông qua các hoạt động truyền thông. Thái độ và hành vi thay đổi tích cực, tham gia hỗ trợ và giảm kỳ thị với nạn nhân bị mua bán trở về, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán người và trẻ em bị lạm dụng sức lao động trên địa bàn.
Có 50% các đơn vị, cá nhân (Sở LĐTBXH/Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, nhân viên công tác xã hội) thực hiện mô hình được nâng cao năng lực về kiến thức và kỹ năng. Kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin về giải cứu, hỗ trợ nạn nhân và sàng lọc các trường hợp có nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người và lạm dụng sức lao động; triển khai các hoạt động can thiệp phù hợp tại cộng đồng.
Mỗi tỉnh, thành phố có nạn nhân thực hiện thí điểm mô hình ít nhất tại 01 xã/phường/thị trấn.
Các mô hình sẽ tập trung vào các hoạt động khảo sát lựa chọn địa bàn, thành lập Nhóm thực hiện thí điểm mô hình. Xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm. Cụ thể như: Tổ chức các hoạt động truyền thông; Tập huấn nâng cao năng lực cho Nhóm thực hiện thí điểm, các bên tham gia thực hiện mô hình thí điểm về kỹ năng tiếp cận, tham vấn, tư vấn, làm việc với nạn nhân bị mua bán; kỹ năng huy động, kết nối các nguồn lực tại địa bàn thí điểm, tham gia hỗ trợ nạn nhân; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về quản lý, tổ chức triển khai mô hình thí điểm...
Cùng với đó, xây dựng mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở dịch vụ, cơ sở kinh doanh sản xuất... tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; Tổ chức tư vấn, tham vấn kết nối, chuyển gửi tới các dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân bị mua bán...
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực hiện mô hình thí điểm này giúp nạn nhân bị mua bán trở về dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, tâm lý, pháp lý, học văn hóa, học nghề, vay vốn... tại cộng đồng khi có nhu cầu. Hỗ trợ sinh kế để họ phát triển bản thân, ổn định cuộc sống và tăng cường kỹ năng phòng tránh bị mua bán trở lại.
Đồng thời thu hút sự ủng hộ và nâng cao nhận thức của người dân tại địa bàn về âm mưu thủ đoạn của tội phạm mua bán người, về di cư an toàn, góp phần giảm tình trạng mua bán người và giảm sự kỳ thị của cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán trở về, cũng như hướng dẫn về cách phòng tránh, phát hiện các loại tội phạm về mua bán người.