Khi tôi viết những dòng này, ngành giáo dục đang rục rịch công bố điểm chuẩn thi vào lớp 10 THPT công lập. 15 năm trước là năm đẹp nên năm nay lượng thí sinh cũng tăng đột biến, kéo theo bao âu lo của phụ huynh, nhất là những bà mẹ.
Cuối chiều, một người bạn điện thoại thì thầm: “Cơ quan tớ, từ chị Giám (giám đốc) đến chị Trưởng (phòng) đang khóc mếu cả lượt vì con nắm chắc nguy cơ trượt lớp 10”. Rồi bạn lại bình luận: “Đời phải chọn một thôi, mẹ thăng quan tiến chức, ở cơ quan nhiều hơn ở nhà thì con phải thế. Cứ như mình, đã bên kia con dốc cuộc đời rồi mà vẫn là con số không tròn trĩnh với xã hội, nhưng bù lại con mình đã nhận được sự hy sinh của mẹ”.
Bạn nói thì tôi nghe, nhưng bạn đâu có biết rằng, cuộc đời này rộng lớn lắm chứ đâu bó buộc ở một câu kết luận chủ quan như thế.
Trưa nay, trong lúc hối hả từ cơ quan về nhà để lo bữa cơm hè cho con, tôi đã đi qua một ngôi trường, học sinh thi THPT Quốc gia đang hối hả ùa ra. Nhờ đèn đỏ mà câu chuyện của mẹ con người đứng cạnh lọt vào tai tôi. “Con ơi, con có làm được bài không?”.
Tiếng hỏi khe khẽ cất lên hai lần, rồi ba lần mới có câu trả lời gắt gỏng đáp lại: “Được hay không được, mẹ biết gì mà hỏi. Mẹ có đi học đâu mà mẹ hiểu”. Im lặng. Rồi lại giọng khe khẽ cất lên: “Ừ mẹ không được đi học, nhưng mẹ đã nuôi con ăn học, mẹ không hỏi được sao?”. Im lặng. Vừa lúc ấy đèn xanh bật sáng, người phụ nữ vượt qua tôi trong dáng khắc khổ trên chiếc xe máy cà tàng.
Xã hội mình đầy định kiến, chẳng hiểu từ khi nào họ mặc định chỗ của đàn bà là trong bếp và hạnh phúc của đàn bà cũng từ bếp mà ra. Thử hỏi những người phụ nữ làm lãnh đạo ở cơ quan người bạn tôi khi con họ chẳng may không đỗ lớp 10 thì tại sao lại là lỗi của họ? Họ được học hành, có năng lực, thì họ cũng có nhu cầu và quyền lợi được cống hiến, làm việc như bao người khác chứ. Sao lại nói họ chỉ được chọn một con đường, hoặc sống cho mình, hoặc sống cho con?
Còn người phụ nữ ở ngã tư đèn đỏ kia, sống cho con là con đường chị đã chọn. Nhưng chị có hạnh phúc với chính sự lựa chọn ấy không, khi mà con chim đủ lông đủ cánh quay lại đạp đổ chính cái tổ đã trìu mến ấp ủ mình những ngày non nớt. Lời khinh khi của đứa con, dù có thể là lỡ lời, nhưng sẽ đau hơn nghìn lưỡi dao đâm vào trái tim người mẹ.
Tôi có một anh bạn nhà báo, câu chuyện anh kể khiến tôi nhớ mãi. Trong một chuyến công tác, anh đã đến một ngôi trường và viết về những cô giáo “đặc biệt”. Các cô “đặc biệt” bởi các cô đã dày công thuyết phục, thậm chí sẵn sàng làm thay vai trò người mẹ để cho một học trò có năng lực được tham gia kỳ thi học sinh giỏi. Còn người mẹ thật của cậu bé nhất quyết không cho con đi thi với một lý do không thể nói.
Rồi ngày thi cũng tới, cậu học trò lần lượt giành được các giải cao, bõ công những cô giáo “đặc biệt” của mình. Còn mẹ cậu, thay vì tiếp tục oán trách đã bất ngờ tới cảm ơn các cô. Lúc này mới nói rõ lý do vì sao đã phản đối. Vì ở nhà chỉ có hai mẹ con, bố cậu bé đã bỏ đi từ nhỏ. Đó là lý do lúc nào cậu cũng tỏ ra buồn nản, thiếu tự tin mặc cảm trước chúng bạn. Và nỗi buồn nản ấy cũng bao trùm cả người mẹ khiến chị sợ con mình tham gia thi biết đâu sẽ gặp phải đề bài viết về gia đình, chị lo đề bài ấy sẽ làm con trai chị thêm đau khổ.
Nỗi sợ của người mẹ trong câu chuyện dường như đang phát ra một thông điệp rằng: Phải chăng hạnh phúc của phụ nữ quá mong manh? Mong manh đến nỗi nó trở thành nỗi ám ảnh để hướng tới, thay vì tận hưởng dư vị mà nó mang lại.
Trong một chuyến đi miền Tây sông nước, cao lêu khêu trên những con thuyền lênh đênh chợ nổi là những chiếc sào. Trên đó móc đầy những sản phẩm mà chủ nhân chiếc thuyền đó muốn bán. Với chợ nổi, với sự bán mua trên những con thuyền thì đó chính là một tấm biển quảng cáo, tương đương như những chiếc biển quảng cáo nhấp nháy đèn led chốn thị thành. Rồi cũng tại miền sông nước này, một bông hoa đỏ rực dưới nắng, trông hơi thô kệch nhưng có cái tên thật hay là “hoa hạnh phúc”. Vì cái tên mà ai đi qua cũng ngoái nhìn lại bông hoa, mỉm cười.
Một cái sào cũng làm tròn nhiệm vụ của tấm biển quảng cáo, một bông hoa cũng mang lại phút giây hạnh phúc cho người ngắm nó nhờ cái tên của mình. Thế nên, hạnh phúc là khi mình cảm thấy hạnh phúc, chứ không phải là thứ chuẩn mực mà tự thân, mà bạn bè, mà xã hội đặt trên vai...