Công ty Nhật thành công vượt bậc nhờ trao quyền lực thực sự cho phụ nữ

N.A
19/06/2020 - 21:29
Công ty Nhật thành công vượt bậc nhờ trao quyền lực thực sự cho phụ nữ
Sanshu Seika là một công ty cỡ trung, chuyên sản xuất đồ ăn nhanh ở thành phố Kasukabe, gần thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết, công ty thành công nhờ trao quyền lực thực sự cho phụ nữ.

Những chính sách nhân văn

Chị Yuriko Iida, hiện đảm trách vai trò trưởng ca ở công ty Sanshu Seika chia sẻ: "Tôi rất yên tâm khi được làm việc tại đây bởi tôi được đối xử bình đẳng". Chị Yuriko là bà mẹ của 2 đứa trẻ 4 và 2 tuổi. Dù phải bận bịu chăm sóc các con, chị vẫn được công ty tạo điều kiện thăng tiến trong sự nghiệp. Giới tính và tuổi tác không hề ảnh hưởng đến công việc của chị Yuriko, miễn là chị cống hiến hết mình cho công ty.

Hiệu quả bất ngờ từ chính sách bình đẳng giới ở một công ty Nhật - Ảnh 1.

Chị Yuriko Iida rất hạnh phúc khi làm việc tại công ty Sanshu Seika

Thực ra, trước đây, Sanshu Seika cũng giống như nhiều công ty khác ở Nhật Bản, không đề cao vai trò của phụ nữ. Các nữ công nhân từng chỉ được giao những vai trò hết sức mờ nhạt hoặc đóng "kép phụ". Năm 2003, Chính phủ Nhật Bản đã từng đặt mục tiêu và yêu cầu các công ty phải có 30% số lượng phụ nữ đảm trách vai trò quản lý. Nhưng mục tiêu này không những không hoàn thành mà còn bị suy giảm ở các năm tiếp theo. 

Vai trò của phụ nữ ở công ty Sanshu Seika cũng nhạt nhòa như vậy cho đến khi Chủ tịch Shinichi Sainohira lên nắm quyền. Ông Sainohira từng có thời gian dài làm việc tại Tập đoàn sản xuất đồ điện tử Panasonic ở tỉnh Osaka. Cha của ông Sainohira chính là người sáng lập ra Công ty Sanshu Seika. Khi ông Sainohira thay cha của mình, trở thành Chủ tịch công ty sản xuất đồ ăn nhanh và mọi chuyện đã thay đổi.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Sainohira đã thành lập Ủy ban tài năng của công ty. Ủy ban này phải lên kế hoạch cụ thể và chi tiết về những quy trình thăng tiến cho các nhân viên nữ. Một trong những đề xuất đáng chú ý của Ủy ban này là một phụ nữ của công ty sẽ được thăng chức làm trợ lý giám đốc hoặc chức vụ cao hơn mỗi khi một người đàn ông đạt được các vị trí này. Ngoài ra, Ủy ban cũng đề xuất phụ nữ ở công ty Sanshu Seika có thể tham dự các cuộc họp quản lý đồng thời tính toán để sao cho số lượng công nhân nam và nữ là ngang bằng nhau.

Rất nhiều ưu đãi dành cho các nữ công nhân đã được thực hiện tại công ty Sanshu Seika dưới "triều đại" của Chủ tịch Sainohira. Các nữ công nhân sẽ không phải làm thêm giờ nếu như có con nhỏ. Quy định này được áp dụng cho đến khi các con của họ bước vào bậc tiểu học. 

Thậm chí, các nữ công nhân này còn có quyền từ chối làm việc ngoài giờ cho đến khi con của họ học lớp 3. Không chỉ phái đẹp, các nhân viên nam của công ty cũng được hưởng thụ những chính sách rất nhân văn của Sanshu Seika. Họ được nghỉ phép nhiều hơn mức nghỉ phép bình quân ở Nhật Bản (6%) để hỗ trợ cho vợ của mình, chăm sóc trẻ nhỏ.

Trước đây, từng có rất nhiều ý kiến hoài nghi về chính sách ưu ái phụ nữ của Chủ tịch Sainohira nhưng thực tế đã chứng minh tất cả. Lợi nhuận trước thuế trong 31 năm tài chính liên tiếp của công ty Sanshu Seika, kể từ khi Chủ tịch Sainohira lên nắm quyền, luôn tăng đều đặn.

Hiệu quả bất ngờ từ chính sách bình đẳng giới ở một công ty Nhật - Ảnh 2.

Chủ tịch Sainohira hiện vẫn đang quyết tâm thực hiện đưa số lượng phụ nữ tham gia vai trò quản lý ở công ty lên đến 35% trong tương lai gần

Rất nhiều sáng kiến góp phần tăng chất lượng cũng như số lượng sản phẩm của công ty do phụ nữ tạo ra đã xuất hiện ở thời điểm này. Điển hình là dòng sản phẩm độc đáo mang tên Pasta Snack của Sanshu Seika do một người phụ nữ nảy ra ý tưởng điều chỉnh tỷ lệ bột mì và phụ liệu vào bánh quy giòn senbei. Sản phẩm đã bán rất chạy ngoài thị trường. Rồi quy trình cải tiến kỹ thuật trong việc xử lý mì ống do một nữ quản lý của công ty nghĩ ra, đã giúp Sanshu Seika tăng số lượng sản phẩm pasta, chiếm tới 20% doanh thu của công ty: 2,5 tỷ yên (khoảng 23 triệu USD).

Vẫn còn khoảng cách lớn

Chủ tịch Sainohira vẫn đang quyết tâm thực hiện đưa số lượng phụ nữ tham gia vai trò quản lý ở công ty lên đến 35% trong tương lai gần. Không chỉ đơn thuần là những con số, ông Sainohira muốn sự thành công của công ty luôn gắn với vai trò của phái đẹp. Điều đó không chỉ là những lời phát biểu sáo rỗng mà phải được chứng minh bằng thực tế. Sanshu Seika khi ấy sẽ là một biểu tượng ở Nhật Bản về một công ty thành công nhờ việc trao quyền lực thực sự cho phụ nữ.

Trên thực tế, những doanh nghiệp làm tốt công tác bình đẳng giới như Sanshu Seika ở Nhật Bản là hiếm hoi. Vào năm 2019, tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Nhật chỉ có 5,2% trong tổng số 500 công ty hàng đầu đã lên sàn chứng khoán. Nhân sự lãnh đạo chủ chốt tuy chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ trong tổng số nhân sự nhưng mang trọng trách xây dựng chiến lược kinh doanh của công ty, theo dõi việc hoạt động và vận hành, quyết định đường hướng phát triển cho toàn bộ doanh nghiệp. 

Vì vậy, lự lượng này có ảnh hưởng rất lớn đến việc thúc đẩy bình đẳng giới. Hàng chục năm nay, Chính phủ Nhật đã có nhiều chính sách kêu gọi, nâng cao nhận thức về việc bình đẳng giới cũng như tạo thêm điều kiện để phụ nữ được tham gia nhiều vào các hoạt động của xã hội, đi làm tại các doanh nghiệp chứ không chỉ có tập trung vào chuyên môn là tề gia nội trợ, cho dù đó có là một nghề được ghi nhận trong xã hội Nhật Bản. 

Nỗ lực của Chính phủ đã có một số kết quả, từ 1,6% vào năm 2012, tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt đã tăng lên đến 3,4 lần trong 7 năm. Thế nhưng con số này hiện vẫn còn quá thấp. Điều này càng được thấy rõ khi so sánh với doanh nghiệp tại các nước phát triển khác tại thời điểm năm 2017 như Pháp là 43%, Na Uy 42%, Thụy Điển 36%, Italia 34% và Đức 32%.

Nguồn: Theo Nikkei, kilala
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm