pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một số chính sách đặc thù hỗ trợ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Một bà mẹ dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La
Trong đó các chính sách đặc thù về hỗ trợ sức khỏe sinh sản đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của phụ nữ DTTS. Phụ nữ và trẻ em DTTS được hỗ trợ có nhiều cơ hội được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo sinh con đúng chính sách và an toàn.
Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số, gồm những gì thưa Luật sư?
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, phụ nữ là người DTTS hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người DTTS thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người theo nguồn ngân sách địa phương hoặc ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương có khó khăn về ngân sách.
- Sinh 1 hoặc 2 con; sinh con thứ ba - nếu cả hai vợ chồng hoặc 1 trong 2 người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sinh lần thứ nhất mà sinh 3 con trở lên…
- Phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người DTTS chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sinh 1 hoặc 2 con trở lên trong cùng một lần sinh.
Về hồ sơ, thủ tục hưởng hỗ trợ được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH, theo đó đối tượng hưởng chính sách hoặc người thân trực tiếp của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ lập một bộ hồ sơ theo quy định gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới UBND cấp xã.
Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày phát hiện đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận kinh phí hỗ trợ nhưng vi phạm cam kết, sinh thêm con trái chính sách dân số, UBND cấp xã ban hành Quyết định thu hồi kinh phí, gửi Quyết định và Thông báo thu hồi kinh phí cho đối tượng đã nhận hỗ trợ. Trong thời gian 45 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định và Thông báo, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận kinh phí hỗ trợ có trách nhiệm hoàn trả kinh phí tại UBND. Kinh phí hoàn trả được nộp lại ngân sách Nhà nước theo quy định
Việc triển khai các gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em như thế nào?
Đây là hoạt động triển khai nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có nhiều nội dung nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, nội dung hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn là một trong những nội dung thuộc Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Về mức hỗ trợ cụ thể được quy định tại Thông tư 55/2023/TT-BTC, ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2025 được cụ thể như thế nào, thưa Luật sư?
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình mà còn trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, khó lường về kinh tế và xã hội, đặc biệt là các vấn đề về an toàn sinh sản, duy trì giống nòi, là nguồn gốc phát sinh tình trạng đói, nghèo, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Vì thế ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là đề án quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
Ngày nay, phụ nữ DTTS đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, chủ động phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh và nâng cao trình độ mọi mặt. Tuy vậy, thực tế đời sống của một bộ phận phụ nữ DTTS nghèo ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn… vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là cơ hội chăm sóc sức khỏe. Nhà nước ta và đặc biệt là các cán bộ cơ sở cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nhất là triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS; có những chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích, thay đổi nhận thức, tư duy của những phụ nữ, em gái DTTS.
Từ đó góp phần xây dựng thế hệ phụ nữ DTTS chịu khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giỏi trong kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Cảm ơn Luật sư đã chia sẻ những thông tin hữu ích!