Giọng cô gái trong điện thoại rất bức xúc. Cô mới lấy chồng có 1 tháng nhưng đã muốn ly hôn. Lý do không thuộc về phía chồng cô mà do mẹ chồng đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của vợ chồng cô.
Cô học trung cấp dược và được bố mẹ đẻ cấp vốn mở hiệu thuốc ở một thị trấn miền núi khá sầm uất. Gương mặt tròn, nước da trắng hồng với đôi mắt như biết cười của cô cuốn hút rất nhiều chàng trai phố núi. Trong số rất nhiều “vệ tinh” ấy, cô đã chọn anh. Không phải vì anh đẹp trai, nghề nghiệp ổn định mà vì anh tuy là trai Hà Nội nhưng anh sống giản dị, chân thành. Cô thầm mơ ước về một gia đình nhỏ ở thủ đô. Sớm chiều, cô sẽ đi bán thuốc thuê hoặc học tiếp để mở một tiệm thuốc nhỏ của riêng mình. Điều quan trọng hơn cả là con cô sẽ có cơ hội được sống ở thành phố lớn.
Chồng cô vô cùng hạnh phúc khi được cô nhận lời yêu. Anh ý thức phải bảo vệ cơ hội ấy nên chỉ sau hơn 2 tháng tìm hiểu, hai người đã quyết định xin phép bố mẹ tổ chức cưới. Cô cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ thấy anh tốt bụng, chiều chuộng cô, đáp ứng mọi yêu cầu của cô và luôn nhiệt tình với gia đình cô.
Ngay ngày đầu tiên về nhà chồng, cô đã choáng vì những quy định ngặt nghèo của mẹ chồng. Cô phải dậy từ 5h sáng để tranh thủ làm việc nhà: Giặt quần áo, lau nhà, tưới cây, chuẩn bị bữa sáng. Nhưng vấn đề là ở chỗ, mẹ chồng cô quá tiết kiệm. Sáng sớm, cô nhất định không được bật đèn để tiết kiệm điện, ăn trưa chỉ được ăn đồ còn lại của bữa sáng để tối đến cả nhà sẽ ăn đồ tươi.
Cô cũng không được kết thân, chào hỏi hàng xóm láng giềng để tránh điều tiếng đơm đặt. Đi chợ thì chỉ được chi đến 50.000 đồng nhưng phải đảm bảo đủ chất. Khi phơi quần áo thì phải giũ thật phẳng để không phải là quần áo. Những dịp quan trọng, cô là quần áo để mặc, bà cũng cằn nhằn, tỏ rõ vẻ khó chịu. Mỗi lần đi siêu thị, cô lại bị mẹ chồng mắng té tát vì hoang phí và cho là gái miền núi mà bày đặt này nọ.
Chưa kể, vợ chồng cô nằm lướt face bà cũng giáo huấn. Đêm tân hôn, bà nằm cạnh nói chuyện đến tận khuya. Những ngày mới về nhà chồng, cô chưa tìm được việc làm, bà chẳng buồn nói chuyện với cô nhưng tối đến lại mách con trai: Vợ mày ở nhà cứ câm như hến. Hoặc mỗi khi không vừa ý, bà lại đơm đặt chuyện với chồng cô. Chỉ sau 2 tuần, chồng cô không hiểu đã giang tay tát vợ trước mặt mẹ mình.
Thanh Tâm nhận thấy đây chỉ là những “lệch pha” vì cả mẹ chồng và nàng dâu đều chưa chấp nhận, chưa thích nghi và chưa tìm được tiếng nói chung. Thanh Tâm cũng nghĩ cô gọi cho Thanh Tâm ngay khi vừa bị chồng đánh nên tâm trạng đang bức xúc và thiếu cân nhắc. Ngôi nhà 3 người của cô rất cần hơi ấm yêu thương, sự chân thành, thẳng thắn.
Mẹ chồng cô một mình vất vả nuôi dạy con trai sẽ được an ủi, vỗ về nếu con dâu ý thức được lòng biết ơn, trân trọng những nỗ lực của bà. Cô cũng cần thống nhất với chồng về việc bình tĩnh lắng nghe cả hai phía: Từ mẹ và vợ để tránh vì người này mà làm tổn thương người khác. Trường hợp mẹ chồng - con dâu không thể hòa hợp, thay vì ly hôn, cô hãy nghĩ đến việc vợ chồng cô nên ra ở riêng.