Mỹ học Nhật Bản cách kiểm soát thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc

19/04/2018 - 07:15
Mặc dù luôn cho rằng các nguyên tắc về an toàn thực phẩm của Nhật Bản quá khắt khe, nhưng khi người dân Mỹ ngày càng quan ngại về độ an toàn của các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, chính quyền nước này đã bắt đầu học hỏi cách quản lý hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Nhật Bản.

Nhật thử nghiệm thực phẩm nhiều gấp 3 lần Mỹ

Sau chuyến làm việc tại Tokyo vào tháng 9/2017, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã báo cáo Ủy ban Lập pháp nước này rằng, mô hình quản lý thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc của Nhật Bản là mô hình có khả năng bảo vệ người tiêu dùng Mỹ tốt nhất. “Hệ thống quản lý thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc của Nhật dường như có sự kiểm soát tốt hơn so với hệ thống mà FDA hiện đang sử dụng”, bản kết luận nêu rõ.

So với Mỹ, Nhật Bản áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn rất nhiều để đảm bảo chất lượng hàng nhập Trung Quốc. Đặc biệt với lương thực, thực phẩm, Nhật Bản thường xuyên kiểm tra tới tận các nhà sản xuất Trung Quốc trước cả khi họ vận chuyển hàng hoá đến nước này.

my-than-phuc-cach-nhat-nhap-khau-thuc-pham-tu-trung-quoc.jpg
Hệ thống kiểm soát thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc của Nhật Bản được đúc kết từ kinh nghiệm nhập khẩu lâu năm với số lượng lớn của nước này.

Hệ thống quản lý trên được đúc kết từ kinh nghiệm dày dặn của xứ phù tang trong việc đối phó với vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Tatsuya Kakita, tác giả của một số cuốn sách về an toàn thực phẩm, nói: “Trong 5 năm trở lại đây, Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề về chất lượng của các sản phẩm Trung Quốc hơn so với các nước khác trên thế giới. Vì vậy thế giới có thể học hỏi từ Nhật Bản”.

Trong khi đó, mãi đến năm 2017, Mỹ mới thực sự ý thức hơn về các vấn đề an toàn của các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Cụ thể, nước này đã thu hồi một loạt đồ chơi Trung Quốc bị nhiễm sơn chì và các thành phần thức ăn vật nuôi có chứa hóa chất độc hại.

Trên thực tế, rất hiếm khi các quan chức Mỹ đánh giá cao cơ chế kiểm soát nhập khẩu của Nhật Bản khi mà Mỹ vẫn thường xuyên chỉ trích các quy định của Nhật Bản là quá khắc khe, đặc biệt là khi áp dụng lên các sản phẩm của Mỹ. Một trong những vụ tranh chấp thương mại ồn ào nhất trong những năm gần đây giữa 2 quốc gia là việc Nhật hạn chế nhập khẩu thịt bò Mỹ sau khi phát hiện ra một trường hợp bò điên ở Mỹ năm 2003.

An toàn thực phẩm là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Nhật Bản khi nước này nhập khẩu tới 60% lượng lương thực. Sau bê bối rau dền Trung Quốc xuất khẩu sang Nhật năm 2002, chính phủ Nhật đã tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên tất cả các thực phẩm nhập khẩu. Bộ Y tế Nhật Bản cho hay, các phòng thí nghiệm tư nhân phải tiến hành kiểm tra mẫu từ 10% tất cả các chuyến hàng thực phẩm vào nước này.

Ngược lại, tại Mỹ, một quốc gia nhập khẩu khoảng 1/10 lượng lương thực, chỉ kiểm tra chưa tới 1% lượng hàng hóa nhập khẩu, theo bản báo cáo của Ủy ban Lập pháp Mỹ.

Các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt của Nhật được tiến hàng tại 2 trung tâm kiểm tra quốc gia. Chỉ tính riêng năm 2016, trung tâm Yokohama đã kiểm tra hơn 30.000 mẫu thực phẩm, gấp 3 lần so với những gì mà Mỹ thực hiện.

Yukihiro Shiomi, một thanh tra của trung tâm, tuyên bố: “Chúng tôi là tuyến đầu tiên trong việc bảo vệ người tiêu dùng”.

Bộ Y tế Nhật cho biết, Nhật Bản đã thử nghiệm 203.001 mẫu thực phẩm trong năm 2016 và phát hiện ra 1.515 mẫu vi phạm các tiêu chuẩn. Số vụ vi phạm lớn nhất đến từ Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số vụ vi phạm, ảnh hưởng đến khoảng 15% lượng lương thực nhập khẩu vào Nhật.

my-than-phuc-cach-nhat-nhap-khau-thuc-pham-tu-trung-quoc-1.jpg
Tất cả các chuyến hàng nhập khẩu vào Nhật Bản đều phải lấy mẫu kiểm tra.

Sàng lọc từng nhà sản xuất, kiểm soát đến từng lô rau

Không chỉ dừng ở việc tăng cường thử nghiệm, các nhà chức trách Mỹ còn rất quan tâm đến hệ thống sàng lọc các nhà sản xuất Trung Quốc của Nhật Bản.

Được giới thiệu từ năm ngoái, nhưng hiện hệ thống này chỉ được áp dụng cho rau dền. Tuy nhiên, chương trình này đã phát huy thành công đáng kinh ngạc trong việc loại bỏ các vấn đề về chất lượng. Nhật Bản dự định mở rộng hệ thống kiểm soát này sang các loại thực phẩm nhập khẩu khác.

Kazuhiko Tsurumi, Phó Giám đốc Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế Nhật, nói: “Bài học chúng tôi rút ra từ thành công trong việc nâng cao chất lượng rau dền là: kiểm soát trực tiếp các nhà sản xuất là cách tốt nhất để kiểm soát chất lượng”. Người Nhật còn cho rằng, hệ thống ngặt nghèo này sẽ giúp dẹp sạch những nhà sản xuất vô đạo đức mà không làm tổn thương đến nhiều người Trung Quốc.

Theo hệ thống kiểm soát trên, muốn xuất khẩu sang Nhật, các công ty Trung Quốc phải có giấy phép xuất khẩu sang Nhật từ chính phủ nước này, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Nhật. Hiện tại, với sản phẩm là rau dền, chỉ có 45 công ty Trung Quốc được phép xuất sang Nhật.

Khi rau dền Trung Quốc xuất sang Nhật, Bộ Y tế Nhật Bản vẫn sẽ thực hiện kiểm tra xem có đúng công ty này đủ giấy phép của chính phủ Trung Quốc cho phép xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường mình hay không. Tuy nhiên, tại Mỹ, với cách tiếp cận thị trường tự do, bước này mặc nhiên được bỏ qua.

Mặt khác, các quan chức Nhật Bản thừa nhận rằng hệ thống trên của họ hạn chế cạnh tranh, cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc tính giá cao hơn. Nhưng họ cho rằng, ưu đãi lợi nhuận này cũng góp phần ép các công ty Trung Quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn Nhật Bản vì nếu không họ sẽ mất quyền xuất khẩu vào thị trường béo bở này. Ngoài ra, với mỗi lô rau dền nhập từ Trung Quốc, chính quyền Nhật đều yêu cầu các nhà nhập khẩu phải kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại. Điều này khiến giá rau tăng thêm khoảng 160 USD/lô rau. Ở ngoại ô Tokyo, rau dền có giá khoảng 4 USD/5 lạng, gấp 2-2,5 lần giá tại Mỹ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện một thực tế rằng người tiêu dùng Nhật đang quay lưng với các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc khi mà doanh thu của các sản phẩm này chỉ bằng 1/10 so với năm trước. Người tiêu dùng Nhật đang dần chuyển sang các mặt hàng nội địa đắt tiền nhưng cực kỳ đảm bảo với phần nhãn mác đầy đủ thông tin từ tên, địa chỉ hay thậm chí cả ảnh của những người nông dân trồng ra sản phẩm.

Yumiko Ishihara, một bà nội trợ 38 tuổi, nói: “Tôi cảm thấy an tâm khi nhìn thấy gương mặt của người nông dân trên nhãn sản phẩm. Với tôi, mua hàng Trung Quốc giống như đánh cược với sức khoẻ của cả gia đình”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm