Nắm bắt nguyện vọng để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế

Linh An
01/08/2023 - 06:45
Nắm rõ được nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, Hội LHPN xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đã tập trung xây dựng và phát triển các mô hình đồng thời tạo nguồn vốn cho chị em phát triển kinh tế.

Các mô hình được hình thành theo các chuyên đề để phù hợp với các đối tượng phụ nữ. Bà Đàm Thị Ôn - Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hải -chia sẻ về vấn đề này.

Nắm bắt nguyện vọng hội viên để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế phù hợp - Ảnh 1.

Bà Đàm Thị Ôn - Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Xin bà cho biết hiện nay ở xã Sơn Hải tình hình phân bổ dân tộc ra sao? Kinh tế chủ yếu của chị em dân tộc thiểu số có những thuận lợi khó khăn gì?

Sơn Hải là một xã vùng cao của huyện Lục Ngạn, dân cư sống không tập trung, trong đó dân tộc Nùng chiếm trên 75%. Kinh tế chủ yếu của chị em dân tộc Nùng là làm nông nghiệp, canh tác lúa, ngô, và có cây nông nghiệp chủ lực chủ lực là vải thiều.

Sơn Hải có thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp với nông nghiệp, đặc biệt là canh tác trồng vải. Tuy nhiên, nguồn thu này cũng không ổn định. Phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn chủ yếu là trồng trọt, chặt nuôi, vải thiều được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Xã cũng không có chợ nên việc giao thương cũng gặp nhiều khó khăn.

Nắm bắt nguyện vọng hội viên để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế phù hợp - Ảnh 2.

Kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số của xã vẫn chủ yếu là trồng trọt, chặt nuôi

Trước những khó khăn của đại phương, Hội đã có những chủ trương gì hỗ trợ chị em dân tộc thiểu số làm kinh tế, thưa bà?

Chúng tôi nhận thấy cách làm kinh tế của chị em còn manh mún, thậm chí còn có quan điểm tự cung tự cấp, có gì làm nấy và làm theo lối truyền thống. Chính vì vậy, Hội đã tham mưu với Uỷ ban nhân dân xã có những chủ trương cho chị em dân tộc thiểu số. Ví dụ như mô hình chăn nuôi dê, ngựa, cá lồng, chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn Vietgap,…  

Hội đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức mở các lớp tập huấn để chị em phụ nữ đến học tập, trao đổi kinh nghiệm. Qua đó, hướng dẫn chị em các mô hình nuôi, trồng khoa học, bài bản hơn để mang lại năng suất cao, cải thiện thu nhập.

Nắm bắt nguyện vọng hội viên để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế phù hợp - Ảnh 3.

Hội đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức mở các lớp tập huấn để chị em phụ nữ đến học tập, trao đổi kinh nghiệm

Xin bà cho biết một số mô hình kinh tế hiệu quả mà xã đã triển khai, cụ thể quá trình và hiệu quả của các mô hình này?

Một trong những mô hình kinh tế hiệu quả mà Hội phụ nữ xã đã hỗ trợ chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đó chính là mô hình chăn nuôi dê, ngựa. Xã hỗ trợ 3 thôn có 100% dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi thôn 3 con ngựa sinh sản, 5 con dê sinh sản để chị em chăm sóc, nhân giống. Hiện nay hai mô hình nuôi dê và nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chị em dân tộc thiểu số. Bình quân mỗi hộ tham gia mô hình có thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Nắm bắt nguyện vọng hội viên để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế phù hợp - Ảnh 4.

Chị em hội viên hỗ trợ nhau trong việc đồng ánh, làm kinh tế

Trong thời gian tới xã có kế hoạch gì để hỗ trợ chị em dân tộc thiểu số làm kinh tế. Đặc biệt là các mô hình mới, hướng tới làm thay đổi cách suy nghĩ và hành động của chị em trong việc hội nhập và vươn lên làm giàu?

Vấn đề đầu ra sản phẩm là bài toán khó đối với những chị em phụ nữ còn chưa quen với cách làm kinh tế hội nhập. Chính vì vậy, Hội đã hỗ trợ chị em đăng ký sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Xúc tiến thương mại bằng việc cho chị em tham gia các hội chợ từ huyện đến tỉnh để sản phẩm có cơ hội được nhiều người biết đến. Chị em cũng được tập huấn các kỹ năng tương tác qua mạng xã hội để bán sản phẩm online. Trong thời gian tới, Hội sẽ tăng cường giới thiệu đầu ra sản phẩm cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền.

Bên cạnh đó, vấn đề về vốn để chị em khởi nghiệp, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được Hội quan tâm, chú ý. Các mô hình hỗ trợ phụ nữ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt khá phù hợp với hầu hết các vùng nông thôn. Hiện Hội cũng đang phát triển các mô hình như Tổ phụ nữ tiết kiệm vay vốn, tổ phụ nữ trồng cây ăn quả, tổ phụ nữ chăn nuôi dê, bò sinh sản... các mô hình được phát triển theo phương châm đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau để có điều kiện phát triển kinh tế.

 Xin cảm ơn bà về những chia sẻ này!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm