Nam sinh tự đập đầu vào tường, cấu véo cơ thể, cha mẹ không nghĩ con bị bệnh này

Linh Trần
02/04/2021 - 16:59
Nam sinh tự đập đầu vào tường, cấu véo cơ thể, cha mẹ không nghĩ con bị bệnh này

Trẻ thường tự đập đầu vào tường do căng thẳng (ảnh minh họa)

Ở nhà, trẻ thường hay đập đầu vào tường do căng thẳng, khó chịu, hoặc cấu véo vào tay, mặt. Vì thế, cơ thể trẻ đầy vết sẹo. Gia đình cũng cho con đi khám, nhưng không nghĩ con bị tự kỷ nên không điều trị.

Tự kỷ là một nhóm những hội chứng phức tạp, do nhiều yếu tố gây nên. Người bị chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp và làm ảnh hưởng đến người khác. Theo Ths. Lê Công Thiện, Phó trưởng Bộ môn Tâm thần (Đại học Y Hà Nội), kiêm Trưởng khoa Tâm thần Nhi, Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), từ trẻ sơ sinh cho đến người trưởng thành đều có thể bị tự kỷ. 

Theo bác sĩ Thiện, tại BV, trường hợp nhỏ tuổi nhất được phát hiện tự kỷ khi mới 6 tháng tuổi. Theo đó, khoảng vài năm trước, một cặp vợ chồng là giáo viên đưa con khoảng 6 tháng tuổi thăm khám do nghi bé bị tự kỷ. Trước đó, khi mang thai, người mẹ đã tham gia lớp học tiền thai sản và được cung cấp thông tin về một số bệnh thường gặp ở trẻ với những biểu hiện nhận biết. 

Vì thế, sau khi sinh, người mẹ để ý thấy bé ít tương tác bằng mắt, không thể hiện cảm xúc như những đứa trẻ khác nên đưa con đi khám. Khi đó, bác sĩ cũng thấy có một số biểu hiện tương tự của tự kỷ nên thường xuyên theo dõi, khám định kỳ cho bé. Đồng thời, hướng dẫn cha mẹ tương tác với con và chăm sóc về tâm lý,… Đến nay, bé đã 6 tuổi, tương tác khá tốt so với những trẻ tự kỷ khác.

Một trường hợp khác, bác sĩ Thiện rất nhớ, đó là một nam sinh khoảng từ 13-16 tuổi, được gia đình đưa đến BV thăm khám. Gia đình cho biết, ở nhà con thường hay đập đầu vào tường do căng thẳng, khó chịu, hoặc cấu véo vào mặt, vào tay. Vì thế, mặt và tay trẻ đầy vết sẹo. Lần theo hồ sơ bệnh án, thì được biết khi còn nhỏ, trẻ đã có biểu hiện không tương tác, ít nói nên gia đình đưa đến BV Nhi TƯ thăm khám. 

Tuy nhiên, sau khi thăm khám, gia đình không cho can thiệp. Bởi gia đình thương con và nghĩ bé không bị tự kỷ. Càng lớn, trẻ ngày càng có nhiều hành vi không tốt, thường đập đầu vào tường và cấu véo cơ thể. Sau khi xác định trẻ bị tự kỷ, bác sĩ đã dùng thuốc ức chế hành vi và tư vấn tâm lý điều trị cho trẻ.

Theo bác sĩ Thiện, tự kỷ là một nhóm những hội chứng phức tạp, do nhiều yếu tố gây nên. Người bị chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp và làm ảnh hưởng đến người khác. Nói một cách dễ hiểu, tự kỷ là tự thân, tự thu vào trong.

Trẻ bị tự kỷ có triệu chứng điển hình là kỹ năng giao tiếp có vấn đề. Theo đó, trẻ giảm giao tiếp bằng mắt, ít đáp ứng khi gọi tên, không dùng những cử chỉ điệu bộ để giao tiếp như không biết chỉ tay, không biết chìa tay xin thứ cần, không biết khoe, cần thứ gì trẻ thường kéo tay người khác lấy giúp, không có chú ý chung với người khác. Trẻ không chơi tương tác với trẻ cùng tuổi, không mỉm cười đáp lại người khác. Sự thiếu hụt trong phát triển cảm xúc và xã hội thường có thể phát hiện từ khi trẻ được 1 tuổi. Trẻ không để ý đến thái độ và tâm tư của người khác, không hiểu người khác, không biết chia sẻ tình cảm với người khác. Bên cạnh đó, trẻ có những bất thường trong ngôn ngữ giao tiếp và những bất thường trong hành vi với tính chất lặp đi lặp lại, rập khuôn, các mối quan tâm cũng bị thu hẹp

Cũng theo bác sĩ Thiện, có hai nguyên nhân chính gây tự kỷ ở trẻ. Đó là yếu tố di truyền và môi trường. Y khoa đã xác định có một vài gen được xác định có thể gây tự kỷ. Tuy nhiên, nếu được can thiệp sớm và phát hiện sớm thì có thể khỏi.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hiện nay là nhiều phụ huynh nghi con bị tự kỷ lại "ngại" đưa đến BV. Thay vào đó, họ đưa con đến các cơ sở khác như nhà tâm lý, xã hội để điều trị. Điều này, luật không cấm nhưng như thế sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị sau này của trẻ, bác sĩ Thiện chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm