pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng cao năng lực, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của bà con dân tộc tại Gia Lai
Cà phê Tamba (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Ảnh: Trần Dung
Gia Lai tập hợp rất nhiều sản phẩm đặc sản gắn với nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Bắc Tây Nguyên. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã quan tâm thực hiện khá hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.
- Thưa bà Đào Thị Thu Nguyệt, xin bà cho biết, Gia Lai đã xác định trọng tâm của việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào? Kết quả của các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của bà con dân tộc Gia Lai vào hệ thống phân phối hiện đại ra sao?
Bà Đào Thị Thu Nguyệt: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1719 về tăng cường về các sản phẩm, hàng hóa phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Gia Lai cũng đã xác định trọng tâm của việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là tăng cường các kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các sản phẩm vùng miền, các chương trình kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành trên cả nước.
Tỉnh Gia Lai khuyến khích và hỗ trợ hầu hết các doanh nghiệp, các hợp tác xã thu mua các sản phẩm đặc trưng cũng như các sản phẩm có thế mạnh có thể vào chuỗi cung ứng. Đồng thời đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng lồng ghép các nguồn lực, kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư để xây dựng, cải tạo các trung tâm, các chợ, siêu thị đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ nhân dân trong đời sống hàng ngày.
Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai các hoạt động thương mại, tuyên truyền; phối hợp với các đơn vị xây dựng các điểm bán hàng Việt, đặc biệt là những sản phẩm OCOP tại các huyện vùng xa như Krông pa, Chư Pưh, Đắk Đoa,… để triển khai các hoạt động quảng bá các sản phẩm, kết nối các hàng hóa của Gia Lai lên các siêu thị, các trung tâm bán hàng lớn của tỉnh, cũng như cả nước.
Gia Lai cũng xây dựng các mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của tỉnh như hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô của thị trường, từng bước ban hành các kế hoạch phát triển. Có thể kể đến: Kế hoạch phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa; Kế hoạch chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và các kế hoạch, đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ đó, Gia Lai đã tạo các điều kiện để phát triển thị trường hàng hoá cho bà con.
- Vậy trong quá trình kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào hệ thống phân phối, tỉnh Gia Lai đã gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa bà?
Bà Đào Thị Thu Nguyệt: Gia Lai có điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng nên sẽ tạo nên các sản phẩm mang nét riêng, có giá trị độc đáo, khác biệt với các vùng miền khác.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về giống cây trồng, vùng trồng, tạo thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh của Gia Lai. Tỉnh hiện có hơn 300 sản phẩm OCOP; trong đó có khoảng gần 50 sản phẩm 3 sao, nhiều sản phẩm đạt được các chứng nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực, các sản phẩm đặc trưng tốt được người tiêu dùng đánh giá cao. Các sản phẩm thế mạnh của Gia Lai đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu như thương hiệu cà phê Lamant, tiêu, dược liệu… Đây là tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm của tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh những thuận lợi như vậy, Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn. Đó là sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Gia Lai đất rộng người thưa, hầu hết là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn; thu nhập bình quân đầu người còn có phần chênh lệch; trình độ dân trí ở vùng sâu, vùng xa chưa được cao; hoạt động giao lưu hàng hóa chưa sôi động. Bên cạnh đó, công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng đến các vùng sâu, vùng xa cũng gặp nhiều khó khăn.
Đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các chợ theo chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chợ chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi sản phẩm, hàng hóa của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào tại Gia Lai chủ yếu đang tự cung, tự cấp và gần như chỉ trao đổi giữa các hộ với nhau. Hơn nữa, số lượng sản phẩm còn chưa lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, công nghệ chế biến, sản xuất vẫn còn hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định, không đảm bảo được nguồn cung hàng hóa.
Một khó khăn nữa là về nhận thức của người tiêu dùng, của một bộ phận người tiêu dùng, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Họ thường mua bán theo tính chất truyền thống, dẫn đến khó khăn trong đưa hàng hóa vào thị trường. Tìm đầu ra cho hàng nông sản, đặc sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là bài toán khó của tỉnh Gia Lai.
Trong thời gian tới, Gia Lai có mong muốn kết nối, liên kết với các hệ thống phân phối hiện đại như thế nào? Và Gia Lai cần những trợ lực nào để các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể hiện diện nhiều hơn tại các kênh phân phối hiện đại?
Bà Đào Thị Thu Nguyệt: Đối với vùng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, hạ tầng và công nghệ vẫn còn hạn chế. Vì vậy một số giải pháp cụ thể mà chúng tôi đưa ra là tăng cường công nghệ, mở rộng các ứng dụng công nghệ hiện đại hơn trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn như tiêu chuẩn VietGap. Từ đó mang lại hiệu quả cao hơn, có thể thực hiện được chương trình bán hàng, chương trình chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ giao thương đối với các thị trường lớn. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với phong tục, tập quán và quy mô sản xuất của từng địa phương. Trên cơ sở đó phát huy tiềm năng, lợi thế và thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh và các vùng miền khác, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập của người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để phát triển thị trường cho hàng hóa, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhiều hơn nữa thì cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương và nhất là các doanh nghiệp để đưa sản phẩm của khu vực tham gia vào các chuỗi cung ứng, siêu thị lớn của thị trường trong nước.
Đồng thời, cần triển khai các chính sách ưu đãi, kêu gọi phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, lồng ghép các nguồn lực, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư để nâng cấp, cải tạo các trung tâm, các chợ nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa trên địa bàn.
Ngoài ra, để tiếp tục kết nối, đưa hàng hóa là lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia vào các chuỗi cung ứng, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cũng như các hợp tác xã cần nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ về tổ chức sản xuất, về công nghệ, nhân lực nhằm thu hút bà con tiếp tục chung tay xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung. Trên cơ sở đó phát triển thị trường và phát triển hàng hóa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng nhu cầu về chất lượng, tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn bà!