Nâng cao nhận thức trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (Bài 1)

Nhóm PV
15/11/2023 - 18:41
Nâng cao nhận thức trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (Bài 1)

Ảnh minh họa

Nhân tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an về các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Để thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, từ năm 2015, Chính phủ thống nhất quy định Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm.

- Thưa thượng tá Đinh Văn Trình, bạo lực trên cơ sở giới vẫn đang là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Qua thực tế công việc của mình, thượng tá có thể chia sẻ về thực trạng bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em hiện nay?

Thượng tá Đinh Văn Trình: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu rơi vào nhóm yếu thế là phụ nữ và trẻ em gái... 

Mặc dù được kiềm chế song bạo lực trên cơ sở giới luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và có diễn biến phức tạp. Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều vụ sàm sỡ, tấn công tình dục nơi công cộng. Cùng với đó, các hành vi quấy rối, bắt nạt, đe dọa, khiêu dâm trên môi trường mạng có diễn biến phức tạp mà nạn nhân hầu hết là phụ nữ trẻ và trẻ em gái...

Nâng cao nhận thức trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (Bài 1)- Ảnh 1.

Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an

Trong đó, phụ nữ chủ yếu bị các hành vi bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, bị mua bán; trẻ em thường bị bạo hành, ngược đãi, đặc biệt là bạo lực tình dục. Bạo lực bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em đã len lỏi vào nhiều gia đình, nhà trường, bệnh viện, thậm chí cả trung tâm bảo trợ trẻ em.

Những hành vi đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và sự phát triển bình thưởng của mỗi trẻ em. 

Ngoài ra, các hành vi mua bán trẻ em, mang thai hộ vì mục đích thương mại đã để lai hậu quả lâu dài và rất khó khắc phục cho các em cũng như cộng đồng xã hội.

Theo số liệu sơ kết Kế hoạch 506/KH - BCA của Bộ Công an, trong 02 năm 2021 - 2022, lực lượng Công an trên toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 3.748 vụ/4.354 đối tượng, xâm hại 3.907 em.

Cơ cấu tội phạm xâm hại trẻ em chiếm trên dưới 80% hàng năm là các hành vi trong nhóm xâm hại tình dục, nhiều nhất là hành vi giao cấu (1.362 vụ), sau đó đến hiếp dâm (1.193 vụ dâm ô (487 vụ), cưỡng dâm và sử dụng trẻ em vì mục đích khiêu dâm.

- Có thể thấy bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em được tồn tại theo hình cách thức khác nhau, luôn âm ỉ trong đời sống. Vậy những nguy cơ gì có thể xảy ra đối với các nạn nhân bạo lực, xin thượng tá chia sẻ?

Thượng tá Đinh Văn Trình: Nạn nhân bị bạo lực không những bị tổn hại về thể chất, thậm chí có nhiều trường hợp dẫn đến tử vong, mà còn bị tổn thương rất nghiêm trọng về tâm lý, tâm thần, danh dự nhân phẩm.

Nhiều trường hợp hành vi bạo lực diễn ra trong một thời gian dài dẫn đến nạn nhân bị trầm cảm, mất cân bằng tâm lý, thậm chỉ có em đã tìm đến hành vi dại dột (tự tử) hoặc vi phạm pháp luật

Nhìn chung bạo lực, đặc biệt bạo lực tình dục để lại những hậu quả rất lâu dài, rất khó khắc phục cho các em và cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và sự phát triển bình thường của trẻ em.

Nâng cao nhận thức trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (Bài 1)- Ảnh 2.

Bạo lực trên cơ sở giới để lại những hậu quả rất lâu dài, rất khó khắc phục đối với phụ nữ và trẻ em. Ảnh minh họa

- Vậy hiện nay, nước ta đã có những biện pháp xử lý như thế nào đối với người có hành vi bạo lực, thưa ông?

Thượng tá Đinh Văn Trình: Hiện nay chúng ta đã áp dụng biện pháp xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 nếu hành vi bạo lực đến mức phải xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, những người có hành vi bạo lực sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của Luật phòng, chống Bạo lực Gia đình bổ sung, sửa đổi năm 2022 (lưu ý biện pháp cấm tiếp xúc) và Nghị định 144/NĐ - CP của Chính phủ.

- Trong thời gian tới, chúng ta cần có các biện pháp triển khai để ngăn ngừa bạo lực giới, xin ông chia sẻ?

Thượng tá Đinh Văn Trình: Một số các biện pháp triển khai để ngăn ngừa bạo lực giới có thể kể đến:

Trước hết, phải xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật trong phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi bạo lực; tôn trọng các công ước, luật pháp quốc tế về phòng, chống bạo lực giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết...

Nâng cao nhận thức trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (Bài 1)- Ảnh 3.

Tình hình tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu rơi vào nhóm yếu thế là phụ nữ và trẻ em gái... Ảnh minh họa

Hai là tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho mọi người dân về trách nhiệm của mình và cộng đồng trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Ba là nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các Bộ, ngành, Chính quyền địa phương, tổ chức xã hội.

Xin cảm ơn ông! 


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm