Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số

30/11/2017 - 11:27
Tham gia Mô hình Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA), chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại Điện Biên được nâng cao vị thế kinh tế, tăng cường vai trò và tiếng nói trong các tiến trình lập kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Kênh quan trọng để huy động nguồn lực tài chính nhàn rỗi
 
Trong nắng chiều ươm vàng, chúng tôi xuôi về bản Hua Ná, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Với tiếng cười giòn tan của các cô, các chị, các mẹ người Thái cùng trang phục truyền thống rảo nhanh chân cho kịp giờ tham gia buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của nhóm Hoa Ban Trắng với mô hình VSLA do Tổ chức CARE Quốc tế xây dựng và phát triển thuộc dự án “Nâng quyền cho phụ nữ Dân tộc thiểu số (EMWE). Đây là dịp để các chị được trao đổi chuyện gia đình, con cái, chuyện nuôi trồng, làm ăn, được sinh hoạt chung với các tiết mục ca múa hát truyền thống nên ai cũng háo hức, đợi chờ.
dien-bien-4a.jpg
Chị Lò Thị Thưởng, một thành viên tham gia VSLA

Chị Lò Thị Thưởng, một thành viên tham gia VSLA chia sẻ: “Mỗi tháng 2 lần, tôi mong được đi sinh hoạt định kỳ của nhóm Hoa Ban Trắng. Khi tham gia phong trào tiết kiệm, các chị em luôn quan tâm, giúp đỡ nhau những lúc ốm đau, hoạn nạn”. Nhờ được tạo điều kiện cho vay vốn không lãi, chị Thưởng đã đầu tư vào mua con giống, thức ăn gia súc… để phát triển kinh tế và có điều kiện để nuôi dạy con.

 
Cùng ngồi dự buổi sinh hoạt, chúng tôi thật sự ấn tượng khi nhiều chị em không biết chữ nhưng vẫn dễ dàng tham gia do mô hình vận hành đơn giản, không phải tính toán nhiều. VSLA là một nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ và độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới dạng các khoản vay mà các thành viên có thể vay lại. VSLA còn duy trì một quỹ tương hỗ để hỗ trợ các thành viên trong trường hợp khó khăn và khẩn cấp.
dien-bien-1a.jpg
Nhóm Hoa Ban Trắng sinh hoạt với Mô hình Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA)

Khẳng định hiệu quả của mô hình VLSA, bà Vì Thị Phong - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Nưa cho hay ở xã này hiện có 21 câu lạc bộ với tên gọi Hoa Phượng Đỏ, Cỏ May… hoạt động tốt như Hoa Ban Trắng tại 17 bản. Sắp tới, xã sẽ mở rộng thêm 3 câu lạc bộ nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của chị em.

Cũng đồng ý kiến với bà Phong, ông Vũ Đình Lợi - Giám đốc Trung tâm phát triển cộng đồng cho biết mô hình tiết kiệm tự nguyện này đang dần phát triển vì chị em thấy được nhiều lợi ích thiết thực. Theo ông Lợi, trung bình 1 xã có hơn 15 bản và mỗi bản có thể phát triển 3 câu lạc bộ sinh hoạt như vậy. VSLA được coi là một kênh để huy động nguồn lực tài chính nhàn rỗi trong dân cư, trở thành một nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển xã hội.
 
Mô hình đáng được nhân rộng
 
Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam cho biết mô hình VSLA phát huy được hiệu quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao vị thế của phụ nữ. Bắt đầu từ năm 1991, mô hình này đã được nhân rộng tại rất nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh với hơn 12 triệu thành viên.
dien-bien-2a.jpg
Một thành viên nhóm Hoa Ban Trắng được nhận vốn vay
 
Ở Việt Nam, VSLA giúp tăng cường nội lực của chị em DTTS và đã phát triển rất thành công ở Điện Biên, dự kiến sẽ được nhân rộng trong tương lai thông qua mạng lưới của Hội LHPNVN. VSLA đã tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, ở đó các thành viên đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Cơ chế vận hành minh bạch tạo cơ hội tiếp cận vốn công bằng cho tất cả các thành viên tham gia, bao gồm những thành viên nghèo nhất. VSLA tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục phù hợp với nhu cầu khác nhau của các thành viên, từ việc đầu tư khoản lớn cho sản xuất kinh doanh đến khoản tiền nhỏ để đóng học phí cho con. Cơ chế này sẽ khuyến khích cả việc tiết kiệm và vay để phát triển kinh tế của các thành viên.
dien-bien-3a.jpg
Một thành viên nhận sổ theo dõi cổ phần đóng góp

Ngoài ra, VSLA tạo sự gắn kết để các thành viên chia sẻ và thảo luận những vấn đề mà họ quan tâm. Các hộ nghèo có thể học hỏi từ những hộ khá giả về kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt, giúp chị em trở nên tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Qua chương trình sinh hoạt này, các chị em thực hành quyền ra quyết định của mình thông qua việc luân phiên quản lý nhóm. Các buổi họp định kỳ của nhóm là kênh hữu hiệu để truyền tải các chủ trương, chính sách phát luật cũng như các chương trình của nhà nước tới cộng đồng.

dien-bien-5a.jpg
Một tiết mục múa hát sau sinh hoạt VSLA của nhóm Hoa Ban Trắng khi ánh hoàng hôn dần buông

Qua mô hình VSLA, chị em được tăng cường vị thế, vai trò và tiếng nói trong các tiến trình lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Ngoài ra, cần tạo cơ chế để các chị em phát triển nội lực, áp dụng các mô hình ở địa phương mình một cách sáng tạo và hiệu quả hơn, góp phần thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm