Nữ phóng viên mang tình yêu sách đến với trẻ em vùng cao

NỮ PHÓNG VIÊN MANG TÌNH YÊU SÁCH ĐẾN VỚI TRẺ EM VÙNG CAO

Kể từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, cô gái Nguyễn Thị Giang (tức Giang Châu, SN 1997) đã mang trong mình niềm yêu thích đối với việc đọc sách. 

Với suy nghĩ rằng sách chính là người bạn đồng hành không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của mỗi người, Giang Châu khát khao mang lại nguồn tri thức rộng mở ấy đến với các trẻ em vùng cao và cô bắt đầu thực hiện dự án xây dựng thư viện đầu tiên.

"Nàng tiên sách" của trẻ vùng cao- Ảnh 1.

Nhờ công việc hiện tại, Giang Châu có cơ hội được gặp gỡ và truyền cảm hứng bởi các tấm gương người tốt trên khắp cả nước

Là một phóng viên có kinh nghiệm 5 năm làm chương trình Việc tử tế tại Đài Truyền hình Việt Nam, Giang Châu đã có cơ hội được gặp gỡ và truyền cảm hứng bởi các tấm gương người tốt trên khắp cả nước. Nhờ đó, cô đã quyết định thực hiện dự án "Thư viện từ những bông hoa" vào năm 2023 mà bản thân ấp ủ bấy lâu nay.

Vốn dĩ, Giang Châu là một cô gái có niềm đam mê lớn đối với việc đọc sách. Từ các cuốn sách truyền cảm hứng như "Tony buổi sáng", "Nhà giả kim"... cho đến các cuốn tiểu thuyết giàu giá trị nhân văn như "Hoàng tử bé", "Heidi"... tất cả đều giúp cô yêu và cảm nhận cuộc sống một cách dịu dàng hơn.

"Nàng tiên sách" của trẻ vùng cao- Ảnh 2.

"Mỗi khi đọc được cuốn sách có thông điệp hay, mình rất muốn nhiều người đọc được, muốn trẻ em ở khắp nơi đọc được"- Giang Châu chia sẻ

Chia sẻ về sở thích đọc sách, Giang Châu cho biết: "Giống như nhà văn kiêm doanh nhân người Mỹ Harvey MacKay đã từng nói: "Cuộc đời chúng ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc". Mình tin rằng, chúng ta đều có thể thay đổi tốt đẹp khi đọc một cuốn sách. Và mỗi khi đọc được cuốn sách có thông điệp hay, mình rất muốn nhiều người đọc được, muốn trẻ em ở khắp nơi đọc được".

"Nàng tiên sách" của trẻ vùng cao- Ảnh 3.

Thư viện được đặt tại Bảo Lạc, Cao Bằng

Việc tặng những cuốn sách cho các đứa trẻ là cách để giúp các em thay đổi tư duy và từ đó dùng tri thức để quyết định chính số phận của bản thân mình. Bởi sách sẽ nuôi dưỡng tâm hồn và trao đến tri thức, sách sẽ kích thích những hạt giống thiện lành ở trong mỗi đứa trẻ, hướng các em tới những giá trị chân, thiện, mỹ.

"Nàng tiên sách" của trẻ vùng cao- Ảnh 4.

Sách sẽ nuôi dưỡng tâm hồn và trao đến tri thức hướng các em tới những giá trị chân, thiện, mỹ

"Từ hồi sinh viên, mình đã có nhiều hành trình lên vùng cao nên mình có một tình cảm đặc biệt với nơi ấy. Tuy cảnh quan thiên nhiên phong phú và tươi đẹp nhưng cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, mình đã chọn vùng cao là xuất phát điểm cho hành trình thiện nguyện của mình", Giang Châu chia sẻ.

Lần đầu tiên cô đăng ý tưởng về dự án thiện nguyện lên mạng xã hội Facebook đã có người ủng hộ và muốn cùng đồng hành với cô để triển khai dự án. Từ khi có thêm cộng sự, Giang Châu cảm thấy an tâm hơn và lập tức triển khai dự án.

"Nàng tiên sách" của trẻ vùng cao- Ảnh 5.

Những nụ cười của các em là động lực giúp Giang Châu cùng các thành viên tạo nên nhiều Thư viện hơn nữa

Bước đầu tiên và cũng là bước khó khăn nhất chính là gây quỹ từ những bông hoa. Bản thân Giang Châu là một người rất thích hoa nhưng cả cô và cộng sự đều chưa có kinh nghiệm gì về kinh doanh. Do đó, việc xây dựng quy trình vận hành, tìm kiếm nguồn hàng hay chăm sóc khách hàng đều gặp nhiều khó khăn.

Giang Châu đã trải qua những tuần thiếu ngủ vì lượng đơn quá tải; tự chạy đi chạy lại để lên chợ lấy hàng, bó hoa và giao hoa cho khách,... Đặc biệt vào thời điểm sau những ngày lễ, tết, cô đã phải bật khóc vì kiệt sức, nhưng rốt cuộc, thành quả xứng đáng đã đến với cô: Số tiền thu được đã đủ để triển khai xây thư viện tại Cao Bằng.

"Toàn bộ lợi nhuận bán hoa được dành để mua tủ sách và sách cho các trường học vùng cao. Chúng mình hoàn toàn làm không có lương, thậm chí còn bỏ tiền túi ra để phục vụ cho công việc này. Nhưng với mình, được cho đi đến đúng những trường hợp cần giúp đỡ là một điều hạnh phúc", Giang Châu chia sẻ.

Khi đã có kinh phí, việc tiến hành xây dựng thư viện trở nên dễ dàng và trơn tru hơn. Việc lựa chọn các đầu sách cũng nhận được sự tư vấn từ các nhà xuất bản như Kim Đồng, Nhã Nam, Thái Hà… Kể từ đó, hành trình "mang thư viện đến với trẻ em vùng cao" được bắt đầu và để lại cho Giang Châu vô vàn kỷ niệm đáng nhớ.

Một trong những kỷ niệm không thể không nhắc đến của Giang Châu chính là chuyến đi đến Sơn La vào thời điểm đúng tròn một năm ra mắt dự án. Cô được trở lại trường THCS Lóng Luông, nơi đã cho cô cảm hứng để thực hiện dự án xây dựng thư viện. Thông qua nhiều phóng sự thực tế cô đã từng làm, cô nhận thấy rằng nạn tảo hôn tại đây diễn ra với tần suất cao và đó cũng trở thành điều khiến cô trăn trở bấy lâu nay.

Khi mang những cuốn sách hay đến với các trường học vùng cao, Giang Châu hy vọng có thể giúp các em sẽ thấy cuộc sống còn thật nhiều điều thú vị để khám phá khi đọc sách thay vì bước vào cuộc sống hôn nhân với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trong lần trở lại Sơn La ấy, cô thực sự rất vui và hạnh phúc khi nghe tin vui rằng tỉ lệ tảo hôn đã giảm đi đáng kể và tỷ lệ học sinh đỗ cấp ba đang ngày càng tăng cao.

"Nàng tiên sách" của trẻ vùng cao- Ảnh 6.

Nhóm có 10 thành viên chính cùng các cộng tác viên

Khi được nhìn các bạn nhỏ mở thùng sách, nở nụ cười và khoe với nhau về các cuốn sách với đủ thể loại, Giang Châu không thể diễn tả được niềm tự hào và xúc động của mình khi biết rằng cô đã đưa thư viện đến đúng nơi, đúng người cần.

Bên cạnh đó, cô cũng mong rằng các thầy cô trên vùng cao sẽ dành thêm nhiều thời gian để đọc sách cùng các bạn nhỏ, chủ động tạo ra nhiều hoạt động để thúc đẩy việc đọc sách của học sinh. Bởi thầy cô có đủ tình yêu thương học sinh, họ sẽ có cách để truyền cảm hứng học tập và tinh thần tự đọc đến các em.

"Nàng tiên sách" của trẻ vùng cao- Ảnh 7.

Nhóm đã làm được 13 thư viện cho 6 tỉnh, thành phố

"Mình là người bắt đầu dự án, nhưng để dự án được đến ngày hôm nay là tâm huyết của rất nhiều người. Sau chuyến làm thư viện Lào Cai vào 4 - 5/9 tới đây, là chúng mình đã làm được 13 thư viện cho 6 tỉnh thành: Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai với khoảng 13.000 cuốn sách được trao tặng", Giang Châu tự hào chia sẻ.

Khi dự án của Giang Châu được biết đến rộng rãi, đã có thêm nhiều người bạn, các nhà hảo tâm chủ động ủng hộ dự án bằng nhiều cách khác nhau như: bán quần áo, đồ thủ công, nông sản để gây quỹ… Gần đây nhất là sự kiện Giao lưu thạch 3D nghệ thuật quốc tế được tổ chức vào tháng 7, đấu giá các tác phẩm bánh thạch và đóng góp toàn bộ hơn 50 triệu vào quỹ xây thư viện.

Giang Châu cho rằng: "Thư viện từ những bông hoa không đơn thuần là những bông hoa tươi nữa, mà chính là tấm lòng thơm thảo của mỗi cá nhân khi chung tay cùng dự án. Bằng tình yêu thương và sự nỗ lực, chúng mình đã và đang tạo nên những "di sản" cho cuộc đời, không chỉ trao tặng thư viện, chúng mình muốn tạo ra một cộng đồng sống tốt hơn từ những trang sách.".

"Nàng tiên sách" của trẻ vùng cao- Ảnh 8.

Thư viện đặt tại Mù Cang Chải, Yên Bái

Đến với việc thiện nguyện với một tâm thế nhẹ nhàng, Giang Châu nhận ra rằng khi ta nhận thức được cuộc sống đủ đầy của mình, ta sẽ tự khắc có mong muốn được trao đi và giúp đỡ những người xung quanh. Đôi khi những cuốn sách tưởng chừng nhỏ bé cũng có thể thay đổi cả cuộc đời của một đứa trẻ.

"Thư viện từ những bông hoa" của Giang Châu đã trở thành thành viên của Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Bắc, trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia. "Đây chính là bước ngoặt để chúng mình nỗ lực hơn nữa, mang đến thật nhiều thư viện cho học trò vùng khó khăn", Giang Châu cho hay.

Ngoài sự quan tâm tới sách và văn hóa đọc, Giang Châu cũng quan tâm tới các vấn đề của môi trường và thiên nhiên. Cô ấp ủ viết một cuốn sách về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên để nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người.

Thực hiện: An Khê