pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Nếu bị hại là trẻ em gái thì điều tra viên cần là nữ giới”
Ảnh minh họa
Mới đây, nữ sinh lớp 10 Huỳnh Thị Lài ở tỉnh Thanh Hoá nghi bị xâm hại tình dục khi lần đầu gặp gỡ nhóm bạn phượt quen qua mạng. Theo trình bày trong đơn tố cáo đã gửi cơ quan chức năng, trong quá trình cả nhóm bạn họp mặt tại nhà hàng, Lài đã uống 2 lon bia. Khi tinh thần cô bé không còn đủ tỉnh táo, 1 bạn trai trong nhóm đã rủ Lài ra ngoài đi dạo. Tuy nhiên, cậu này đã đưa Lài vào nhà nghỉ rồi thực hiện hành vi giao cấu. Lài không nhận biết được hành vi nghiêm trọng của sự việc nên không báo cho gia đình biết. Chỉ đến khi tỉnh táo hơn, Lài lo lắng nhắn cho người đó nhưng lại nhận được lời lẽ không nghiêm túc về sự việc, khiến cô bé càng hoảng loạn, lo sợ. Lài đã bỏ nhà đi cùng nhóm bạn gái với tâm lý chán chường và muốn tự tử. Khi gia đình tìm được Lài về, gặng hỏi mới nắm được sự việc và trình báo cơ quan chức năng.
Vụ việc đến nay đã được khởi tố. Tuy nhiên, đây cũng là quãng thời gian căng thẳng nhất với Lài. Ai gọi hỏi gì cô bé cũng không nói. Lài thường xuyên hoảng loạn cả trong giấc ngủ. Cô bé không dám đến trường, chỉ ở nhà thu mình trong góc tối. Sau mỗi lần công an gọi ra phường hoặc đến nhà trao đổi, điều tra, tâm lý của Lài càng nặng nề hơn. Lài muốn tự tử nhiều lần nhưng người nhà đã kịp thời phát hiện và ngăn lại. Đỉnh điểm, sau khi tự tử không thành, Lài đã bỏ nhà đi, khiến gia đình một phen tá hoả đi tìm. Hiện cô bé đã được gia đình đưa đến Ngôi nhà bình yên của TƯ Hội LHPN Việt Nam để được hỗ trợ sang chấn tâm lý.
Trao đổi với PNVN, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ khẳng định, những trường hợp như bé Lài bị sang chấn tâm lý nặng nề sau khi bị xâm hại tình dục không hiếm. Trong nhiều năm làm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em bị xâm hại tình dục, luật sư Ngọc Nữ đã chứng kiến và vô cùng bức xúc khi nhiều bị hại đã bị sang chấn tâm lý nặng hơn trong quá trình cơ quan chức năng điều tra sự việc.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết thêm: "Có một số vấn đề mà tôi cho rằng có thể hạn chế hoặc làm giảm độ sang chấn tâm lý cho trẻ. Ví như, cán bộ điều tra không được hỏi bị hại nhiều lần, chỉ hỏi 1-2 lần nếu cần xác minh thông tin, mỗi lần trong vòng 15 đến 30 phút. Bởi mỗi lần hỏi bị hại là thêm một lần bé phải thuật lại sự việc. Thêm nữa, khi cán bộ điều tra hỏi về sự việc phải có người giám hộ. Và dù đối tượng xâm hại có thừa nhận sự việc hay không, cán bộ điều tra cũng tránh hỏi đi hỏi lại, buộc bé phải kể lại sự việc đáng sợ như thế. Ngoài ra, tôi cho rằng nếu bị hại là trẻ em gái thì người điều tra viên cần là nữ giới. Quá trình hỏi phải nhẹ nhàng, làm sao để các cháu thấy sự thân thiện, gần gũi, tin cậy ở cán bộ điều tra", luật sư Ngọc Nữ nói.