pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nếu con người không làm việc này trong 1 tuần, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng
Đó là ngủ.
Thiếu ngủ khiến chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng. Nếu không ngủ trong một tuần, cơ thể con người có thể gặp phải nhiều hậu quả khôn lường.
Theo các nhà khoa học, việc thức cả ngày tương đương với việc nồng độ cồn trong máu là 0,1%. Từ đó, tâm trạng, mức độ căng thẳng và sự thèm ăn cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tiếp theo, sau 36 giờ không ngủ, các hormone trong cơ thể người như cortisol, insulin, hay hormone tăng trưởng cũng sẽ mất cân bằng. Vì thiếu ngủ nên con người có thể đưa ra các quyết định mạo hiểm, không linh hoạt trong lập luận và thậm chí là ăn nói kém đi.
Khi thức đến đêm thứ hai liên tiếp, đây sẽ là một cuộc chiến thực sự. Bởi vào thời điểm này, chúng ta thậm chí có thể phải trải qua giấc ngủ ngắn. Đến khi não bộ đi vào trạng thái giống như giấc ngủ không chủ đích, thức dậy sau trạng thái này sẽ khiến chúng ta bị mất phương hướng và bối rối.
Các nhà khoa học cho biết, sau 48 giờ không ngủ, hệ thống miễn dịch của con người sẽ bị gián đoạn. Cơ thể sẽ ít khả năng phòng vệ khi đối mặt với những mối đe dọa sức khỏe, chẳng hạn như vi khuẩn, virus.
Sang ngày thứ ba, cơ thể thiếu ngủ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ của con người. Cụ thể, chúng ta sẽ không thể làm các công việc cơ bản, hoặc không thể tập trung hay chú ý. Đến lúc đó, chúng ta sẽ trở nên cáu kỉnh, lo lắng và chán nản, rất khó để nhận ra sự khác biệt giữa vẻ mặt tức giận và vui vẻ.
Sau 72 giờ không ngủ, nhận thức của chúng ta sẽ thay đổi đáng kể. Chúng ta có thể gặp phải ảo giác, nhìn thấy những thứ không tồn tại, hoặc sẽ bị ảo tưởng và hiểu sai sự vật đang tồn tại.
Một điều thú vị là bất chấp tất cả những nguy hiểm trên, bằng một cách nào đó con người vẫn vượt qua được giờ thứ 168. Đây là thời gian vừa đủ một tuần. Tuy nhiên, hậu quả có lẽ còn khó lường hơn, bởi con người lúc này rất khó giữ được sự tỉnh táo.
Ngủ quá nhiều để lại hậu quả nghiêm trọng
Không chỉ thiếu ngủ, việc ngủ quá nhiều cũng để lại nhiều hậu quả cho sức khỏe con người.
Một nghiên cứu công bố ngày 31/5, với sự tham gia dẫn đầu của Giáo sư Yun Ji-Eun tại khoa Thần kinh ở Bệnh viện Bucheon, ĐH Soonchunhyang và Giáo sư Yun Chang-Ho từ khoa Thần kinh tại Bệnh viện Bundang, ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, kéo dài từ năm 2009 đến năm 2018. Nghiên cứu này có sự tham gia của 2.836 và 2.501 người tương ứng.
Cụ thể, nghiên cứu cho biết, những đặc biệt của giấc ngủ khác nhau, trong đó gồm thời gian thức dậy, giờ đi ngủ, thời gian ngủ, loại nhịp sinh học, độ trễ do xã hội, việc buồn ngủ vào ban ngày, chứng mất ngủ và chất lượng giấc ngủ. Những đặc điểm này được kiểm tra kỹ lưỡng và phân tích về mối tương quan với căn bệnh trầm cảm.
Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc ngủ quá nhiều cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị trầm cảm. Những người ngủ nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 1,32 đến 2,53 lần so với người chỉ ngủ đủ 7 tiếng.
GS Yun Chang-Ho tại ĐH Quốc gia Seoul nhấn mạnh thêm rằng, việc ngủ không đủ thời gian và chất lượng giấc ngủ kém có thể góp phần dẫn tới hàng loạt bệnh, chẳng hạn như đột quỵ và rối loạn tim mạch. Vị chuyên gia này nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đạt được thời lượng ngủ phù hợp và cảnh báo mỗi người không nên ngủ ít hơn 5 giờ hoặc quá 9 giờ.
Theo các chuyên gia, hành vi trước khi ngủ có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ của một người. Chẳng hạn, thói quen sử dụng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ.
Trong một hội nghị chuyên đề về giấc ngủ vào tháng 3 tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Jeon Jin-sun, Giáo sư thần kinh học tại Đại học Hallym, cho rằng, thời gian ngủ tăng lên lên là do thời gian làm việc ngắn hơn và đặc biệt là do sự thay đổi văn hóa ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thời gian ngủ tăng lên chủ yếu là kết quả của việc ngủ kéo dài vào cuối tuần.
Trên thực tế, theo các nhà nghiên cứu, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, tăng cường sức khỏe não bộ của con người. Cụ thể, trong khi ngủ, có những vùng não chịu trách nhiệm củng cố trí nhớ được kích hoạt nhằm hỗ trợ tổ chức, lưu giữ các ký ức hàng ngày. Vì vậy, thiếu ngủ sẽ dẫn tới làm tăng nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ, trong đó bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Ngủ không đủ giấc có thể làm cản trở quá trình loại bỏ độc tố của hệ thống tuần hoàn não. Điều này dẫn tới nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.
Để thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn, đồng thời bảo vệ sức khỏe não bộ, bác sĩ Park Hye-ri, Giáo sư thần kinh học tại Bệnh viện Ilsan Paik, cho rằng có một số thói quen như tránh ngủ trưa, uống rượu, sử dụng điện thoại thông minh trước khi ngủ. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giấc ngủ, mỗi người cũng nên tuân thủ thời gian ngủ và thức dậy đều đặn, và tăng cường hoạt động vào ban ngày.