pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu từ tín dụng xanh
Ảnh minh hoạ: ST
Xu hướng chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và đảm bảo an toàn công bằng về xã hội.
Không nằm ngoài xu hướng này, Việt Nam cũng đã thực hiện các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh qua từng giai đoạn. Cụ thể, bên cạnh Chiến lược Tăng trưởng xanh "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050", Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, Việt Nam cần huy động được nguồn lực tài chính rất lớn, đây cũng là vấn đề trăn trở của nhiều doanh nghiệp khiến gia tăng tâm lý e ngại khi chuyển đổi xanh.
Tín dụng xanh tăng trưởng đều đặn nhưng kéo theo rủi ro về nợ xấu
Tại Hội thảo khoa học về chủ đề "Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, doanh số tín dụng xanh toàn cầu đã tăng 12 lần trong 5 năm qua, lên mức 661 tỷ USD vào năm 2023.
Ở Việt Nam, khung pháp lý về thể chế liên quan đến hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đang ngày càng được hoàn thiện như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030,…
Ngành ngân hàng cũng đã liên tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn điều chỉnh hoạt động tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững tại các tổ chức tín dụng và trung gian tài chính Việt Nam.
Trong quá trình đó, có thể nói, sự phát triển tín dụng xanh đã dần đáp ứng được phần nào nhu cầu vốn xanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đáng nói, dư nợ tín dụng xanh đã tăng trưởng đều đặn qua các năm, tăng từ gần 60.000 tỷ đồng vào năm 2018 lên hơn 340.000 tỷ đồng vào năm 2023, với mức tăng trung bình là gần 49%/năm.
Dù vậy, bà Hoàng Anh nhấn mạnh, quy mô tín dụng xanh vẫn còn tương đối khiêm tốn so với tổng tín dụng hệ thống. Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tăng từ mức 3,33% vào năm 2018 lên mức 4,5% vào cuối năm 2023, con số này còn khá ít so với tổng dư nợ.
Cùng với đó, bà nêu ra những hạn chế còn tồn tại với tín dụng xanh hiện nay, nguồn vốn xanh huy động từ thị trường cho nền kinh tế đang phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng xanh, từ đó, đặt ra yêu cầu vốn tương đối lớn cho các nhà băng. Trong khi đó, chương trình tín dụng xanh còn gặp nhiều thách thức bởi thiếu vốn xanh huy động do thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng xanh tại nước ta còn chưa bền vững khi chủ yếu động lực tăng trưởng là từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước hơn là nhu cầu phát triển của các Ngân hàng thương mại; Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành vẫn chỉ mang tính tham khảo,…
Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế trên được bà đưa ra là bởi khung pháp lý chưa có sự đồng bộ về tiêu chí "xanh" và còn dàn trải, chưa phù hợp; nhân lực tín dụng xanh còn thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm,…
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, dư nợ tín dụng xanh đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các ngân hàng đối với lĩnh vực này.
Nhưng, thực tế các doanh nghiệp chuyển đổi xanh vẫn gặp nhiều khó khăn đến từ nguồn vốn, trong khi, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia vào hoạt động tín dụng xanh và tài chính xanh.
Cùng với đó, nguồn vốn cho vay các dự án xanh thường khá lớn, do chi phí chuyển đổi xanh cao, thời gian hoàn vốn dài, tính đảm bảo của dự án không chắc chắn để hồi vốn, sinh lời,… điều này đang gây ảnh hưởng và tạo ra áp lực nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng.
Cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn "xanh"
Từ những thực trạng trên, bà Bình đề xuất một số khuyến nghị như sau: Cơ quản quản lý cần sớm ban hành danh mục dự án xanh, bổ sung tín dụng xanh là lĩnh vực được hưởng lãi suất ngắn hạn tối đa; Tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực các bên liên quan về tính dụng xanh, trái phiếu xanh qua đào tạo, tập huấn,…; Hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn, xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh thống nhất, đây được cho là việc làm quan trọng và cần nhanh chóng giải quyết nhất hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt và cần quan tâm nhất là hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh để làm cơ sở cho các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi xanh, các dự án xanh được thực hiện hiệu quả, cùng như hỗ trợ việc tiếp cận nguồn vốn,...
Ngoài ra, ông đề xuất thêm các giải pháp cho phía các cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp:
- Chính phủ có thể thực hiện những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh;
- Xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, và tạo động lực phát triển tài chính xanh;
- Chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút thêm nguồn vốn;
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế.