Ngày Gia đình Việt Nam: Đừng vắng dần những lời thưa gửi

Đinh Thu Hiền
28/06/2020 - 10:30
Ngày Gia đình Việt Nam: Đừng vắng dần những lời thưa gửi
Những đứa trẻ tập trung nghe các bản tình ca của Sơn Tùng M-TP, của Jack, và chơi game khi ở trong nhà. Các lời thưa gửi với người lớn cũng đã vắng dần, thay thế vào đó là các từ tiếng Anh thông dụng…
Ngày Gia đình Việt Nam: Đừng vắng dần những lời thưa gửi - Ảnh 1.

Dù xã hội phát triển hiện đại tới cỡ nào, thì sự yêu thương và gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, vẫn vô cùng cần thiết

"Bye mẹ, con đi học"

Tuần rồi, hầu hết các khối học từ tiểu học, THCS, THPT đều tập trung thi cuối năm. Buổi sáng sớm, các tuyến đường tại đô thị đông nghẹt phụ huynh đưa con cái tới trường. Những đứa trẻ ngồi sau xe gắn máy gặm bánh mỳ, hoặc ngủ gà gật trên xe bus, là hình ảnh thường thấy nhất tại các thành phố. 

Người lớn đã quen với sự chộn rộn kẹt đường và con trẻ cũng quen với sự vội vàng buổi sáng. Cuộc sống hối hả, khiến các sinh hoạt đời thường của nhiều gia đình tại đô thị cũng bị thay đổi và khác biệt so với vùng thôn quê, vùng rừng núi. Bữa cơm gia đình ít khi tụ tập được đông đủ các thành viên. Tụi nhỏ thường có 3 bữa tại trường học: ăn sáng, ăn trưa và ăn xế. Vào chiều tối, người ta nghĩ rằng sẽ trở về nhà để nấu ăn và sum họp gia đình, nhưng điều này là bất khả thi với rất nhiều người. Phụ huynh đã mệt nhoài sau 1 ngày làm việc, "chiến đấu" vất vả ở cổng trường khi đón con dưới mùa mưa sầm sập, rồi sau đó lại bắt đầu vào cuộc chiến tiếp diễn: đưa con tới lớp học thêm.

Phương, bà mẹ có 2 người con đang học cấp THCS sống tại Sài Gòn nói, đã nhiều năm nay, gia đình cô chưa có bữa ăn tối nào trước 20h30, trừ ngày lễ tết. Vì vậy mà việc giảm cân là sự khó khăn vô cùng. Cứ mỗi chiều tan sở, vợ chồng Phương lại chia nhau ra đón con và đưa tới lớp học thêm. Có bữa đứa học thêm tiếng Anh, đứa học thêm Toán. Có bữa đứa học đàn, đứa học võ. 

Trở về tới nhà, tụi nhỏ tắm gội, ăn uống xong thì đều chui vào phòng riêng đóng cửa lại nghe nhạc, coi lại bài, hoặc chơi game. Những câu chuyện trao đổi giữa các con và cha mẹ thường được tranh thủ kể lúc chạy xe từ điểm học này qua điểm học khác.

"Nhưng em thấy điều lạ nhất so với tụi mình xưa kia, là giờ tụi nhỏ đi vô lớp học, chỉ vẫy tay và nói: "Bye mẹ, con đi học" hoặc gặp cha mẹ thì rất ngắn gọn: "Hi mẹ", "Hi ba". Không giống thời trước, con nít đi ra khỏi nhà đều khoanh tay: "Thưa ba mẹ, con đi", hoặc gặp lại phụ huynh cũng đều khoanh tay: "Thưa ba mẹ, con mới đi về". Mà nhắc hoài, các con nói mẹ ơi, sao cứ để tâm bắt bẻ chi vậy, miễn sao tụi con có chào là được rồi", Phương kể chuyện.

Những thế hệ 9x, 10x giờ đây ngồi sau xe gắn máy của cha mẹ, hoặc tự đi xe bus tới lớp, gắn tai nghe nhạc Sơn Tùng M-TP, bàn nhau các câu chuyện trong game hoặc sự buồn bã của ca sĩ Jack sau khi đổ vỡ với bạn đồng hành. Sự gắn kết gia đình cũng vì vậy mà theo cách riêng của chúng. Khác hẳn và ít để tâm hơn với sự kỳ vọng cẩn thận của các phụ huynh thế hệ 7x – vốn bị ảnh hưởng bởi sự dạy dỗ theo truyền thống cũ.

Bỏ điện thoại xuống để giao tiếp

Ngày Gia đình Việt Nam: Đừng vắng dần những lời thưa gửi - Ảnh 2.

Hãy bỏ điện thoại xuống để giao tiếp với người thân

Tôi mỗi lần ra quán cà phê, thường quan sát thấy nhiều gia đình đi chơi cùng nhau nhưng rất ít giao tiếp với nhau. Cha mẹ mỗi người cầm chiếc điện thoại, người lướt facebook, người nhắn tin, người đọc tin tức, người gọi và nghe điện thoại. Và kế bên cạnh, những đứa con cũng bận rộn với ipad hoặc điện thoại của chúng. Đã có lần, tôi ngồi nhìn sang bàn kế bên, 1 gia đình cả ba mẹ và con cái ra quán cà phê hội tụ cuối tuần, nhưng suốt buổi gần như họ không trò chuyện gì. Những chiếc điện thoại là vật bất ly thân. Cho tới tận lúc người mẹ kêu tính tiền, cả gia đình mới ngưng lại và lục tục đứng lên ra về.

Vào dịp Tết năm rồi, tôi có đọc được câu chuyện mang lại nhiều suy ngẫm. Một gia đình lên kế hoạch đi nghỉ cuối năm, nhưng tụi nhỏ không muốn đi, hoặc đi thì cũng yêu cầu được mang đầy đủ laptop, ipad, smartphone. Phụ huynh bực bội quá, bèn để các con ở lại nhà, mang cục wifi theo người đi du lịch cùng. Tới đâu, họ cũng chụp hình, check-in với sự có mặt của cục wifi đó. Còn tụi nhỏ thì ở nhà không có wifi, vô cùng bứt rứt, khó chịu, liên tục điện thoại kêu cha mẹ về nhà. Thực chất là kêu mang wifi trở về.

Câu chuyện của người khác, nhưng cũng rất gần gũi với bất cứ phụ huynh nào, khi thời nay sức ảnh hưởng của cuộc sống trên mạng còn mạnh hơn cuộc sống ngoài đời thực. Rất nhiều gia đình giờ phải làm nhóm chat với các con. Ở trong cùng nhà, nhưng tới giờ ăn phải vô nhóm để kêu gọi các thành viên trong gia đình tụ tập tại bàn ăn. Chúng ta khó mà trách những đứa trẻ mê cuộc sống trên mạng, khi bản thân người lớn, ngay trong giờ ăn, cũng nghe điện thoại hoặc vẫn trả lời tin nhắn, vì công việc hoặc vì các mối liên hệ khác. Đó là chưa kể, rất nhiều người lớn cũng nghiện mạng xã hội còn hơn cả con trẻ. Người ta mang cuộc sống facebook vào giường ngủ, vào bàn ăn, vào các phút giây thư giãn tại phòng khách. Ngôn ngữ giao tiếp của tất cả mọi người cũng đều bị ảnh hưởng bởi trào lưu trên mạng. Vậy sao có thể trách được trẻ phải sống giống như thời xa xưa, khi toàn xã hội chưa xuất hiện mạng xã hội và các clip phản ánh đủ thứ trên trời dưới biển ở youtube?!

Sự gắn kết, yêu thương nhau trong gia đình ở thời nay đã thay đổi theo thời cuộc. Cũng chính vì sống trong thế giới phẳng nên các từ ngữ "Hi", "Bye" ngắn gọn được tụi nhỏ sử dụng thông dụng quá, đã dần thay thế các cụm từ "Thưa nội, thưa ngoại, thưa ba, thưa mẹ". Hình ảnh đứa con nhỏ khoanh tay cúi đầu chào để đi học, hay đi chơi về, đã dần dần ít đi, thưa vắng đi. Người hoài cổ nhớ nhung những kỷ niệm cũ. Người hiện đại thì tặc lưỡi cho qua: Thời này rồi, câu nệ làm chi.

Nhưng, dù xã hội phát triển hiện đại tới cỡ nào, thì sự yêu thương và gắn kết gần gụi nhau giữa các thành viên trong gia đình, vẫn cần thiết vô cùng. Người lớn hòa nhập với sự phát triển của thời đại số, nhưng cũng đừng quên dạy dỗ con trẻ bằng tình yêu và sự sẻ chia mỗi ngày. Hãy bỏ điện thoại xuống, khi ngồi ăn và quay quần cùng gia đình. Hãy dạy trẻ những thói quen chào hỏi với cách lễ phép nhất với người lớn tuổi, ở trong nhà và ra ngoài xã hội.

Chúng ta có thể thưa vắng đi bữa cơm trưa đoàn tụ gia đình, nhưng đừng quên bữa cơm tối hoặc ngày cuối tuần thảnh thơi trò chuyện cùng nhau. Và mong rằng, những lời thưa gửi đừng vắng bóng, bắt đầu từ chính các phụ huynh khi gặp mặt, thăm hỏi phụ huynh của mình.

Vì con trẻ luôn nhìn vào cách hành xử của cha mẹ để học theo, cả điều tốt lẫn điều xấu!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm