Suốt thời gian ở Bồng Sơn, tin nhắn và cái icon mặt cười kia có đủ sức mạnh để “công phá” nỗi cô đơn, mỗi phút giây trong ngày đều trở nên mộng mơ vui vẻ. Một buổi sáng, tin nhắn ấy bảo rằng có người bị cảm, hỏi em có vì thế mà đến Bồng Sơn? Em đã bảo vì em không thích địa danh ấy nên… sẽ không đến. Anh chỉ cười thôi, không trách, không nhắc gì thêm nhưng em biết có tiếng thở dài đã nén lại…
Khi ở trong một cuộc tình, em chỉ biết người đó mà thôi, dường như đã đánh mất thói quen và thời gian của mình chỉ để nghĩ đến người đó. Rất nhiều buổi chiều, khi lướt xe chậm, khi ngồi café, khi một mình lang thang ở nơi nào đó, em tự hỏi, thật ra cuộc sống chẳng bao giờ thay đổi vì ta, vẫn thế thôi cớ sao chỉ vì vắng đi một người ở bên cạnh lại trở nên cô đơn đến vậy? Rồi cũng chỉ có người ấy mới mang nỗi cô đơn ra đi khỏi nơi trú ngụ tưởng cố định trong lòng mình…
Em vẫn nhớ những điều đã cũ, giữ thói quen cũ, đi con đường cũ… Dù tất cả những điều đó dễ làm
em tổn thương. (Ảnh minh họa)
Có những điều mình không bao giờ nên nhớ lại, có những thói quen mình phải bỏ đi, có những con đường tuyệt đối không nên đi lại… Nhưng rồi, dù cố gắng, em cũng không thể ép được bản thân phải thực hiện kế hoạch thay đổi toàn diện con người mình. Em vẫn nhớ những điều đã cũ, giữ thói quen cũ, đi con đường cũ… Dù tất cả những điều đó dễ làm em tổn thương.
Người ta thay đổi. Nhiều thứ khác cũng đổi thay nhưng em, vẫn cũ…
2. Buổi sáng ở Bồng Sơn như thế nào? Anh có đến quán Lưu Ý, nơi có 5 cô gái đẹp nổi tiếng để ăn sáng không? Những đêm, sau 21h30, tan giờ dạy, anh vừa tản bộ vừa trò chuyện với em, anh có mang đêm Bồng Sơn sâu hun hút, những cơn gió lùa vào tán dừa và anh có phân tâm bởi những ngôi sao lấp lánh?
Người ta vẫn cho rằng, người ở gần giữ đã khó, người ở xa rồi chắc gì còn nghĩ đến mình. Em nhận ra, khi một trong hai người phải trải qua những chuyện mà người kia không cùng chia sẻ thì dần dần khi thời gian qua đi, hai tâm hồn không thể đồng điệu được nữa. Nhưng nếu người ta còn nghĩ đến nhau, còn thương nhau, cùng trải qua những buồn vui một cách âm thầm lặng lẽ, cùng nâng niu những ký ức về nhau thì sớm muộn gì cũng sẽ trở về bên nhau...
Buổi sáng ở Bồng Sơn, khi tin nhắn và icon mặt cười không đến. Em xem “Chungking Express” của Vương Gia Vệ - đây là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn, cũng là một trong những bộ phim quyến rũ và ám ảnh nhất về nỗi cô đơn. Phim là hai câu chuyện hoàn toàn khác biệt về chuyện tình của hai nhân viên cảnh sát. “Chungking Express” mô tả nghịch lý của xã hội Hồng Kông: Dù sống trong một thành phố ken đặc người, từng cá nhân ở đó vẫn luôn cảm thấy cô đơn và có một thế giới riêng biệt. 223 là một cảnh sát thất tình, có sở thích sưu tập những hộp dứa hết hạn vào ngày 1/5 (sinh nhật của anh ta). Anh quyết định sẽ yêu người phụ nữ bất kỳ đầu tiên bước vào quán rượu mình ngồi. 663 là một cảnh sát khác, cũng thất bại trong tình yêu đã quyết định bỏ nghề, mua lại một quán đồ ăn nhanh và chờ đợi lời hẹn của cô gái bí ẩn về “giấc mơ California”.
Bộ phim được kéo dài bởi hai câu chuyện, hai mối quan hệ mà cho đến cuối cùng, khó có thể chắc rằng đó là tình yêu. Trên chính trạng thái lơ lửng đó, họ đã chạm vào nhau, đồng thời chạm vào tận cùng nỗi cô đơn không lời.
3. Buổi sáng hôm ấy em không bận việc nhà, không rong ruổi trên những tuyến đường, không café, không tán gẫu, bạn nói hoặc em nói, hay chọn cách im lặng để lấp đầy những khoảng trống trong nhau… Em gõ những dòng chữ cô đơn và tự hỏi: “Buổi sáng ở Bồng Sơn hôm nay thế nào?”…
Khi câu hỏi ấy vừa hiện ra một quãng đủ để phân vân, bộ phim cũng kết thúc và em như nhấm nháp một ly rượu mạnh, cơn say chếnh choáng đến và có nguy cơ kéo dài bất tận dư vị của nỗi cô đơn. Đúng lúc ấy, tin nhắn và cái icon mặt cười xuất hiện: “Anh vừa giật mình tỉnh giấc, đầu anh đau như búa bổ vì mấy lon bia lúc chiều. Anh tỉnh giấc thì đã trưa rồi. Trời còn mưa không em?”.
Lúc ấy, em bước ra đường, nắng rát cháy nhưng buổi sáng với em như mới bắt đầu.
Những buổi sáng ở Bồng Sơn, thực sự thì em đã đến nơi đó rồi, bằng cảm thức…