pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10): Bình đẳng giới là chìa khóa để già hóa khỏe mạnh
Buổi tập dưỡng sinh của người cao tuổi (Ảnh minh họa)
Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, COVID-19 đã tàn phá cuộc sống của hàng triệu người dân trên toàn cầu. Đối với hàng trăm triệu người khác, thiệt hại do đại dịch có thể để lại hậu quả kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Một trong những khía cạnh khó lường nhất của loại virrus này có lẽ là tác hại nó gây ra đối với người cao tuổi. Đây là những đối tượng vốn đã phải đối mặt với nhiều mối đe dọa phức tạp, bao gồm việc dễ bị tổn thương về mặt thể chất; chịu nhiều nguy hiểm hơn trước tác động của cách ly xã hội; rủi ro tử vong cao và nhiều khả năng phải chịu cú sốc kinh tế - xã hội do đại dịch.
COVID-19 đã được chứng minh là cực kỳ nguy hiểm đối với những người có bệnh lý nền từ tiểu đường, hen suyễn cho tới bệnh tim mạch hay ung thư. Ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi cao hơn nhiều so với các nhóm dân số khác. Ngoài tác động đến sức khỏe thể chất, người cao tuổi - đặc biệt là phụ nữ - còn bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe tâm lý xã hội và điều kiện kinh tế do đại dịch.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động của đại dịch đặc biệt nghiêm trọng, làm trầm trọng thêm những thách thức hiện tại liên quan đến tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Hiện tại, đây là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới trên 60 tuổi. Số lượng người cao tuổi trên toàn cầu dự kiến sẽ vượt ngưỡng 2 tỷ vào năm 2050. Khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi sinh sống của gần hai phần ba số người cao tuổi trên thế giới - tương đương gần 1,3 tỷ người - trong đó, cứ 4 người thì sẽ có 1 người trên 60 tuổi.
Tại khu vực này, phụ nữ chiếm đa số trong nhóm người cao tuổi với tỷ lệ khoảng 54%, tỷ lệ phụ nữ ở nhóm dân số "già nhất" (từ 80 tuổi trở lên) thậm chí còn cao hơn khi đạt mức 61%.
Ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19, phụ nữ cao tuổi tại phần lớn các quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn đã phải đối mặt với những thách thức lớn. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn bởi nhiều xã hội đã và đang thay đổi từ cấu trúc gia đình truyền thống: Từ hai thế hệ sang cấu trúc gia đình linh hoạt và phân mảnh hơn. Hệ quả là nhiều phụ nữ cao tuổi, có xu hướng sống một mình ngày càng cao, phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và thường thiếu sự hỗ trợ từ gia đình cũng như các hỗ trợ kinh tế - xã hội khác. Đa phần người cao tuổi không có cơ hội tiếp cận người chăm sóc một cách đáng tin cậy và lâu dài. Do không có lưới an toàn hoặc lưới an toàn chỉ đảm bảo bảo vệ ở mức tối thiểu, nhiều người cao tuổi đã hoặc đang đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói trong thời gian xảy ra đại dịch.
Đại dịch đã khiến cả chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự phải tập trung cao độ vào nhu cầu cấp thiết cần giải quyết vấn đề chuyển dịch nhân khẩu học phức tạp đối với dân số đang già hóa bằng các giải pháp và chương trình mang tính chiến lược. Để làm được điều đó, cần phải có một phương pháp tiếp cận theo vòng đời đối với già hóa khỏe mạnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến phụ nữ và trẻ em gái, dựa trên nền tảng vững chắc về bình đẳng giới và quyền con người.
Cách tiếp cận theo vòng đời dựa trên bình đẳng giới
Để giải đáp vấn đề này, chúng tôi sẽ lấy ví dụ về một người phụ nữ 70 tuổi sống ở một ngôi làng nhỏ nơi người phụ nữ này sinh ra và lớn lên.
Cũng giống như nhiều thế hệ trước đó, người phụ nữ phải kết hôn sớm và chỉ được hưởng giáo dục ở mức tối thiểu. Sau đó, người phụ nữ cũng sinh con sớm, việc mang thai không có kế hoạch và có nhiều rủi ro trong việc sinh con. Người chồng hơn bà rất nhiều tuổi và đã qua đời khá lâu. Bà trở thành quả phụ, không được chuẩn bị để tham gia lực lượng lao động hay tự trang trải cuộc sống. Con cái của bà đã rời làng xóm lên thành phố, việc này càng khiến bà bị cô lập. Đây là hoàn cảnh chung mà rất nhiều người phụ nữ khác hiện đang phải trải qua - những rủi ro, gánh nặng và ảnh hưởng càng gia tăng thêm do COVID-19.
Nhưng hãy thử hình dung, khi còn là trẻ vị thành niên, cuộc đời người phụ nữ đã có thể rẽ theo một hướng khác: Hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và đại học; có một công việc mang lại thu nhập. Kết hôn khi đã trưởng thành và được tự mình ra quyết định; sinh những người con khỏe mạnh, có thể đầu tư vào sức khỏe của các con và an hưởng tuổi già lúc cuối đời.
Nếu vấn đề được giải quyết một cách toàn diện và được củng cố bằng những chính sách tốt hơn, hệ thống xã hội vững chắc hơn và vấn đề bình đẳng giới được thúc đẩy hơn, cuộc sống của những người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ, sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này cũng giúp xã hội tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý giá từ người cao tuổi. Cần thu được "lợi tức tuổi thọ" từ những người cao tuổi khỏe mạnh, năng động, có khả năng tiếp tục đóng góp cho gia đình và tham gia vào cộng đồng.
Trên thực tế, Kế hoạch Hành động Quốc tế Madrid về Người cao tuổi đã nêu rõ cam kết hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn trong một xã hội đang già hóa. Thỏa thuận này khen ngợi việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng đã góp phần tạo ra "một xã hội cho mọi lứa tuổi". Bên cạnh đó, Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), cũng như Chương trình Nghị sự 2030 và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững cũng nhấn mạnh nền tảng của phương pháp tiếp cận này đối với già hóa khỏe mạnh.
Bây giờ, chúng ta phải cùng nhau hợp lực ưu tiên hành động, kinh phí và thực thi mạnh mẽ hơn nữa.
Trong nội bộ UNFPA, chúng tôi cần thực hiện một nhiệm vụ rõ ràng đó chính là tạo điều kiện và nâng cao khả năng tự lực của người cao tuổi, trong đó có phụ nữ. Từ đó, thúc đẩy sự tham gia của nhóm dân số này vì lợi ích của cả xã hội cũng như của chính họ. Chương trình hành động của ICPD vừa là nền tảng, vừa là nguyên tắc chỉ đạo của chúng tôi.
Với vai trò là UNFPA, cơ quan phụ trách sức khỏe tình dục và sinh sản của LHQ, ngày càng có nhiều quốc gia tìm đến chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ về vấn đề già hóa dân số. UNFPA cam kết sẽ giúp đỡ các chính phủ hợp tác toàn diện với các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng.
Năm 2020 là năm bắt đầu Thập kỷ già hóa Khỏe mạnh cũng như Thập kỷ Hành động để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Trong lúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như toàn thế giới, đang tìm cách vực dậy từ những tác động tàn phá của đại dịch COVID-19, chúng ta hãy nắm lấy thời khắc này để biến thách thức già hóa dân số thành cơ hội. Chúng ta phải biến bình đẳng giới và quyền con người thành những chiến lược và cách tiếp cận thực tế nhằm đảm bảo không phụ nữ cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau.