Nghệ sĩ Việt kiều 9x khát khao đưa âm nhạc Việt ra thế giới

12/06/2018 - 20:07
Phạm Thùy My, sinh năm 1994 là người Việt duy nhất được mời làm việc tại công ty âm nhạc lớn Universal Music.
Cô gái 24 tuổi sáng tác hơn 300 ca khúc
Tại Lễ hội âm nhạc điện tử quốc tế NEX Music được tổ chức ở Hà Nội vào đầu tháng 5/2018, tác phẩm được chọn biểu diễn kết thúc chương trình là “Smile” (Nụ cười) do nữ nghệ sĩ người Đức gốc Việt Phạm Thùy My sáng tác, phối khí và biểu diễn.
 
“Hãy để cuộc sống/Lấp đầy khoảng trống/Bằng tiếng cười/Hãy để ngày mai/Yêu thương là mãi mãi”... - ca từ ý nghĩa kết hợp giai điệu âm nhạc sôi động, phần trình diễn của Thùy My đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả tham dự sự kiện âm nhạc lớn này.
 
Với khán giả Việt, Thùy My còn là một cái tên mới mẻ, nhưng tại thị trường âm nhạc Đức, cô là gương mặt trẻ được nhiều người biết đến. Thùy My quê gốc Hải Phòng, sinh ra và lớn lên tại Dresden, CHLB Đức.
 
Mới 24 tuổi nhưng cô đã sáng tác được hơn 300 ca khúc và được nhiều ca sĩ ở nước ngoài lựa chọn để thu âm. Cô cũng là người Việt duy nhất được mời làm việc tại công ty âm nhạc lớn Universal Music.
 
thuy-my-2.jpg
 
Nói về cơ duyên hợp tác với hãng này, Thùy My cho biết: Cô mê âm nhạc từ nhỏ và cứ tự mày mò tập guitar, sáng tác ca khúc và học cách sản xuất âm nhạc. Thỉnh thoảng cô lại đưa những ca khúc mình viết và hát lên trang cá nhân, YouTube cho bạn bè nghe.
 
Tình cờ, một nhà sản xuất âm nhạc của Universal Music nghe các tác phẩm của Thùy My và chủ động liên lạc mời cô hợp tác. “Tôi mê nhạc từ nhỏ, nhưng bố mẹ tôi chỉ muốn tôi học kinh doanh để tiếp quản sự nghiệp của gia đình.
 
Khi nhận lời làm việc với Universal, tôi đang là sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành kinh tế. Khi tôi thông báo rằng mình đã ký hợp đồng với Universal, bố mẹ tôi đã “ngã ngửa”. Nhưng rồi họ cũng tôn trọng, đồng ý cho tôi theo đuổi đam mê của mình”, Thùy My chia sẻ.
 
Lễ hội âm nhạc điện tử quốc tế NEX Music là sự kiện âm nhạc đầu tiên tại quê hương mà Thùy My tham gia. Người mời cô tham dự sự kiện này là nhạc sĩ Minh Trí. Anh đã nghe nhiều tác phẩm của Thùy My và đề nghị cô sáng tác một ca khúc mới cho phần kết thúc Lễ hội.
 
Dù nói và viết tiếng Việt rất tốt, nhưng việc sáng tác ca khúc bằng tiếng mẹ đẻ vẫn là một thách thức với Thùy My và cô phải nhờ bạn của mình là ca sĩ Trang Pháp trợ giúp.
 
Tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt đưa ra thế giới
Trong chuyến về Việt Nam vừa qua, ngoài ca khúc Smile, Thùy My cũng kịp ghi hình một MV ca nhạc quay tại phố cổ Hà Nội. Giai đoạn hậu kỳ của MV được cô chăm chút kỹ lưỡng và sẽ cho ra mắt khán giả vào một thời điểm thích hợp.
 
Nhưng không chỉ phát triển sự nghiệp riêng cho bản thân, Thùy My còn “gánh trên vai” trách nhiệm Universal giao phó: Tìm kiếm tài năng âm nhạc trẻ ở Việt Nam để hợp tác với nhạc sĩ châu Âu. “Quản lý trực tiếp của tôi là người gốc Indonesia.
 
Anh ấy rất quan tâm đến thị trường âm nhạc châu Á và muốn khi tôi trở về nước phải tìm cách kết nối với những tài năng trẻ của Việt Nam để sau đó có thể làm việc được lâu dài”, Thùy My cho biết.
 
Gần 3 tháng ở Việt Nam, cô đã tìm gặp rất nhiều nghệ sĩ trẻ hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội và TP.HCM, trong đó có nhiều tên tuổi như Slim V, Hoàng Touliver... “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.
 
Tôi đang muốn đi cả nhanh và xa nên cần kết hợp cùng các bạn trẻ cùng trang lứa, cùng gu sáng tạo trẻ trung để đưa ra những sản phẩm âm nhạc hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của khán giả”, nữ nghệ sĩ nói.
 
Tuy nhiên, có một điều khiến Thùy My trăn trở: Cô thấy Việt Nam chưa có thị trường âm nhạc đúng nghĩa mà phần lớn nổi lên ở các hoạt động showbiz - tức là chủ yếu thấy đời tư của nghệ sĩ. “Việt Nam thiếu những sân khấu, đêm nhạc của nghệ sĩ dành cho người hâm mộ, thường chỉ là những nghệ sĩ tên tuổi làm liveshow hoành tráng, còn lại là đi biểu diễn ở các buổi tiệc, sự kiện.
 
Điều này rất khác với ở Đức và các nước châu Âu, nghệ sĩ có những buổi diễn thường xuyên. Ngay cả những nghệ sĩ trẻ như tôi cũng có khán giả riêng và chúng tôi thường xuyên tổ chức các đêm diễn nhỏ nhưng vẫn đông khán giả”, Thùy My chia sẻ.
 
Ngoài ra, một khó khăn nữa khi hoạt động âm nhạc tại Việt Nam là vấn đề bản quyền chưa được coi trọng, người ta nghe và xem miễn phí nhiều quá thành ra nghệ sĩ muốn bán sản phẩm của mình cũng khó. “Tôi hy vọng rằng, khoảng 5 năm nữa thị trường âm nhạc Việt Nam sẽ chuyên nghiệp hơn, các sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ được coi trọng hơn, người nghe có ý thức hơn”, nữ nghệ sĩ nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm