Nghệ sỹ Quyền Linh chia sẻ: "Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM ra đời cách đây 4 năm, tôi là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Hội. Hơn 10 năm trước, tôi đã tham gia rất nhiều tổ chức xã hội, đặc biệt là các Hội gắn với quyền lợi của trẻ em, như Hội vì trái tim trẻ em (mổ tim cho em). Tình yêu thương trong mỗi chuyến đi, mỗi công việc cứ thế gắn chặt tôi với trẻ em, với hy vọng muốn góp một phần nào đó cho trẻ em Việt Nam hiểu được quyền của các em.
Cái hay của Hội bảo vệ quyền trẻ em là giúp các em biết được quyền của mình đến đâu? Nếu các em không biết được điều đó, những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em cứ diễn ra như thời gian qua, mà không phải trẻ em nào cũng được bảo vệ chính đáng.
Hàng ngày, các em đi học đã có nhiều cơ sở, tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cá nhân có thể giúp các em đủ ăn, đủ mặc, được đi học, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng khi bị xâm hại, bị bạo lực, các em lại hầu như phải chịu đựng đau đớn, sợ hãi, gánh chịu những hậu quả sang chấn tâm lý cả đời…, ảnh hưởng cả tương lai vì dang dở học hành… mà các em không biết mách ai, kêu ai cứu mình".
Theo nghệ sỹ Quyền Linh: “Trong hàng chục năm đi công tác, làm chương trình, tôi thấy trẻ em ở nhiều vùng sâu, vùng xa còn rất đáng thương. Những vụ bạo hành trẻ em xảy ra quá nhiều, mà tôi không thể can thiệp được, dẫu lúc đó tôi tình cờ bắt gặp, nhưng với gia đình họ, tôi vẫn chỉ là người ngoài từ nơi xa đến… Tôi thấy trẻ em càng ở vùng sâu, vùng xa càng thiệt thòi, quyền của trẻ em ở những vùng này càng bị xâm phạm nghiêm trọng hơn”.
“Nhiều hoàn cảnh tôi day dứt quá sau mỗi chuyến công tác. Như ở vùng nông thôn, các bé cứ đi học về hay đang học bài, đang nấu cơm, cho heo ăn… cũng bị ba gọi đi mua rượu cho ba uống. Ba uống say thì bé đó lại bị ba đánh, bị ba chửi, bị hành hạ bởi chính việc em đi mua rượu về khiến ba bị say, bị mệt”.
“Nhiều hoàn cảnh bi hài, như việc con đi học thì kêu không có tiền đóng học, nhưng ở nhà ba có tiền để ngày nào cũng đi uống rượu, rồi lại say. Thêm cả trường hợp ba mẹ các bé ly hôn, mẹ đẩy các em sang nhà ba, rồi ba lại đẩy em đó về nhà mẹ. Cả 2 bố mẹ đều không ai nhận nuôi con mình, khiến tâm lý của các em vô cùng thất vọng, chán nản. Thậm chí, có bé phải nghỉ học cũng vì cha mẹ ly hôn, người nuôi bé không đủ tiền nuôi con đi học, nên họ cho con nghỉ học đi làm thuê từ lúc mới 10 tuổi hoặc hơn 10 tuổi.
Cha mẹ dường như quên mất quyền của con mình là trẻ em được sinh sống, được đi học. Khi cha mẹ chia tay thì cha mẹ đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, bỏ lại con bơ vơ ra ngoài đời, ra xã hội hoặc cho ông bà, cô dì nuôi giúp. Thậm chí, các em bị bạo hành, bị xâm hại cũng chính từ hoàn cảnh “gia đình đổ vỡ” khi các em phải ở với cha dượng, ở với dì ghẻ” - nghệ sỹ Quyền Linh kể.
“Tôi chỉ mong mọi người lớn đều biết các em có quyền của trẻ em, không ai được xâm phạm quyền đó. Mỗi chúng ta hãy hành động bằng chính việc làm cụ thể dành cho trẻ em, để trẻ em bớt đi thiệt thòi, bớt đi việc bị xâm phạm vào quyền của các em. Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều người còn chưa biết rõ về quyền của trẻ em”.
Quyền Linh nhận định: “Để quyền của trẻ em được đảm bảo, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Chúng tôi là những thành viên của Hội, sẵn sàng làm mọi việc bằng công sức, túi tiền của mình để có thể góp sức bảo vệ quyền cho trẻ em được tốt nhất, nhưng đáng buồn là sự ủng hộ của cơ quan chức năng cho việc này còn rất hạn chế. Chúng tôi không xin tiền, không xin lương bổng, chỉ cần Nhà nước cho chúng tôi 1 cơ chế hoạt động, hỗ trợ chúng tôi chính sách để đi về các vùng miền làm việc dễ hơn với các địa phương, nơi thường xảy ra nạn bạo lực, xâm hại trẻ em. Tôi chỉ mong sao, nhà nhà, người người, không chỉ người lớn, mà tất cả trẻ em Việt Nam đều biết đến quyền của trẻ em” - nghệ sỹ Quyền Linh chia sẻ.