Nghệ thuật 'nhẹ nhàng mà thấm lâu'

17/03/2016 - 00:03
Cô Phạm Thị Anh Đào, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) có nghệ thuật kéo học sinh thoát khỏi cám dỗ, nguy hiểm rình rập.
PHT-Pham-Thi-Anh-Dao-3.JPG
Tham gia hoạt động cùng học trò là cách cô Đào gần gũi với các em - Ảnh: NVCC

Có những việc phải thay phê bình bằng nhắc nhở nhẹ nhàng. Đơn giản như khi các con ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi, cô Đào phải phân tích để học sinh (HS) hiểu, tại sao không nên mặc trang phục như vậy. HS nữ thường thích mặc đồ bó sát, để khoe đường cong cơ thể. Nhiều khi nhìn rất “nóng mắt”, nhưng cô vẫn gọi HS đó ra một góc tỉ tê nói: Nếu các con mặc như vậy sẽ khiến một số gã đàn ông nảy sinh ý đồ không tốt. Chuyện những nữ sinh trẻ bị sàm sỡ, quấy rối không hiếm gặp, vì thế ở tuổi các con chỉ nên mặc những bộ quần áo phù hợp với lứa tuổi.

Hay có những HS thường xuyên “quên” không đội mũ bảo hiểm. Cô lại nhẹ nhàng khen tóc con đẹp, nhưng càng xinh đẹp con càng phải có ý thức bảo vệ mình, vì nếu không may xảy ra tai nạn, lúc đó xinh đẹp cũng không còn ý nghĩa gì. Chưa kể, từ chỗ vô tình, con có thể làm cho bao người phải đau đớn. Hãy nghĩ đến bản thân và những người thân của mình để thay đổi ý thức.

Với giáo viên, cô cũng thường nhắc “Cô như mẹ của học trò nên đừng ngại khi giáo dục giới tính cho trò. Cũng đừng quên trao đổi với phụ huynh để họ chủ động gần gũi, nói chuyện với con về giới tính. Ở các nước, HS được dạy nên uống thuốc tránh thai, đặt vòng… nên đây cũng là chuyện bình thường”.

Khi phát hiện có những “mối tình” ở tuổi vị thành niên, nhìn thấy các em hôn nhau… đừng làm mất mặt các em trước lớp bởi cách làm đó có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường, cả đời phải hối hận.

Cô Đào kể về một HS năm nay đang học lớp 9, bố mẹ chia tay, bố là chủ quán bia hơi, mẹ làm nội trợ. Họ dùng con để “đối phó” với nhau khiến cho HS này trở nên bất mãn, thường xuyên có xu hướng nổi loạn, phá phách. Năm lớp 8 em quấn chặt ngực để giả trai. Cô đã thường xuyên gặp gỡ, phân tích cho em hiểu, hậu quả của việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào. Biết em có khả năng về môn Văn, cô gợi ý với giáo viên Văn để em tham gia kỳ thi Học sinh giỏi cấp trường.

Ngày thi, cô xuống tận sân trường động viên con cố gắng làm bài. Biết được cô tin yêu nên lần thi đó em cũng được giải. HS này cũng tham gia 2 chuyến đi từ thiện cùng trường, trải nghiệm những cảm giác được chia sẻ yêu thương, quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh đã giúp em thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

PHT-Pham-Thi-Anh-Dao-1.JPG
Cô Đào trong một chuyến đi từ thiện ở Tân Sơn, Phú Thọ - Ảnh: NVCC

Nhẹ nhàng mà thấm lâu đó là cách cô Đào làm bạn với HS của mình. Cô nói: “Gia đình tôi có 4 thế hệ làm nhà giáo. Ông nội, bố tôi, tôi và con gái tôi (là giảng viên Học viện Ngân hàng). Mẹ tôi là nữ hộ sinh, sống nhân hậu và vị tha. Có lẽ sinh ra, lớn lên tình yêu thương nên tôi ảnh hưởng nhiều từ tính cách của mẹ. HS thời nay đầy đủ về vật chất, nhưng lại phải đối mặt với quá nhiều cám dỗ. Các em càng mắc sai lầm, càng phải dùng tình thương, sự che chở để giữ các em lại”. Cô cũng thường truyền suy nghĩ này tới các đồng nghiệp của mình với mong muốn những điều tốt nhất cho học trò.

Hầu như ở trường nào cũng có những HS "cá tính" và cách giáo dục các em ở mỗi trường một khác. Nhưng với kinh nghiệm 31 năm trong nghề, cô Đào cho rằng, chỉ cần các em biết rung động với cái đẹp trong cuộc sống, và thầy cô biết tìm ra điểm mạnh của mỗi em để khuyến khích, động viên thì chắc chắn sẽ kéo được các em từ chỗ nguy hiểm về với mình.

Cô Phạm Thị Anh Đào: “Trước khi mong các con thành tài, tôi mong các con giữ gìn sức khỏe, chăm ngoan rồi mới đến học giỏi. Bên cạnh kiến thức, trang bị cho HS kỹ năng sống sót trong xã hội đầy cạm bẫy, nguy hiểm rình rập cũng vô cùng quan trọng”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm