NGND Ngô Xuân Độ: Người xây dựng Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam

NGND Ngô Xuân Độ từng là Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội- một trong những cơ sở giáo dục ĐH có số lượng tuyển sinh mỗi năm lớn nhất cả nước. Nhưng ông được nhắc đến nhiều hơn trong vai trò là người xây dựng cơ sở giáo dục đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam với rất nhiều nỗ lực và tâm huyết…

Hơn 55 năm gắn bó với nghề

NGND Ngô Xuân Độ sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo tại thôn Tiêu (Hồng Thái, Ninh Giang, Hải Dương) trong một gia đình nghèo, đông anh em nhưng đều có chí học hành. Cá nhân, NGND Ngô Xuân Độ từ thuở nhỏ đã nuôi ước mơ được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho học trò.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cơ điện Hà Nội, nhà giáo Ngô Xuân Độ là một trong số rất ít sinh viên được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường. Từ giáo viên, lên làm giáo viên chủ nhiệm, rồi tổ trưởng chuyên môn, phó trưởng ban, trưởng phòng, rồi đến phó hiệu trưởng và hiệu trưởng. 20 năm giảng dạy ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, nhà giáo Ngô Xuân Độ có 10 năm được công nhận là giảng viên giỏi của trường, 8 năm là giảng viên giỏi cấp Bộ và được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc.

NGND Ngô Xuân Độ: Người xây dựng Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 1.

Vợ chồng NGND Ngô Xuân Độ

Gắn bó với nghề hơn 55 năm qua, một trong những niềm vui lớn của NGND Ngô Xuân Độ là khi được Bộ GD&ĐT tin tưởng giao làm Trưởng ban biên soạn xây dựng 4 chương trình trung học nghề điện, phay, nguội, hàn. Bộ giáo trình đó được sử dụng thống nhất ở tất cả các trường đào tạo trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Sau đó, là việc nghiên cứu đề xuất nâng cấp Trường Trung học Công nghiệp trở thành Trường CĐ Công nghệ đa cấp, đa ngành.

"Thời điểm đó, tôi vô cùng vui mừng khi ngày càng có đông sinh viên nhập học. Nếu năm học 1999-2000 chỉ có 5.000 học sinh thì đến năm học 2000-2001 đã có tới 25.000 HSSV. Đại đa số HSSV ra trường có việc và làm được việc ngay - đây là động lực lớn để tập thể giảng viên trong trường hăng say với việc dạy và học"- NGND Ngô Xuân Độ nhớ lại.

Bền bỉ biến ý tưởng thành hiện thực

Năm 2003, nghỉ hưu nhưng NGND Ngô Xuân Độ vẫn ấp ủ mong muốn được cống hiến cho nghề, đặc biệt là nghề dạy kỹ thuật. Trước khi Trường Cao Đẳng tư thục công nghệ Thành Đô ra đời, ông đã sang các nước phát triển như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, đến các trường đại học có mô hình tư thục để học hỏi và tham khảo.

Sau 5 năm thành lập, trường đã gặt hái những thành công ban đầu, NGND Ngô Xuân Độ tập trung quyết liệt cho việc tìm địa điểm. Đến cuối năm 2009, Trường được UBND Thành phố Hà Nội cấp 97.528m2 đất và sau 3 năm đầu tư xây dựng đến năm 2012 thì hoàn thành. Trường Đại học Thành Đô được chuyển về cơ sở mới với cơ sở vật chất khang trang.

NGND Ngô Xuân Độ: Người xây dựng Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 2.

NGND Ngô Xuân Độ- Chủ tịch HĐQT Đại học Thành Đô đánh trống khai giảng năm học mới

"Việc thành lập Trường đã khó vì nhận thức của xã hội lúc đó chưa hiểu, chưa có gì để tin vào trường tư thục. Tiếp đến việc đầu tư xây dựng và công tác tuyển sinh, công tác đào tạo khó khăn càng gấp bội. Ban đầu, Trường chỉ có diện tích gần 6.000 m2 đất, xây 2 nhà 4 tầng với 25 phòng học, 12 phòng chức năng. Trường chỉ được phép tuyển sinh đào tạo hệ Cao đẳng và hệ Trung cấp cho 5 ngành với 600 sinh viên"- NGND Ngô Xuân Độ bộc bạch.

Những khó khăn ban đầu khiến NGND Ngô Xuân Độ phải dày công suy nghĩ và tâm huyết để tìm ra hướng đi cho Trường Đại học Thành Đô. Ông quan niệm, cần có các chương trình, giáo trình đào tạo và phương pháp giảng phù hợp để thu hút được sinh viên và mang đến một môi trường học tập mà ở đó sinh viên được phát triển một cách toàn diện, theo nguyên lý "Trí - năng - nhân - hòa", góp phần vào sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Sau vài năm, từ việc chỉ được phép đào tạo hệ Cao đẳng và hệ Trung cấp, đến nay, Trường đã đào tạo 18 ngành học khác nhau từ CĐ, ĐH, liên thông Đại học và mới nhất là Chương trình Cao học đào tạo Thạc sĩ về chuyên ngành Quản lý Kinh tế vào năm 2018.

Phương pháp đào tạo mang tính thực tiễn cao

Song song với việc cải tiến chương trình đào tạo mang giá trị cốt lõi: Học Trải Nghiệm theo định hướng Học - Hành - Nghề - Nghiệp nhằm phát triển ba nền tảng chính cho người học: thái độ, kiến thức và kỹ năng, đào tạo theo yêu cầu công việc, NGND Ngô Xuân Độ luôn chú trọng vào phương pháp đào tạo để phát triển được năng lực tự chủ của người học bằng phương pháp "Học tập qua các Dự án", ứng dụng mô hình Học kết hợp (blended learning). Đây là một trong những phương pháp đào tạo mang tính thực tiễn cao, giúp sinh viên nắm bắt và kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và tay nghề. Vì thế, trong 15 năm qua, Đại học Thành Đô đã đào tạo hơn 20 nghìn sinh viên ra trường, trong số đó, nhiều khoa có 100% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

NGND Ngô Xuân Độ: Người xây dựng Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 3.

Trường ĐH Thành Đô đào tạo 18 ngành học khác nhau từ CĐ, ĐH, liên thông Đại học và mới nhất là Chương trình Cao học đào tạo Thạc sĩ về chuyên ngành Quản lý Kinh tế vào năm 2018

Để có được thành công ngày hôm nay, không thể không nhắc đến thành viên đồng sáng lập của Đại học Thành Đô là bà Nguyễn Thị Trâm, cũng là người bạn đời, sát cánh cùng NGND Ngô Xuân Độ trong suốt cuộc đời dạy học. Bà luôn luôn âm thầm cống hiến cho sự phát triển của nhà trường.

Lửa nghề đã được NGND Ngô Xuân Độ truyền cho con gái đầu và con trai là TS. Ngô Xuân Hà khi cả hai đều là nhà giáo. TS Ngô Xuân Hà hiện là Hiệu trưởng Đại học Thành Đô. Tiếp nối sự nghiệp của người cha đã hơn 55 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người để xây dựng Đại học Thành Đô thành một địa chỉ thu hút đông đảo sinh viên đến học nhờ vào uy tín, chất lượng và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

NGND Ngô Xuân Độ: Người xây dựng Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh 4.

TS Ngô Xuân Hà (thứ sáu từ trái sang) tiếp đoàn khách Hàn Quốc đến thăm và làm việc tại Đại học Thành Đô

Nối tiếp ước mơ xây dựng Đại học Thành Đô ngày càng lớn mạnh của cha, TS Ngô Xuân Hà bày tỏ, 4 năm liên tiếp trở lại đây, năm nào Đại học Thành Đô cũng có thủ khoa tiêu biểu được vinh danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Trường đã ký kết hợp tác với Kbiz, hiệp hội 500 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Tập đoàn Sun World, Novotel, Ngân hàng Vietinbank, Toyota Việt nam, Samsung Vina… và trở thành một trong những trường Đại học đầu tiên của Việt Nam hiện thực hóa cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, trường cũng rất chú trọng đến việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều trường Đại học ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Mục tiêu phát triển của Đại học Thành Đô không chỉ dừng lại ở việc phát triển trong chất lượng đào tạo và giảng dạy, mà hơn nữa phải đưa Đại học Thành Đô hòa nhập với môi trường giáo dục quốc tế, đó là cơ hội phát triển của Trường cũng như tạo điều kiện cho sinh viên Thành Đô nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung được hòa nhập với nền giáo dục tiến tiến trên thế giới, mở mang kiến thức và phát triển con người.

Đại học Thành Đô - Trường tư thục đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ở bậc đại học toạ lạc trên khuôn viên rộng có diện tích trên 10ha tại Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Từ ngoài nhìn vào, các toà nhà được được thiết kế hiện đại, trẻ trung, sơn màu xanh mát mắt là nơi học tập của hàng ngàn sinh viên các chuyên ngành.

Cơ sở vật chất của Đại học Thành Đô, gồm:

3 dãy nhà 9 tầng với 194 phòng học, 42 phòng thí nghiệm thực hành, thư viện rộng 1.000m2 với 14.000 đầu sách; có thể đáp ứng điều kiện học tập cho 12.000 sinh viên. Đặc biệt, trường có khu Ký túc xá sinh viên, sân vận động trong nhà và ngoài trời đạt chuẩn, có vườn dược liệu 1.000m2 với 148 loại cây thuốc theo danh mục nhóm cây thuốc của Bộ Y tế, có những luống hoa hồng nhiều màu sắc do chính giảng viên và sinh viên nhà trường tự tay chăm sóc; có trung tâm đào tạo lái xe…